Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian
16:20', 6/3/ 2007 (GMT+7)

Ở địa phận thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (khu vực giáp giới hai huyện An Nhơn và Phù Cát) hiện còn dấu vết một thành đất được đắp dưới thời Tây Sơn, đó là thành Chánh Mẫn.

Tên gọi thành Chánh Mẫn là do các nhà nghiên cứu sau này đặt vì thành ở thôn Chánh Mẫn bây giờ. Từ thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) theo tỉnh lộ 635 đi khoảng 10 km rồi sẽ hướng Nam khoảng 3 km là tới thôn Chánh Mẫn. Di tích thành Chánh Mẫn thuộc khu vực đội 2 của thôn Chánh Mẫn.

Trong các sách vở cũ, gần như chỉ duy nhất sách Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến thành này trong đoạn chép về núi Mộ Ô: "Núi Mộ Ô ở phía Đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình giá bút. Phía Đông có núi Tượng Bì; phía Đông Nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là núi Cô Sơn); phía Đông Bắc có thành Tây Sơn, dài ước 3,4 trượng, trong thành có hồ, rộng hơn 2 trượng, trong có một hồ đá, nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng; phía Nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn; phía Tây Nam có 2 tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát".

Như vậy, theo ghi chép trên thì thành Chánh Mẫn nằm dựa vào núi Tượng Bì (mặt Nam) và núi Tiểu Đại hay núi Cô Sơn (mặt Tây). Trước khi phát hiện ra thành Chánh Mẫn, chỉ bằng những chỉ dẫn ngắn gọn của sách Đại Nam nhất thống chí như trên, các nhà nghiên cứu đã phải vất vả mới tìm thấy được di tích thành này. Núi Mộ Ô thì đã rõ, chính là núi Mò O nằm ở địa phận hai xã Nhơn Phong và Nhơn Thành (huyện An Nhơn). Còn núi Tượng Bì chính là núi Choi Voi - theo cách gọi dân gian - vì nó hình thù giống con voi nằm, là một núi đất, cao 78m và núi Tiểu Đại hay núi Cô Sơn chính là núi Mù Cu hay Mồ Côi, là một hòn núi thấp, nhỏ, đứng độc lập.

Thành Chánh Mẫn thực chất chỉ là một bờ thành dài 250m được đắp bằng đất có kè đá. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy chân thành rộng từ 6m đến 8,5m, mặt thành rộng trung bình 2,2m, chiều cao trung bình 1,5m. Thành chạy theo hướng từ Tây sang Đông, bắt đầu từ rìa núi Đất (núi Tiểu Đại hay Cô Sơn) nối liền với gò Trống Cán…

Như vậy, lợi dụng núi Đất (mặt Tây) núi Choi Voi (mặt Nam), quân Tây Sơn đã cho đắp một đường thành ở phía Bắc gần như nối hai núi này. Thành Chánh Mẫn, vì thế có hình gần giống một tam giác mà đáy là đường thành đắp còn hai cạnh kia là núi Đất và núi Choi Voi.

Toàn bộ khu vực trong thành từ lâu đã biến thành ruộng lúa, dân gian thường gọi là đồng Thành Trong. Tổng diện tích đồng Thành Trong đo được là 22.77m2, Trong đó có 18.920m2 là ruộng cấy, còn 3.860m2 ở giữa khu vực thành rất cao không cấy lúa được.

Sát chân thành (ngoài) về phía Bắc là dãy ruộng trũng gọi là ruộng Dãy Chùa, chạy thành bờ dọc như một đường hào, tổng diện tích là 4.020m2, phía trên ruộng Dãy Chùa là Gò Đồng, nay gọi là khu Lò Gạch, diện tích khoảng 21.550m2. Năm 1989, khi san ủi khu vực này để lấy đất trồng bạc hà, người ta phát hiện ra rất nhiều gạch tháp và đá ong nằm ở độ sâu cách mặt đất khoảng 0,4m bao gồm nhiều kích cỡ khác nhau. Đặc biệt là dấu tích móng nhà được phân từng khu có kích thước mỗi khu 10m x 15m xây bằng gạch tháp dựng theo chiều ngang. Gạch tháp này có lẽ lấy từ các phế tích tháp Chàm và dấu tích nền móng kia rất có thể là nền móng các trại lính của quân Tây Sơn. Giữa Gò Đồng có một cột đá xanh hình vuông có lỗ để cắm cờ.

Ở đầu phía Đông bờ thành, dưới gò Trống Cán qua một mương nước là Ao Vuông. Như tên gọi, ao có hình vuông mỗi cạnh dài hơn 70m, diện tích chính xác đo được 4.910m2. Ao vuông vốn trồng sen, tương truyền do vua Chiêm Thành làm ra. Ao vuông đã bị san lấp từ năm 1986. Giữa ao có trụ đá, đúng như ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí, gọi là trụ cờ. Khi lập ao người ta cố đào hòn đá lên nhưng không được, bèn đập mỗi người lấy một mảnh về làm đá mài, gốc của trụ đá này vẫn ở độ sâu 3m dưới mặt ruộng. Dấu tích đá ong xây ao nay vẫn còn, nhất là cạnh phía Bắc và cạnh phía Đông. Có ít nhất 10 lớp đá ong xây từ đáy đến mặt ao, kích cỡ rất phong phú.

