Sông núi An Nhơn liên hoàn trong thế núi hình sông của Bình Định như một khổ thơ giữa bài thơ hùng tráng và trữ tình, tạo cho khuôn mặt đất đai vẻ sôi động và trầm tĩnh, dịu dàng và cương nghị. Ở đây, dáng vẻ hội tụ và kết tinh, giao lưu và lan tỏa ở một vùng từng là kinh đô vẫn chưa phai nhạt trên đường nét của thiên nhiên, dầu bao vật đổi sao dời.
|
Lễ rước nước thánh trong lễ hội đổ giàn An Thái tổ chức bên dòng sông Kôn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Về địa hình, An Nhơn tọa lạc giữa một vùng sông núi không hiểm trở chất ngất mà đượm vẻ ôn hòa nhu thuận, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, những yếu tố không thể thiếu để hình thành vùng đất kinh đô. Quả vậy, việc phát triển của châu Vijaya xưa với các thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại có liên quan mật thiết đến thế núi hình sông của xứ sở này với tư cách trung tâm của những vương triều. Đến thế kỷ XVIII, việc hình thành thành Hoàng Đế cũng là một minh chứng đầy vẻ vang cho vượng khí sông núi An Nhơn. Hệ thống núi đồi, gò đống, sông ngòi, mương rạch ở An Nhơn qua lịch sử là một hệ thống vừa tự nhiên vừa nhân tạo, tức có sự chỉnh lý theo hướng phục vụ những nhu cầu về các mặt của đời sống kinh đô.
Tương truyền, xưa, vào thời Lê Cảnh Hưng, khoảng cuối thế kỷ XVII, có một thầy địa lý Tàu thường qua lại trong vùng Tây Sơn để tìm mạch đất. Nguyễn Nhạc theo dõi, xem thấy và hoán đổi hai cây trúc, nhổ cây phía bắc héo chuyển sang chỗ cây phía Nam tươi và ngược lại, là huyệt khí mà thầy Tàu đã thử. Thầy địa thấy hai cây trúc đều héo, không biết có bàn tay Nguyễn Nhạc, bèn bỏ đi vì tưởng không tìm ra huyệt địa. Nguyễn Nhạc táng mộ ông thân sinh vào đó. Lại có thuyết nói rằng ông thầy Tàu tìm ra huyệt, về đem xương cốt tiền nhân qua chôn. Bằng mưu kế Nguyễn Nhạc đánh tráo chiếc tráp cốt. Thầy địa mang chiếc tráp cốt tiền nhân Nguyễn Nhạc đem chôn mà cứ tưởng cốt tiền nhân của mình. Sau khi nhà Tây Sơn phát tích đế vương, thầy địa Tàu mới biết mình lầm và tìm cách trả thù. Thầy địa Tàu cùng hai con đến thẳng Quy Nhơn ra mắt vua Thái Đức, tìm cách mê hoặc vua cho đào hai nhánh sông tả hữu trước mặt Hoành Sơn nên long mạch bị phạm. Lại bày cho vua làm phạm thêm long mạch ở phía chân núi Mò O, sông La Vỹ. Những chuyện dân gian trên, chúng ta hay bắt gặp để lý giải sự hưng vượng hay suy vong của một triều đại. Các tình tiết và màu sắc có thể thay đổi nhưng mô típ chung vẫn giữ nguyên là cuộc truy tìm (hoặc cản phá) đại địa. Tuy nhiên, câu chuyện trên rắc vào khung trời sông nước An Nhơn những ẩn chứa và lắng đọng thi vị, từ thế long bàn hổ cứ của sông núi phía tây, đến tiềm quy ẩn phụng ở phía đông, minh họa thêm những bài học cảnh giác của lịch sử.
An Nhơn nằm ở thế trung tâm, như một sự đón nhận giữa nguồn và bể, giữa cao vời và thẳm sâu, giữa vững bền và dâu bể, giữa sôi động và an nhiên, giữa biến dịch và tĩnh tại... Nếu xây dựng mô hình địa- văn hóa như GS Trần Quốc Vượng về sự tương ứng giữa tính chất của địa hình và chức năng các di tích, thì công thức: núi - châu thổ - ven biển - hải đảo là địa hình An Nhơn và các vùng phụ cận nam Bình Định, tương ứng với thánh địa - kinh thành - cảng thị, trong đó hai yếu tố đầu là của An Nhơn và yếu tố cuối thuộc về Thị Nại, Tuy Phước. Đó chính là sự thể hiện cái nhìn hướng biển của người Chăm. Chính vì vậy, ở thế kỷ VII-X, các thuyền buôn đường biển quốc tế từ Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư, Srivijaya đều có ghé đến Bình Định. Và thời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã tiếp các doanh nhân phương Tây tại thành Hoàng Đế với yêu cầu giao thương, mở cửa.
Sứ mệnh lịch sử của sông nước vùng kinh thành Bình Định xưa gắn liền với quan niệm “phong thủy” trong văn hóa cổ đại. Nghĩa là cùng với núi non, đảm nhiệm vượng khí trong kiến trúc vương triều, thể hiện các chức năng của đời sống tâm linh lẫn đời sống xã hội. Riêng đối với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, ý nghĩa gắn bó của nó lại càng đậm đặc. Bến Trường Trầu là nơi xuất phát điểm của ba anh em Tây Sơn. Thuở hàn vi, Nguyễn Nhạc buôn trầu, giao lưu lên nguồn xuống bể, từ các vùng dân tộc thiểu số đến các hạt trong phủ Quy Nhơn bằng thuyền. Nơi học tập văn võ của họ là mái trường thầy giáo Hiến ở An Thái, một bến nước cách bến Trường Trầu không xa. Con đường từ thượng đạo đến hạ đạo, từ bến Trường Trầu đến An Thái, từ An Thái đến kinh thành Hoàng Đế, hoàn toàn có thể thông thương bằng thuyền. Lịch sử đã chứng minh, bên cạnh đội quân bộ, đội quân thủy của họ hết sức hùng mạnh, đã làm nên những chiến tích vang dội khi giao tranh với quân Nguyễn Ánh trên đầm Thị Nại và giao tranh với quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút.
Hệ thống sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định, ngoài chức năng là huyết mạch chốn đế đô, còn là nơi xuất phát cả nhiều thành tựu văn hóa cổ truyền. Bên lưu vực của nó, có nhiều lễ hội gắn bó với sông nước: hội đổ giàn ở An Thái, hội Vía Bà ở Nhơn Phong (tương truyền Bà hóa tại bến sông có vực nước xoáy)... Các món ẩm thực độc đáo ở nơi này đều gắn với sông nước: bún Song Thằng, rượu Bàu Đá... Sự độc đáo của cả bún và rượu đều gắn kết với nguồn nước sở tại.
Và bên cạnh sông, núi ở An Nhơn tạo cho địa cuộc cái thế chở che, ôm ấp. Cái thế núi hình sông điệp trùng đã bao đời tạo nên khí chất của một vùng đất thiêng. Ở đó, người An Nhơn bao đời đã tạo dựng cơ ngơi văn hóa bền vững cùng đất trời sông núi An Nhơn, trong đất trời sông núi Bình Định, Việt Nam.
|