Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.
11:25', 19/11/ 2007 (GMT+7)

Sau cao trào cách mạng 1930-1931, trước những đợt khủng bố trắng của địch, các tổ chức Đảng đầu tiên được thành lập năm 1930 đều bị vỡ. Từ 1932-1935, phong trào cách mạng trong tỉnh Bình Định gặp nhiều tổn thất, khó khăn. Cuối năm 1936, chi bộ Hồng Lĩnh ra đời đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng tỉnh nhà. Người có công sáng lập Chi bộ Hồng Lĩnh là ông Huỳnh Đăng Thơ.

Ông Huỳnh Đăng Thơ sinh năm 1898 tại làng Đại An, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng nên ông được kết nạp Đảng từ cuối năm 1930 tại nhà tù Kon Tum. Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch đàn áp đẫm máu, chi bộ nhà tù Kon-Tum bị vỡ. Ông Huỳnh Đăng Thơ, Bí thư chi bộ và Ban Chi ủy đều bị địch bắt. Trong tù, ông đã nêu cao dũng khí cách mạng, kiên cường đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn tra tấn, khai thác của địch, tuyệt thực kéo dài liên tục 21 ngày. Noi gương ông Huỳnh Đăng Thơ, ông Huỳnh Liễu, quê Phú Yên cũng tuyệt thực 18 ngày. Không có chứng cứ buộc tội hoạt động cộng sản, địch kết án ông Huỳnh Đăng Thơ 3 năm tù giam về tội "tình nghi cộng sản" và đày đồng chí lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông được Phan Đăng Lưu dìu dắt, giúp đỡ và giao nhiệm vụ tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp của Đảng. Cuối năm 1934, mãn hạn tù, địch đưa ông về an trí tại làng Đại An để quản thúc.

Tại nơi chôn nhau cắt rốn, nhờ học được nghề bốc thuốc Nam ở trong tù, có cớ để đi lại dễ dàng, ông Huỳnh Đăng Thơ đã dùng nhiều phương thức tuyên truyền khôn khéo như ngâm thơ ca yêu nước, kể chuyện lịch sử, thăm nghèo hỏi khổ...giáo dục, giác ngộ, vận động, tập hợp một số thanh niên, nông dân ưu tú của các làng Đại An, Đại Bình (An Nhơn), An Vinh, Thủ Thiện, Lai Nghi (Bình Khê) để giới thiệu phát triển Đảng. Cuối năm 1935, ông bắt liên lạc được với ông Huỳnh Liễu cũng bị địch quản thúc tại La Hai, và giới thiệu hai ông Trương An (Bình Khê), Huỳnh Đăng Chi (An Nhơn) để kết nạp Đảng và thành lập một tổ Đảng tại quê nhà, trực thuộc chi bộ La Hai (Phú Yên). Sau đó, ông Huỳnh Liễu, đại diện chi bộ La Hai ra Đại An kết nạp thêm 4 đảng viên nữa.

Phong trào cách mạng ngày càng cao đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng tại địa phương trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân. Ngày 20.10.1936, tại Hòn Chùa trên đồi Đại An, ông Huỳnh Đăng Thơ đứng ra thành lập chi bộ Đảng mang tên Hồng Lĩnh, một ngọn núi cao ở Nghệ Tĩnh, tượng trưng cho sức mạnh cao trào Xô viết. Lúc mới thành lập, chi bộ có 7 đảng viên do ông Nguyễn Mân làm Bí thư. Vì đang bị quản thúc nên ông Huỳnh Đăng Thơ chỉ làm cố vấn. Đầu năm 1937, chi bộ Hồng Lĩnh nối được liên lạc với Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Khoảng tháng 4.1937, ông Huỳnh Đăng Thơ thay mặt chi bộ Hồng Lĩnh ra Huế dự cuộc họp cán bộ Đảng các tỉnh miền Trung. Tại cuộc họp này, Xứ ủy Trung Kỳ chính thức công nhận chi bộ Hồng Lĩnh và giao chi bộ trách nhiệm như một đảng bộ tỉnh, khôi phục và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng tỉnh Bình Định. Chấp hành chỉ thị của Xứ ủy, đảng bộ Hồng Lĩnh phối hợp với đảng bộ các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Ban Cán sự liên tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

Hai năm 1936-1937, đảng bộ Hồng Lĩnh tích cực đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng trong các làng, các xưởng dệt thủ công tại An Thái và hãng dệt Delignon, mở đại lý bán sách báo công khai của Đảng tại Đại An. Đến cuối năm 1937, số đảng viên của các huyện An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát lên tới 35 người. Theo chủ trương của trên, số đảng viên ở Bình Khê được tách ra thành lập một chi bộ mới, nhưng hai chi bộ vẫn hội họp, học tập và hoạt động chung. Đảng bộ Hồng Lĩnh đã tích cực tuyên truyền vận động thành lập nhiều hội quần chúng hợp pháp như Hội tương tế, tương ái, Hội vòng công, Hội trợ tang, Hội bóng đá, Hội đi săn, Nhóm đọc sách báo...Trên cơ sở đó, từng bước hình thành công hội đỏ, nông hội đỏ tại nhiều làng của các huyện An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát. Có các tổ chức cách mạng làm nòng cốt, đảng bộ phát động và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, chống thuế, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, chống phát-xít...

Tháng 9.1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Phát-xít Nhật nhảy vào xâm chiếm Đông Dương. Pháp Nhật ra sức khủng bố, đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta. Nhiều đảng viên của đảng bộ Hồng Lĩnh bị địch bắt, một số đảng viên phải chuyển vùng hoạt động. Ông Huỳnh Đăng Thơ chuyển ra Hoài Ân hoạt động, tiếp tục xây dựng, phát triển thực lực cách mạng cho đến ngày các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Huỳnh Đăng Thơ được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hoài Ân. Cuộc kháng chiến chống Pháp toàn thắng, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Năm 1955, ông Huỳnh Đăng Thơ tập kết ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, có vinh dự được gần Bác Hồ cho đến khi nghỉ hưu.

Năm 1992, vì tuổi cao sức yếu, ông Huỳnh Đăng Thơ từ trần, thọ 94 tuổi.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)