Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký
9:45', 2/2/ 2007 (GMT+7)

Hoàng giáp Vĩnh Ân là tên người Bình Định thường dùng để tỏ lòng kính mến vị đỗ Đại khoa ở làng Vĩnh Ân, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Ông là Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1827, ở Quảng Trị. Đến khi làm quan Bình Định, mới chuyển vào Vĩnh Ân lập nghiệp.

Thiếu thời, Nguyễn Văn Hiển nổi tiếng thông minh, học giỏi, trí nhớ tuyệt vời. Ngày còn đi học, ông đọc một lần thuộc hết Thi, Thư, làm mọi người phải ngạc nhiên. Tết đến, ra phố, ghé hiệu sách, ông mở ra đọc một lượt là nhớ hết, nên không bao giờ mua, đành nói tránh là quên mang theo tiền. Mỗi lần đến nhà bạn bè, thấy sách vở để trên bàn, ông mở ra xem một lượt, rồi đọc lại cho bạn bè nghe, ai cũng phải nể phục. Trong làng, có ông Tú tài làm đốc công xây đình làng. Xây xong, ông lập bản quyết toán, nhưng chuẩn bị đưa ra đọc trước Hội đồng Hương chính thì bản quyết toán bị mất. Ông đang lo thì bỗng nhớ ra, khi viết xong có nhờ ông Hiển đọc lại, bèn tới nhà nhờ viết lại. Thế là ông Hiển chép lại không sai một chữ, cả làng phục tài.

Tới năm 1846, ông đi thi Hương, đỗ Cử nhân, lúc vừa tròn 20 tuổi. Một năm sau, ông đi thi Hội, đỗ Hoàng giáp, được bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn, sau thăng lên Thị độc. Nhưng rồi, để phụng dưỡng mẹ già, ông xin về quê dạy học. Sau triều đình lại cử ông làm Án sát Quảng Ngãi, ông đành lên đường nhậm chức. Ít lâu sau, ông được thăng làm Tuyên phủ sứ đạo Phúc Yên, tới năm 1860 làm Đốc học Bình Định. Từ đây, gia đình ông về sau sinh sống lâu dài ở Vĩnh Ân, gắn bó với mảnh đất này.

Trong thời gian ông làm Đốc học ở Bình Định, vua Tự Đức cử vị quan họ Bùi đang làm việc ở Sử quán vào Bình Định lo việc trị dân. Ông này có tính hiếu cổ, với cảm quan của nhà viết sử, muốn hiểu rõ thành Đồ Bàn thuộc vùng đất mình cai quản, mới giao cho các thuộc viên ở Bình Định lâu năm viết một bài ký thuật rõ về thành cổ này để lưu lại cho hậu thế. Nhưng các thuộc viên của ông không thể viết được, đành phải nhờ đến trí mẫn tiệp và ngòi bút tài hoa của quan Đốc học. Phần vì bản thân cũng muốn hiểu rõ tòa thành cổ trên quê hương mới, phần vì nể lời quan tỉnh cao tuổi, quan Đốc học vui vẻ nhận lời.

Là người có kiến thức uyên bác, Nguyễn Văn Hiển đã dày công tìm tòi trong sử sách Trung Hoa từ chí của Giả Đăm đời Đường; đến sử Tống, Nguyên, Minh, Thanh; tìm tòi trong lịch sử nước nhà; kết hợp với khảo sát thực địa để biết rõ quá trình ra đời, hưng thịnh và suy tàn của thành Đồ Bàn. Với bút pháp theo thể ký, ông trần thuật lại một cách rất cẩn trọng những hiểu biết của mình về thành cổ này và nhiều di tích khác có liên quan. Nhờ vậy, người đời sau thêm hiểu, không chỉ thành Đồ Bàn mà cả một vùng di tích văn hóa ở Bình Định.

Song Hoàng giáp Vĩnh Ân tài hoa bạc mệnh, sau khi hoàn thành Đồ Bàn thành ký chẳng được bao lâu, giữa lúc ngòi bút nghiên cứu của ông đang đến độ chín mùi, thì lâm bệnh. Ông qua đời năm 1865, lúc mới 39 tuổi.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)
Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương   (26/01/2007)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)
Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi  (15/01/2007)
Huyền thoại về một vị tướng  (12/01/2007)
Mộ Đào Tấn trên núi Hoàng Mai  (09/01/2007)
Gò Đống Đa  (08/01/2007)
Một lời làm dậy cả cơ đồ   (05/01/2007)
Nỗi buồn của chinh phụ Băng Tâm  (29/12/2006)
Bến Trường Trầu  (26/12/2006)
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)