Dưới Ao Vuông là Bàu Dài. Bàu Dài chạy sát chân núi Choi Voi qua khu vực Ao Vuông, đổ ra sông Ông Sư. Sông Ông Sư là một nhánh của sông Kôn chảy từ Đập Đá xuống qua núi Mò O (ở phía Nam và phía Đông), rồi chảy qua phía Đông Bắc núi Mò O sang Chánh Mẫn, chảy qua Chánh Mẫn, Đại Hữu, Đại Lợi, Đại Hào đổ vào sông Đại. Sông Đại đổ vào khu vực xã Cát Tiến và đổ ra đầm Biển Cạn.

Toàn bộ khu vực phía Bắc đường thành có tên gọi ngày nay là đồng Thành Ngoài. Đồng Thành Ngoài có diện tích đo được là 40.800m2 bao gồm cả ruộng, lò gạch, gò, ruộng Dãy Chùa.

Về phía Tây Nam thành, cách khoảng 400m có một khu đất cao, tục gọi là gò Súng Bắn rộng khoảng 100m2. Gò này đã bị cải tạo thành ruộng cấy lúa.

Thành Chánh Mẫn rõ ràng có tính chất dã chiến. Quân Tây Sơn sau khi đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, chiếm các kho Càn Dương, Đạm Thủy, kiểm soát toàn bộ vùng đất phủ Quy Nhơn đã lợi dụng địa hình, địa thế thuận của khu vực Chánh Mẫn, Đại Hữu (Cát Nhơn, Phù Cát), Nhơn Phong (An Nhơn) để làm thành đóng quân. Trong quá trình đắp thành quân Tây Sơn đã triệt để lợi dụng phế tích các di tích cũ của người Chiêm Thành để tiết kiệm công sức.

Tuy là dã chiến nhưng thành Cánh Mẫn có một vị trí rất quan trọng về mặt quân sự. Từ đây có thể quan sát nhiều nơi từ xa, theo đường bộ hoặc đường sông đến Tân phủ Càn Dương khoảng 20km, đến thành Hoàng Đế khoảng 13km, phối hợp cùng Tân phủ Càn Dương thành một rào chắn vững chắc bảo vệ thành Hoàng Đế, đại bản doanh của bộ chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn và kinh đô của Trung ương Hoàng đế Nguyên Nhạc về sau.

Bản thân thành Chánh Mẫn cũng mang ý nghĩa phòng thủ lợi hại. Phía Tây thành có Núi Đất cao 45m. Phía Nam thành có núi Choi Voi cao 78m. Phía Đông Thành có gò Trống Cán, Ao Vuông, Bàu Dài tạo thành nhiều tầng chướng ngại vật ngăn cách phía ngoài thành và trong thành. Xa hơn là sông Ông Sư như một hào sâu che chắn mặt Bắc.

Dân gian nơi đây đến nay vẫn truyền tụng câu chuyện rằng ngày xưa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thường về đây buôn bán trầu, thường đến nghỉ ở khu vực Ao Vuông, xuống tắm dưới Bầu Dài. Có một lần đang tắm bỗng dưng có con rồng nổi lên, hai ông thi nhau cưỡi con rồng đó. Vừa lúc đó có ông thầy Tầu đi qua thấy vậy mới hỏi hai ông có muốn làm vua hay không mà dám cưỡi lên con rồng ấy?

Không tắm nữa, hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đến bến đò Ông Sư (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) hỏi sư trụ trì chùa này. Nhà sư bảo cho hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ mang hài cốt bố mẹ đến táng ở chỗ con rồng nổi lên đó, sau cả hai anh em cùng phát vương.

Cũng vẫn dân gian truyền lại rằng Ao Vuông là ao Sen hình vuông của người Chiêm Thành, trụ đá có lỗ ở giữa là để cắm cờ. Người Chiêm Thành cắm cờ ở ao Vuông và tế lễ ở gò Trống Cán. Nguyễn Nhạc đã từng đem quân đóng ở đây. Có một lần vua Gia Long thất thủ bỏ chạy, phải vứt lại cả dấu vuông ở Ao Vuông…

Truyền thuyết là của dân gian, mà dân gian thì bao giờ cũng hay hư cấu. Nhưng cũng không phải không có phần cốt lỗi lịch sử, và trong trường hợp này, những truyền thuyết trên lại góp phần khẳng định vài sự thật lịch sử vốn đã được khẳng định qua những dấu tích vật chất còn để lại đến ngày nay.

  • B.H (theo Địa chí Bình Định)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)
Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương   (26/01/2007)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)