Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ
11:8', 4/3/ 2007 (GMT+7)

Chùa Bộc - cách đây hơn 200 năm là nơi nằm giữa trận Đống Đa.

Nhắc đến dấu ấn của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất  Thăng Long - Hà Nội người ta thường nghĩ đến Gò Đống Đa - một địa danh ghi dấu chiến thắng chống giặc ngoại xâm vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Nhưng cũng có một địa danh ghi đậm dấu ấn người anh hùng áo vải Quang Trung, đó là Chùa Bộc.

Nằm trên đất phường Khương Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội); Chùa Bộc có tên là Sùng Phúc tự, hiệu là Thiên Phúc. Có tài liệu cho rằng Chùa Bộc có từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XVII, Chùa tọa lạc giữa cánh đồng Khương Thượng, gần Gò Đống Đa-cửa ngõ chiến lược ra vào kinh thành Thăng Long mạn phía Tây Nam.

Xưa kia Chùa Bộc thuộc khu vực quân đội của vua Quang Trung khi tiến vào bao vây tiêu diệt mấy mươi vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Trong trận đánh quân Thanh tiêu diệt đồn Khương Thượng, chùa bị cháy, bị phá huỷ nặng nề. Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã cho xây dựng, tôn tạo lại chùa. Chùa là nơi để thờ phật nhưng vì nằm ở giữa bãi chiến trường của trận Đống Đa nên từ đó Chùa Bộc còn là nơi thờ cúng những vong hồn đã hy sinh trong trận chiến lịch sử này, ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời đại Quang Trung.

Ngoài những đặc điểm chung của một ngôi chùa, Chùa Bộc còn có những nét khác biệt mà chúng ta không hoặc hiếm gặp ở những ngôi chùa khác như: ngoài thờ tượng Phật, chùa còn thờ tượng Đức Ông. Mà sau này người ta khẳng định chắc chắn đó là tượng vua Quang Trung nhờ những chứng cứ thuyết phục. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn đàn áp khắp nơi, để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của triều Nguyễn, nhân dân đã bí mật đúc tượng vua Quang Trung đưa vào thờ với tên là tượng Đức Ông. Nhân dân đã bí mật tạc dòng chữ ''Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng'' vào sau bệ tượng. Các nhà sử học đã xác định được Bính Ngọ là năm 1846.

Sau này, trong một lần quét dọn, chỉnh trang lại chùa người ta đã phát hiện ra dòng chữ này. Từ đó tượng Đức Ông được khẳng định chắc chắn là tượng vua Quang Trung. Tượng vua Quang Trung được thờ ở bên phải bái đường, ở giữa là vua Quang Trung, hai bên là cận thần Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở, vua với vẻ mặt nghiêm nghị, mình mặc hoàng bào, mang đai ngọc, mũ bình đính kiểu xung thiên. Điều đáng chú ý của cụm tượng này là Vua Quang Trung với một chân đi hài, một chân để ra ngoài, cho thấy vua vừa trang nghiêm nhưng cũng ung dung, gần gũi với bên dưới. Còn hai vị đại thần thì nghiêng mình như đang chờ lệnh.

Năm 2005 tôi có đến thăm Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định, lại bắt gặp ''bộ ba này''. Người ta bảo nhóm tượng đó được mô phỏng tại Chùa Bộc. Việc phát hiện và đúc tượng mô phỏng đó cho chúng ta một nét nhìn mới nhưng không xa lạ với người anh hùng áo vải cờ đào. Sự gần gũi, giản dị như những người bình dân chân đất, hình ảnh mà ta chỉ có thể thấy được ở những ông vua vốn xuất thân từ nông dân áo vải. Điều đó không chỉ đơn giản là khi tạc tượng, người ta cố tình làm khác để tránh sự kiểm duyệt. Mà trên hết, đó là một nét cười trong sáng, gần gũi của vua tôi nhà Tây Sơn.

 

Tượng vua Quang Trung tại chùa.

