Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định
9:59', 2/3/ 2007 (GMT+7)

Nguyễn Công Trứ (quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là vị quan có công lớn trong việc khẩn hoang vùng ven biển, lập nên hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Năm mươi năm sau, ở Bình Định, cũng xuất hiện một vị quan đã dày công khai khẩn vùng đất hoang dọc hai bờ sông Ba ở An Khê, lập nên 28 thôn ấp, làm cho vùng Tây Sơn Thượng trù phú, được người An Khê thuở ấy tôn làm Thành hoàng.

Theo tộc phả họ Trần ở thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, thì ông Trần Văn Thiều, sinh năm 1817 trong một gia đình danh giá. Ngày còn nhỏ, ông đã có chí hiếu học, chăm lo dùi mài kinh sử. Sau nhiều năm hương lửa, tới năm Thiệu Trị thứ 6, ông đậu Cử nhân tại trường Thừa Thiên. Mới đầu, ông được bổ làm Hành tẩu Bộ Lại. Từ đấy, nhờ đức liêm chính, ông được thăng dần lên đến chức Bố chánh Gia Định, Quảng Ninh rồi Án sát sứ Nghệ An, Tổng đốc Nam Định... Sang năm 1973, ông được vời về triều làm Tham tri Bộ Lại dưới quyền Thượng thư Nguyễn Văn Tường.

Thời gian này, thực dân Pháp rắp tâm đặt nền đô hộ nước ta. Triều đình chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa. Là người yêu nước thương dân, ông kiên quyết đứng về phe chủ chiến. Bất đồng chính kiến với Nguyễn Văn Tường vốn là người chủ hòa, ông xin về làm Tuần phủ Nam - Ngãi.

Năm 1877, do vụ hiệu Phúc Lâm Kỳ Gia Thành trưng thu thuế nha phiến, ông bị cách chức về quê. Mấy tháng sau, vua Tự Đức hạ chiếu cử ông hợp sức cùng Bố chánh Bình Định chiêu dân khẩn hoang, mở mang đất trồng trọt ở An Khê. Tấm lòng thương dân lại hối thúc ông lên đường giữa tuổi 60. Ông dốc toàn lực vào việc chiêu dân, dựng nhà cửa, lập xóm làng, khai khẩn vùng đất mới, biến vùng sơn lam chướng khí hoang vu thành trù phú, dân cư đông đúc, sản vật dồi dào. Do vậy, năm 1880, vua Tự Đức phục hàm Điển tịch cho ông.

Nhiệm vụ triều đình giao vừa hoàn thành, thì ông lâm bệnh nặng qua đời ngày 2 tháng 11 năm 1881, ở tuổi 65. Những người dân tha hương lập ấp ở An Khê thương tiếc, đã lập đền thờ ông. Về sau, tới ngày giỗ ông ở An Thường, nhiều người vẫn về quê ông hầu kỵ, bày tỏ lòng kính mến vị quan thanh liêm, cương trực, đã hết lòng vì cuộc sống của người nghèo khổ. Mãi tới hơn nửa thế kỷ sau, năm 1935, nghĩ tới công đinh điền của ông, triều đình Huế mới phong cho ông là “Cáo thọ Trung phụng Đại phu”, Tuần phủ nguyên hàm Chánh nhị phẩm.

Nối tiếp sự nghiệp của doanh điền của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, ông Trần Văn Thiều đã lao tâm khổ tứ vì bát cơm manh áo của người nghèo khổ.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)
Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương   (26/01/2007)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)
Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi  (15/01/2007)
Huyền thoại về một vị tướng  (12/01/2007)