Số phận trớ trêu với một vị đại thần
8:27', 9/3/ 2007 (GMT+7)

Họ Lâm từ Trung Quốc tới Bình Định từ đầu thế kỷ XVII, đã cùng các họ Ngụy, Khưu, Mã, Dương… mở phố buôn bán ở Nước Mặn. Khi được chúa Nguyễn cho phép lập làng Minh Hương, họ lập nên Vĩnh An Trang ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngày nay. Về sau, người Minh Hương lên An Thái buôn bán lập nên An Hòa Trang.

Dưới triều Nguyễn, trong người Minh Hương xuất hiện một người nổi tiếng là Lâm Duy Hiệp (1806-1863) ở Gò Bồi, thuộc Vĩnh An Trang. Thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, học giỏi. Tới năm 1828, ông dự thi Hương ở trường Thừa Thiên. Trước khi đi, ông tới trang trưởng Vĩnh An xin ký giấy xác nhận cho đi thi. Không biết vì lý do gì, ông trang trưởng Vĩnh An không chịu ký. Ông liền lên An Thái xin nhập tịch An Hòa Trang và được ký cho đi ngay. Và ông đỗ cử nhân lúc mới 22 tuổi.

Ông được cử làm Tri huyện, sau thăng dần lên tới Cơ mật viện đại thần, Thượng thư Bộ binh. Đầu năm 1862, sau khi chiếm xong ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường và Biên Hòa, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tràn xuống đánh chiếm Vĩnh Long. Nhưng do nghĩa binh nổi lên khắp nơi trong vùng bị chiếm đóng, Pháp bày kế nghị hòa để bình định vùng mới chiếm được. Vua Tự Đức cử Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ cùng Chánh sứ Phan Thanh Giản vào Gia Định để nghị hòa. Trước thế yếu trên chiến trường, đoàn sứ bộ đành ký hòa ước ngày 5-6-1862 với hai khoản nặng nề nhất là phải giao cho Pháp ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn, phải bồi thường chiến phí 4 triệu đô la.

Nghe đoàn sứ bộ về tâu bày, vua Tự Đức quở trách Chánh, Phó sứ và giao cho triều đình nghị bàn bản hòa ước trước khi phê duyệt. Trong tình thế thua trận mất dần đất đai, nhà vua muốn lấy lại ba tỉnh Miền Đông nhưng lại không đủ sức; muốn vận động nghĩa sĩ vùng lên phối hợp với quân triều đình chống Pháp nhưng lại sợ dân nổi lên làm loạn, chiếm mất ngôi vua. Đông đảo sĩ dân yêu nước, quyết tâm đánh Pháp đã lên án gay gắt cả sứ bộ lẫn triều đình bằng câu: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Phan Lâm bán nước, triều đình bỏ dân). Để trấn an dư luận, nhà vua giáng chức Lâm Duy Hiệp làm Tuần phủ Thuận Khánh, Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng lại giao cho hai ông tiếp tục vào Gia Định thương thuyết chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Hai ông chỉ biết lấy nước mắt mà biện bạch nỗi khổ tâm của mình, rồi lên đường vào Nam. Lo buồn không thực hiện được ý chỉ của nhà vua, Lâm Duy Hiệp lâm bệnh nặng qua đời năm 1863, lúc mới 57 tuổi.

Lâm Duy Hiệp là đại thần trải qua ba triều vua nhà Nguyễn. Trước dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp, ông thuộc phái chủ hòa, nhưng thương thuyết không thành. Đương thời, người bảo ông là kẻ có công, người cho ông là kẻ có tội. Công hay tội đã có lịch sử luận bàn. Chỉ biết rằng, số phận trớ trêu của vị đại thần này đã gắn với lịch sử đau thương của dân tộc ta trong những năm tháng lâm vào họa mất nước.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)
Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương   (26/01/2007)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)