 

Điều đặc biệt nữa là bức hoành phi được treo trước ban thờ vua Quang Trung, với 4 chữ ''Uy phong lẫm liệt''. Đây được xem là điều lạ trong một ngôi chùa vì trong chùa chúng ta thường thấy sự thanh bình, tĩnh tại. Bức hoành phi thể hiện được phong thái của người anh hùng Quang Trung. Và đôi câu đối bên tượng vua Quang Trung: ''Đông lý vô trần đại địa sơn hà lưu đồng vũ/ Quang Trung hoá phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân''. Tạm dịch là: "Cửa động không bụi trần, nền cột còn đây giữa núi sông rộng lớn/ Quang Trung hoá Phật, gió mây chuyển cả thế giới dưới trần". Tất cả thể hiện sự ngưỡng mộ, thành kính đối với người anh hùng dân tộc.

Hiện nay khi vãn cảnh chùa, chúng ta vẫn thấy dấu tích Hồ tắm tượng. Tương truyền trước đây hồ rộng bạt ngàn, khi nghĩa quân Tây Sơn hạ đồn Khương Thượng đã để cho đàn voi nằm, tắm ở đây. Từ đó hồ có tên là Hồ tắm tượng. Khi hỏi thăm những người đến vãn cảnh chùa đều biết đến Hồ tắm tượng, nhất là những người già, sẵn sàng say sưa kể lại sự tích về hồ, chùa trong niềm tự hào. Trải qua bao biến cố lịch sử, hồ giờ chỉ còn như một cái ao nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung ra được phần nào khí thế chiến thắng, làm chủ của đoàn quân Tây Sơn. Ngoài Hồ tắm tượng, ở phía sau chùa người ta còn thấy một cái gò, đó là nơi chôn cất những nghĩa quân đã ngã xuống để làm nên chiến thắng Đống Đa oanh liệt.

Sau khi phát hiện tấm bia đề Niên hiệu Quang Trung tứ niên (1792), quả chuông đúc thời Cảnh Thịnh và những hiện vật thể hiện lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với người anh hùng dân tộc Quang Trung... Ngày 13-1-1964 Bộ Văn hoá thông tin công nhận Chùa Bộc là di tích lịch sử văn hoá, để đời đời con cháu nhớ đến người Anh hùng áo vải - vị vua lỗi lạc của lịch sử Việt Nam.

Được thờ người anh hùng dân tộc Quang Trung là một vinh dự lớn của chùa. Từ khi phát hiện chính xác nhà chùa có tượng thờ vua Quang Trung, Chùa Bộc được nhiều người quan tâm biết đến. Nhân dân thường đến tế lễ thể hiện lòng biết ơn người anh hùng dân tộc. Cũng xuất phát từ lòng biết ơn thành kính mà nhiều người đã làm thơ, ghi bút tích, câu đối để thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình, hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa. Tiêu biểu như thơ của sư thầy Vũ Thanh Uyên: ''Sự nghiệp Tây Sơn hiển hách thay/ Lôi đình cơn nổi nước bình ngay/ Miếu thanh kế diệu yên sông núi/ Chùa Bộc cơ thần chuyển gió mây/ Nước Việt, tên truyền vang vũ trụ/ Dòng Hồng tiếng Việt khét đông tây/ Cuốn vàng chói lọi thiên oanh liệt/ Dân tộc anh hùng nối mãi đây''.

 

Hồ tắm tượng.

 

Đặc biệt khi đồng chí Trường Chinh đến viếng thăm chùa đã để lại bút tích ca ngợi sự nghiệp oanh liệt của vua Quang Trung và niềm tự hào về thời đại Tây Sơn. Đồng thời nhắc nhở thế hệ sau phải xứng đáng với niềm tự hào đó. Hiện nay bút tích đó vẫn được treo trang trọng tại chùa. Bất kỳ ai viếng thăm chùa đều có thể biết được: ''Hào khí Tây Sơn toả núi sông/ Anh hùng áo vải phất cờ hồng/ Cứu dân dựng nước yên bờ cõi/ Sự nghiệp muôn năm tạc núi sông/ Con cháu ngày nay rất tự hào/ Phát huy truyền thống chí càng cao/ Nước non hùng vĩ, hoa thơm ngát/ Bão táp qua rồi, đẹp biết bao''...

Hằng năm cứ vào ngày 5 tháng Giêng âm lịch, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, thì tại Chùa Bộc tiến hành lễ dâng hương để tế lễ những anh hùng nông dân khởi nghĩa. Đặc biệt là người anh hùng dân tộc Quang Trung -Nguyễn Huệ.

  • Đông A
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)
Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương   (26/01/2007)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)
Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi  (15/01/2007)