|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh: Đ.M.Q |
Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho ra mắt công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung” (NXB Thuận Hóa, 2007), khẳng định vị trí lăng mộ vua Quang Trung ở trong phạm vi bốn chùa Thiền Lâm - Vạn Phước - Diệu Đức - Kim Tiên thuộc ấp Bình An (phường Trường An, TP. Huế). PV. Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
* Khó khăn lớn nhất trong hành trình tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung là gì, thưa ông?
- “Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” là một đề tài rất khó. Các nhà sử học trong Nam, ngoài Bắc hơn nửa thế kỷ qua (kể cả người Pháp, đặc biệt là L. Cadière) đã bó tay từ lâu. Đối với một người nghiên cứu “nghiệp dư” xuất thân từ một người làm thơ, viết văn như tôi, lại càng khó gấp bội. Cụ thể hơn, tôi chưa từng được biên chế trong một tổ chức nghiên cứu văn hóa - lịch sử hay khảo cổ học nào, nên cái khó đầu tiên là không có thời gian nghiên cứu, không được cơ quan nào tài trợ, không có phương tiện nghiên cứu, không có “tư cách pháp nhân” để vào các cơ quan Nhà nước (như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các kho lưu trữ quốc gia) sao chép tư liệu; thông tin khoa học tìm ra không được tổ chức phản biện đánh giá.
* Vậy điều gì đã giúp ông vượt qua được những khó khăn ấy?
- Tôi vượt qua nhờ trái tim yêu Huế, yêu lịch sử, tự hào về Nguyễn Huệ - Quang Trung. Tôi vượt qua được bằng niềm tin, cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và sự chia sẻ của các bậc thức giả gần xa.
* Việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung từng tốn không ít giấy mực và được các nhà sử học xem là một đường hầm không lối thoát. Vậy tia sáng nào đã giúp ông phát hiện, để đi đến kết quả như hôm nay?
- Tôi là một nhà nghiên cứu nghiệp dư. Tôi yêu Huế, tất cả các thông tin có liên quan đến Huế qua các nguồn tư liệu lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn học… tôi đều thu nạp. Ánh sáng cuối đường tôi tìm được là qua các nguyên chú trong thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích thời Quang Trung. Ngô Thì Nhậm viết: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Phan Huy Ích cho biết: Lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm. Tôi là người đầu tiên phát hiện ra thông tin cực kỳ quan trọng ấy. Sau hơn 50 năm Đan Dương lăng bị “tận pháp trừng trị”, sử nhà Nguyễn (bộ Đại Nam liệt truyện) mới viết “mộ Huệ táng vu Hương Giang chi nam” (lăng mộ của Nguyễn Huệ táng ở bờ nam sông Hương”. Những thông tin ấy là ngọn hải đăng hướng dẫn cho quá trình khám phá của tôi.
* Lăng Đan Dương đã bị xóa hết dấu vết, vậy ông còn bỏ trên 20 năm để “khám phá” làm gì?
- Giả như, dấu vết lăng mộ vua Quang Trung đã bị xóa hết, nhưng dấu vết của Cung điện Đan Dương “phụng chứa” Lăng Đan Dương làm sao xóa hết được? Mà cung điện đó ở đâu cũng phải xác định, để đặt một bát hương, để cho người Việt hôm nay đến bái lạy, nhớ ơn người anh hùng Áo vải chứ? Mà xác định được Cung điện Đan Dương thì chuyện xác định vị trí cụ thể của Lăng Đan Dương còn có gì là khó!
* Sau nhiều bài viết và những cuộc thảo luận, lần này, ông quyết định bỏ tiền túi ra in một cuốn sách về vấn đề này. Vậy mục tiêu của lần công bố này là gì?
- Công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương - Lăng Đan Dương hết sức phức tạp. Tài liệu hiện vật bằng nhiều chất liệu, ngôn ngữ khác nhau. Hiện vật đang nằm ngoài trời, dưới đất, có thứ dân chúng lưu giữ, có thứ các chùa đang dùng, nhân chứng kẻ còn, người mất...Nếu ngồi chờ các cơ quan chức năng đoái hoài thì e “dấu tích lăng mộ vua Quang Trung” sẽ bị “hủy diệt” lần nữa. Năm nay, tôi đã 71 tuổi rồi, sức khỏe kém, sợ có những biến động về sức khỏe thì sẽ không truyền đạt được những gì mình đã làm. Bởi vậy, tôi “liều” xuất bản công trình nghiên cứu, trước khi thanh thản vào bệnh viện chữa bệnh.
|
Bìa cuốn sách mới xuất bản về đề tài đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung của Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh: V.T |
* Trong vấn đề tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung, liệu còn có vấn đề gì chưa được làm sáng tỏ, cần phải nghiên cứu thêm?
- Kết quả nghiên cứu của tôi khẳng định Cung điện Đan Dương - Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung là hậu thân của Phủ Dương Xuân nằm hai bên bờ Suối Tiên trong khoảng không gian 4 chùa Thiền Lâm - Vạn Phước - Diệu Đức - Kim Tiên thuộc ấp Bình An (phường Trường An, TP. Huế) hiện nay. Chỉ còn một việc chưa được khẳng định là huyệt mộ từng táng thi hài của vua Quang Trung vào mùa thu năm 1792 cụ thể ở vào địa điểm nào trong khu vực Cung điện Đan Dương ấy thôi. Đây là việc của các nhà khảo cổ học.
* Tất cả những phát hiện trên vẫn còn ở trên giấy. Vấn đề là khai quật để tìm bằng chứng khảo cổ học. Vậy ông đã chính thức đặt vấn đề này với các cơ quan hữu trách?
- Từ năm 1992 đến nay tôi đã đặt vấn đề này với tất cả các cơ quan chức năng và địa phương liên quan. Nhưng tôi đã chỉ được hồi âm bằng sự im lặng tuyệt đối. Bây giờ thì khác, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm đến vấn đề này, chỉ còn kinh phí và thời gian thôi. Sau lần chữa bệnh này, tôi sẽ tiếp tục cùng các ngành chức năng thực hiện ngay những việc cần làm. Tôi hy vọng một ngày không xa, Cung điện Đan Dương sẽ được xây dựng. Và một góc trời Cố đô Huế thời đại Quang Trung sẽ khiêm tốn xuất hiện bên cạnh Cố đô Huế của 13 đời vua Nguyễn.
* Xin chân thành cảm ơn ông.
|