KỶ NIỆM 141 NĂM NGÀY MẤT VÕ DUY DƯƠNG:
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”
8:40', 25/12/ 2007 (GMT+7)

Tượng chân dung Võ Duy Dương bằng đồng do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Tạp chí Xưa & Nay tặng đền thờ ông ở xã Nhơn Tân. Ảnh: N.T.Q

Hôm nay (25.12), tại đền thờ Võ Duy Dương (thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn), sẽ diễn ra lễ nhập tượng thờ ông, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng, trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Võ Duy Dương là một người anh hùng chống Pháp, mà tên tuổi đã gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười.

Theo phổ hệ họ Võ ở Nhơn Tân, ông tổ là Võ Hữu Man từ miền Bắc vào định cư tại đây, đến Võ Duy Dương là đời thứ 6. Võ Duy Dương sinh năm 1827, được tôn xưng là Ngũ Linh Dương, vì giỏi võ nghệ, sức mạnh phi thường, có thể nhấc một lúc 5 trái linh (quả tạ) bằng sắt nặng.

Năm 1857, không chịu nổi cảnh quan lại địa phương cường hào, bóc lột nhân dân, ông cùng một số bạn bè vượt biển vào Nam tìm đến Ba Giồng (nay thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), để tìm chỗ chiêu dân, lập ấp.

Tháng 2.1859, khi Pháp tấn công Gia Định, ông cùng Thủ khoa Huân chiêu mộ nông dân lập đội nghĩa ứng, kéo về Gia Định đánh Pháp. Thành Gia Định vỡ, ông về bái yết vua Tự Đức, hiến kế đuổi giặc. Lúc bấy giờ, triều đình chưa có đối sách dứt khoát, nên tạm thời điều ông về Quảng Ngãi. Ông được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ năm 1860.

Tháng 5.1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dõng chống giặc. Trong một thời gian ngắn, ông mộ được gần 1.000 nghĩa binh và được phong Quản cơ. Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công; Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu và hợp cùng Đỗ Thúc Tịnh xây dựng đồn chiến lược tại Mỹ Quý. Ông phối hợp với quân Trương Định, tấn công địch liên tục, khiến chúng phải rút bỏ nhiều đồn để tập trung đánh chiếm Vĩnh Long. Sau đó, chúng mang đại quân tấn công Tân Thành - Mỹ Quý, nghĩa quân chống cự quyết liệt suốt 57 ngày đêm, Thiên hộ Dương thoát được, rút về Bình Cách.

Lúc bấy giờ, triều đình bí mật phong Trương Định làm Bình Tây tướng quân, cầm đầu lực lượng nghĩa ứng ở Nam kỳ, Võ Duy Dương làm Chánh đề đốc và Nguyễn Hữu Huân làm Phó đề đốc. Lực lượng nghĩa quân phát triển mạnh, tấn công địch trên một tuyến dài từ Gò Công đến Cái Bè. Đầu năm 1863, có thêm viện binh, chúng tập trung đánh bật Trương Định ra khỏi căn cứ Tân Hòa và liên tục tấn công Thiên hộ Dương. Đến cuối tháng 4, Thiên hộ Dương rút về cố thủ ở Xoài Tư. Để bảo tồn lực lượng, Thiên hộ Dương cử Thủ khoa Huân sang ba tỉnh miền Tây vận động tiền bạc mua vũ khí, còn ông phân tán lực lượng về các thôn ấp, nhằm tránh sự lùng sục của giặc.

 

Lễ hội tưởng niệm Võ Duy Dương tại đền thờ ông ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: N.T.Q

 

Giặc Pháp ráo riết truy lùng, Thủ khoa Huân bị bắt, Trương Định hy sinh, nghĩa quân đứng trước nguy cơ tan vỡ, nhưng Thiên hộ Dương không nao núng. Ông rút vào Đồng Tháp Mười chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới.

Đến giữa năm 1865, khi thế và lực tương đối vững, nghĩa quân bắt đầu tấn công Cái Bè, Cái Thia, Cai Lậy, Mỹ Quý… Đặc biệt, đêm 21, rạng ngày 22.7.1865, Thiên hộ Dương cho triệt hạ đồn Mỹ Trà, địch thiệt hại nặng.

Tháng 4.1866, De Lagrandiere cho tập trung quân chia làm ba mũi tấn công Đồng Tháp Mười. Sau mười ngày quần thảo, để bảo tồn lực lượng, Thiên hộ Dương ra lệnh rút vào Cao Lãnh, rồi lên biên giới. Tình hình nghĩa quân ngày một khó khăn, vũ khí lương thực thiếu thốn. Tháng 11.1866, trên đường vượt biển về kinh đô, khi đến Cần Giờ, ông bị cướp biển giết chết. Năm đó ông 39 tuổi.

Võ Duy Dương mất nhưng tên tuổi ông sống mãi trong lòng dân Đồng Tháp Mười. Để tưởng nhớ người anh hùng, tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), người dân đã lập đền thờ ông và đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2006, Đồng Tháp đầu tư kinh phí tôn tạo lại đền. Tại nơi ông sinh ra (xã Nhơn Tân), năm 1997, dòng họ đã góp tiền xây dựng đền thờ và hàng năm tổ chức tế lễ. Hiện Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang hoàn tất hồ sơ, trình xếp hạng di tích Đền thờ Võ Duy Dương.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.   (19/11/2007)
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)