Về xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), ta còn nghe các cụ già kể lại những trận đánh ác liệt của nghĩa quân Cần Vương do Bùi Tướng công chỉ huy, chiến đấu chống quân Nguyễn Thân - tên tay sai gian ác khét tiếng của thực dân Pháp.
Bùi Tướng công tên thật là Bùi Điền, người Phù Mỹ. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người can đảm. Tham gia quân Cần Vương, ở tuổi 40, ông là một võ tướng dạn dày kinh nghiệm, có tài đánh du kích, giúp Mai Nguyên soái lập nên những chiến công vang dội. Ông được Mai Nguyên soái tin cậy, cử làm Thống trấn Phù Mỹ và Bồng Sơn, đóng quân ở núi Chóp Chài, liên kết cùng nghĩa quân Tăng Bạt Hổ đóng ở Kim Sơn.
Lúc bấy giờ, Mai Nguyên soái đã liên kết được với các lực lượng Cần Vương từ Quảng Nam vào tới Bình Thuận, tạo thành một mặt trận rộng lớn chống Pháp. Đầu năm 1886, đáp lời cầu viện của nghĩa quân Quảng Ngãi, Mai Nguyên Soái cử Bùi Điền và Đặng Đề dẫn quân ra giúp Nguyễn Tự Tân và Lê Trung Đình đánh chiếm tỉnh thành. Liên quân Bình Ngãi chiến thắng, bọn quan lại bỏ thành chạy trốn. Nghĩa quân vừa làm chủ được thành Quảng Ngãi thì Nguyễn Thân chỉ huy một lực lượng đông đảo, dàn quân từ bờ sông Trà Khúc đánh vào. Sau ba ngày cầm cự, liên quân phải mở đường máu rút về mật khu. Trên đường rút lui, Nguyễn Tự Tân và Lê Trung Đình bị bắt. Bùi Điền và Đặng Đề dẫn quân về Phù Mỹ tiếp tục chiến đấu. Nguyễn Thân cho quân đánh úp quân Bùi Điền ở đèo Bình Đê, nhưng không tiến nổi vào Bình Định, đành đóng quân ở Sa Huỳnh.
Đánh không thắng, dụ không hàng, Đồng Khánh nhờ Pháp giúp sức. Quân Pháp đưa pháo thuyền án ngữ ở cửa biển Quy Nhơn và lệnh cho Nguyễn Thân từ Bắc đánh vào, Trần Bá Lộc từ Nam đánh ra. Thế là quân Cần Vương Bình Định bị địch đánh cả ba mặt. Tháng 8 năm 1886, Nguyễn Thân đưa quân vào đóng đồn ở Lại Giang. Bùi Điền phối hợp với quân Tăng Bạt Hổ công đồn nhưng thất bại. Thừa thắng, Thân đưa quân vào đánh chiếm căn cứ Chóp Chài. Trước thế địch mạnh, Bùi tướng quân phải rút quân về, hợp lực cùng chủ tướng giữ chiến khu Lộc Đổng. Tới tháng 10 năm đó, ba cánh quân địch hội ở Quy Nhơn, kéo lên Phú Phong, đánh thẳng vào đại bản doanh nghĩa quân. Tới tháng 2 năm 1887, Thân và Lộc đã làm chủ được cả vùng đất phía Nam sông Côn. Trong một trận đánh quyết tử của nghĩa quân ở Phú Phong, Bùi Điền bị bắt. Biết tài ông, Thân và Lộc ra sức dụ hàng, nhưng ông cương quyết chối từ.
Ba tháng sau, phong trào Cần Vương Bình Định tan rã. Để cứu mẹ và dân lành đang bị địch khủng bố rất dã man, Mai Nguyên soái ra nộp mình cho giặc. Ngày 6 tháng 6 năm 1887, Tướng quân Bùi Điền hiên ngang cùng vị chủ soái và 9 chiến hữu của mình nhận lấy cái chết vì dân vì nước ở Gò Chàm.
|