Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai
9:51', 4/10/ 2007 (GMT+7)

Mới đây, tôi được ông Mai Xuân Dước, một hậu duệ của cụ Mai, hướng dẫn đến viếng mộ cũ của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng. Ngôi mộ cũ nằm ở gò Vườn Sô (đội 7, cuối xóm Phú An, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Nay, khu vườn này trồng toàn đào, nên nơi đây còn có tên là Vườn Đào.

 

Quang cảnh nền mộ cũ của Mai Xuân Thưởng (người đứng cạnh trụ biểu là Mai Xuân Dước, hậu duệ của cụ Mai).

 

Mộ cụ Mai quay mặt về hướng Nam. Gần mộ cụ còn có ba ngôi mộ khác thuộc dòng họ Nguyễn. Trong bốn ngôi mộ ấy, mộ cụ Mai nổi bật hơn, nhờ tấm bình phong. Giữa bình phong là tấm bia viết bằng chữ Hán. Hai bên có hai trụ biểu, với đôi vế đối, mỗi vế năm chữ: “Hùng tâm phiêu vũ trụ/Nghĩa khí quán càn khôn”. Hai vế đối này trích từ câu đối của chí sĩ Đồng Sĩ Bình, người gốc Thừa Thiên, là bạn thân của Mai Nguyên soái, viết để điếu cụ. Nguyên văn câu đối này là: “Bại trận nhi bất hàng, hùng tâm phiêu vũ trụ, đáo để chiến công lực kiệt, binh tận thế cô, túng sử quốc vận phương long, chí sỹ hồ cam hàm hận huyết/ Đoạn đầu du năng tiếu, nghĩa khí quán càn khôn, tự lai chuyên chế vân loa, nhân vong sự một, ná thử thế tâm mạc đạm, hậu sanh phụng vị hích kỳ danh”.

Ngày ấy, ông Mai Chẩn, con cụ Mai, đã đem câu đối này khoe với người hàng xóm là Lê Đình Cúc. Ông Cúc muốn tâng công, báo với quan Tri huyện. Kết quả là Đồng Sĩ Bình bị bắt, Lê Đình Cúc được thưởng hàm Cửu phẩm văn giai. Xem đôi vế đối, nhớ chuyện xưa, tôi lại nghĩ, nên chăng, cần khôi phục lại câu đối này tại Lăng Mai Xuân Thưởng, bởi không chỉ mang ý nghĩa thâm sâu, nói lên được chí khí kiên cường của một con người yêu nước, câu đối còn khắc ghi kỷ niệm về một tình bạn đẹp.

Năm 1961, hài cốt cụ Mai được đưa về trí trạch tại đỉnh ngọn đồi của dãy Hoành Sơn, được gọi là núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường). Lễ đưa hài cốt cụ về nơi an táng mới do các làng ở gần đấy tổ chức, rất trọng thể, có cờ xí, chiêng trống, âm nhạc. Ông Mai Quang được ủy nhiệm đứng chủ bái lễ cáo và quán xuyến việc lấy cốt. Hốt cốt xong, mối lại đùn lên ngôi mộ cũ, nên chỉ cần lấy đất đổ sơ, vun lại thành núm, ngôi mộ lại có hình dáng như khi chưa hốt cốt. Tưởng nhớ nơi chôn cất đầu tiên của cụ, cứ đến ngày giỗ cụ, con cháu vẫn tìm về đây thắp hương.

Cô Trần Thị Minh Cảnh (hiện ở Mỹ), cháu nội của Chánh Tổng Chiếu, thuật lại lời cha cô lúc còn sống, kể về cái chết của cụ Mai. Trước khi thọ hình, mặt cụ Mai không hề biến sắc. Cụ dõng dạc bước lên đoạn đầu đài, quay về hướng Bắc, lạy năm lạy đền đáp ơn vua, lại quay về hướng Tây lạy bốn lạy trả công ơn sanh dưỡng, rồi thong thả ngâm bài thơ Đường luật: “Chết nào có sợ chết như chơi/ Chết bởi vì dân, chết bởi thời/ Chết hiếu bao nài xương thịt nát/ Chết trung đâu quản cổ đầu rơi/ Chết nhân sử để vang ngàn thưở/ Chết nghĩa danh bia rạng mấy đời/ Thà chịu chết trong hơn sống đục/ Chết nào có sợ, chết như chơi”.

Đao phủ, sau khi câu cây tre xuống, cột dằng lại, đã buộc tóc của cụ Mai vào đọt tre. Khi có lệnh, đao phủ chém đầu cụ, đồng thời, dứt dây cột ở đầu tre. Vậy là đầu cụ Mai bị đưa lên lơ lửng trên không trung. Trước khi chém, đao phủ rải rơm rồi trải vải lên, bởi chúng vẫn tin rằng, để máu thấm vào đất, sẽ khơi lên cái tinh thần bất khuất chống đối. Những người bị chúng chém đầu trong đợt này cùng với cụ Mai, chỉ chôn có thân mình, không có đầu. Trừ trường hợp của cụ Mai Xuân Hóa, do gia đình có quen với đám canh giữ đầu, nên dùng tiền mua chuộc. Do vậy, khi mãn lệnh giữ đầu ba tháng, chúng trao lại đầu cụ Hóa cho gia đình đem về.

Nền ngôi mộ cũ của cụ Mai cách không xa lăng mộ của cụ hiện nay tại Bình Tường. Từ lăng mộ này, nhìn về hướng Nam chừng vài ba trăm thước, ta sẽ thấy chóp núi Hòn Dũng. Khác với các núi khác, chóp Hòn Dũng không nhọn lại bằng. Nơi đây, nước chảy quanh năm, có ruộng cấy lúa, có đất thổ trồng đậu, trồng khoai. Trước đây, lực lượng Cần Vương đã dùng nơi này làm điểm trú quân. Từ chóp Hòn Dũng, ta lại có thể nhìn thấy thắng cảnh Hầm Hô, nơi có chiến khu của phong trào Cần Vương như Linh Đổng, Lộc Đổng. Địa thế của lăng lại đối diện với hòn núi Một, hòn núi côi cút nằm ở hữu ngạn sông Côn thơ mộng. Ngắm cảnh trí đẹp, vọng tưởng đến chí khí của một con người yêu nước, lòng ai không thấy ngưỡng vọng, bồi hồi.

  • Mạc Trác
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)