Hôm nay (15.12), Bảo tàng Quang Trung chính thức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. 30 năm qua, Bảo tàng Quang Trung đã luôn cố gắng để xứng đáng là nơi “gìn giữ những báu vật thời Tây Sơn”.
|
Du khách TP. Hồ Chí Minh đang tham quan Bảo tàng. Ảnh: N.T
|
* Giữ “kho báu Tây Sơn”
Để có được hơn 11.057 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế, cùng nhiều tài liệu khoa học khác đang được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung như hiện nay, là cả một quá trình phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng suốt 30 năm qua. Bước chân sưu tập của họ không chỉ thu hẹp trong phạm vi địa phương, mà đã đến bất cứ nơi nào in dấu nhà Tây Sơn, đặc biệt là các tỉnh ở miền Bắc, từ Ninh Bình, Thanh Hóa; đến Hải Dương, Hà Tây, Nam Định, Hà Nội…
Ông Trần Đình Ký, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Những hiện vật thời Tây Sơn có giá trị lớn, như sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng… thời Tây Sơn được người dân các tỉnh phía Bắc gìn giữ và xem như báu vật. Vì vậy, đôi khi, để thuyết phục họ trao lại cho Bảo tàng, là cả vấn đề không đơn giản”.
Lần tìm được kho tiền đồng trong kho lương của nhà Tây Sơn ở Cát Tiến (Phù Cát) năm 1998, cũng là một sự kiện đáng nhớ, bởi đây là bộ sưu tập có giá trị rất lớn. Hôm đó, nhận được tin người dân báo rằng đã phát hiện các hũ gốm đựng tiền đồng, các nhân viên Bảo tàng lập tức có mặt và “mừng rơn” khi nhìn thấy hàng ngàn tiền đồng thời Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Một hiện vật khác cũng rất giá trị trong Bảo tàng, vẫn làm du khách “mê mẩn” là tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn, được những người dân thôn Phú Lạc (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), quê ngoại ba anh em nhà Tây Sơn, tình cờ phát hiện ra trong khi làm thủy lợi.
Bên cạnh đó, thông qua các Đại sứ quán ở các nước và các mối quan hệ khác, Bảo tàng cũng đã sưu tầm được nhiều đồ vật thời Tây Sơn ở nước ngoài. Không dừng lại ở những hiện vật hữu hình, Bảo tàng Quang Trung cũng đã quyết định xây dựng đội Nhạc võ, để đưa người tham quan Bảo tàng trở về với những thời khắc hào hùng của dân tộc, qua tiếng trống trận sục sôi, qua những bài võ cổ truyền trong 18 môn binh khí thời Tây Sơn...
* Và vươn tầm
Bảo tàng Quang Trung hiện đang tiếp tục được mở rộng, cả về diện tích và quy mô. UBND tỉnh Bình Định đã quyết định đầu tư trên 18 tỉ đồng, thực hiện dự án mở rộng và nâng cấp Bảo tàng. Theo đó, một quần thể di tích và cảnh quan hoàn chỉnh rộng hơn 16 ha, từ khu vực Bảo tàng ra đến di tích bến Trường Trầu sẽ hình thành. Dự kiến, trong thời gian tới, nhiều hạng mục sẽ được xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng như quảng trường, hoa viên, nhà lá mái Bình Định, nhà phục vụ ẩm thực Bình Định… Ngoài ra, thời gian tới, một số di tích thời Tây Sơn do Bảo tàng quản lý, sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng như đền thờ Bùi Thị Xuân và đền thờ Võ Văn Dũng.
Những năm qua, công tác xã hội hóa tại Bảo tàng cũng mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều nhà hảo tâm đã tài trợ xây dựng Tượng đài Quang Trung; đúc ba tượng Tây Sơn tam kiệt và sáu văn thần, võ tướng thời Tây Sơn; tặng nhà rông văn hóa Ba na, phục chế và mua một số hiện vật; phục chế trống đồng Cảnh Thịnh... Nhờ vậy, khuôn viên Bảo tàng ngày thêm khang trang, đẹp hơn.
Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng đã có sự trưởng thành, đáp ứng yêu cầu hoạt động. Đến nay, Bảo tàng có 34 cán bộ, công nhân viên; với 100% cán bộ chuyên môn có trình độ đại học và cao đẳng, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Tất cả những điều trên chính là tiền đề cho chúng ta niềm tin rằng, thời gian tới, Bảo tàng Quang Trung sẽ phát triển lên một diện mạo mới, thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục lịch sử Tây Sơn.
|