Cụ Tú Nguyễn Diêu ở làng Nhơn Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là người nổi tiếng về đức độ, văn hay chữ tốt, học rộng biết nhiều, nhưng trắc trở về đường tình ái, lại lận đận ở chốn trường thi. Biết mình không thắm duyên khoa bảng, cụ Tú về quê mở trường dạy học, sáng tác văn chương và viết Tuồng làm vui.
Học trò của cụ Tú Diêu nhiều người thành danh, nhưng xuất sắc nhất là cụ Đào Tấn ở làng Vinh Thạnh. Nhà thơ, vị hậu tổ Tuồng này vẫn đinh ninh lời thầy dạy, rằng người cầm bút phải nhớ lấy 5 điều. Một là phải đọc nhiều và biết chọn lọc như ong hút tinh chất của nhụy hoa làm mật, hai là phải từng trải đó đây, ba là phải khổ công xây dựng ý tứ, bốn là di dưỡng tính tình để trí óc và tài năng không bị mai một đi, nếu không còn có cảm xúc đâu mà tạo thành tác phẩm hay được, năm là nếu dùng văn làm giàu sang thì tinh thần tối tăm, tâm hồn mệt mỏi, chỉ có hại mà không có lợi.
Sự nghiệp sáng tác của cụ Tú Diêu để lại không nhiều. Ngày nay, chúng ta còn biết được một số bài thơ Nôm, bài phú Hàn sĩ vịnh, Tuồng Ngũ Hổ Bình Tây và bài Văn tế cô hồn ngư dân trong hát bả trạo. Điều thật đáng trân trọng của vị túc Nho này còn ở cảm hoài bi tráng trong 7 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được ông viết trong những năm nghĩa quân Cần Vương Bình Định anh dũng chiến đấu chống Pháp (1885-1887): Cảm xúc khi nghe kinh thành thất thủ, Cảm xúc lúc trời chiều, Hoài vọng, Thơ tặng Đào Tổng đốc, Thơ tặng Mai Nguyên soái, Thương tâm, Cảm xúc lúc tuổi già.
Ngày 5-7-1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi cả nước vùng lên chống giặc. Lúc này, cụ Tú Diêu đã già yếu, nhưng nghe hịch truyền liền viết ngay bài thơ Cảm xúc khi nghe kinh thành thất thủ kêu gọi các đội quân Cần Vương lên đường cứu vua cứu nước. Thật cảm động biết bao khi nghe cụ thổ lộ tâm tình trong Cảm xúc lúc trời chiều, than cho thân già không thể làm gì hơn đành nhỏ lệ lấy bút làm thơ, kêu gọi con cháu lên đường giết giặc. Trong Cảm tác tuổi già, cụ băn khoăn, rằng phải làm sao đuổi sạch hết quân thù cho quê hương đất nước lại đẹp như xưa, nên mới tự xác định cho mình: “Dẫu già vẫn sống cho nên phận/ Đầu bạc chung lo để diệt thù”. Biết tin Đào Doãn Địch đã chiêu mộ được 600 nghĩa binh làm chủ tỉnh nhà, cụ viết ngay bài thơ Tặng Đào Tổng đốc chia sẻ niềm hân hoan “Nghĩa binh lấy lại đất Thần Châu/ Lòng dạ trong ta rửa hận sầu”...
Đứng trước họa mất nước, dẫu đã có lúc ngậm ngùi “Nhạn kéo về nam gió bấc đưa/ Đau lòng sông núi khổ tâm chưa”, nhưng ước mong của vị túc Nho giàu lòng yêu nước Nguyễn Diêu vẫn không bao giờ tắt trong Hoài vọng:
Giặc Tây chẳng lẽ chiếm
Thần Châu
Tướng Việt ra tay rửa hận thù
Nắm trọn hùng binh trừ bạch
quỷ
Bảo toàn sông núi đẹp ngàn
thu.
Hoài vọng là nỗi cảm hoài của cụ Tú Nguyễn Diêu cũng là nỗi cảm hoài của các sĩ phu yêu nước chống Pháp thời bấy giờ.
|