Yang Đố
9:42', 16/3/ 2007 (GMT+7)

Yang Đố, tiếng Bahnar là nàng Đố. Tương truyền, nàng Đố là con gái của vị tù trưởng Ala Kông giàu mạnh ở vùng núi Mộ Điểu. Thuở nhà Tây Sơn chuẩn bị dấy nghĩa, nàng Đố như một đóa hoa rừng xinh đẹp nổi tiếng trong vùng. Đã đến tuổi cập kê, vậy mà nàng chưa chọn được người xứng đáng để kết tóc xe tơ. Một buổi chiều, vừa dẫn voi từ rừng về, nàng thấy trong nhà có khách lạ. Bà mẹ cho biết có người đưa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ dưới vùng xuôi lên chơi. Nàng lặng lẽ cúi đầu chào khách, rồi vào cùng chị em bên bếp phụ. Liếc thấy hai người khách có tướng mạo hơn người, nhất là ông anh trò chuyện với cha mình xem chừng ý hợp tâm đầu, trái tim nàng thầm nhắc: có điều quan trọng đang đến với cuộc đời nàng. Ít lâu sau, cha nàng đã vui vẻ nhận Nguyễn Nhạc làm con rể. Và thế là cả bộ tộc Ala Kông ở Mộ Điểu nay đã nhất tề theo Bok Nhạc dựng cờ khởi nghĩa.

Có người vợ thứ giỏi giang giúp cai quản việc sản xuất, Nguyễn Nhạc mới đưa người vùng xuôi lên dựng nhà, vỡ ruộng, biến vùng đất xung quanh núi Mộ Điểu thành ruộng đồng tốt tươi. Nàng Đố còn dẫn chồng tới thuyết phục những buôn làng người Thượng xa xôi trên cao nguyên đưa voi ngựa về cùng tụ nghĩa. Tám năm chồng chinh Nam phạt Bắc, là tám năm nàng chăm lo cai quản việc sản xuất, làm cho vùng đất này trở nên giàu có, giúp chồng giữ vững vùng chiến khu.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, Vua cho rước bà về Tử Cấm thành. Bà được Hoàng hậu Trần Thị Huệ yêu thương như em ruột. Nhưng vì vốn đã quen với ruộng đồng rừng núi, nên bà tha thiết xin trở về Mộ Điểu, tiếp tục cai quản vùng đất mà mình đã giúp Vua dày công khai phá.

Sau sự biến ở thành Hoàng Đế năm 1793, được tin Vua Thái Đức ốm nặng, bà vội vàng về Tử Cấm thành để được nhìn mặt chồng trước khi người tạ thế. Sau tang lễ, theo lời chồng dặn, bà về Mộ Điểu chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn. Năm năm sau, bà Đố lại cùng cả bộ tộc Bahnar ở Mộ Điểu hết lòng che chở, đùm bọc khi bà Huệ đưa hai con Văn Đức, Văn Lương và cháu Văn Đẩu con Nguyễn Bảo lên lánh nạn.

Nhà Tây Sơn sụp đổ, quan quân nhà Nguyễn Gia Long lên truy tìm để tận diệt con cháu nhà Tây Sơn, nhưng đồng bào Bahnar ở Mộ Điểu đã thủy chung bảo vệ, che giấu cho những người thân thích của Bok Nhạc cải dạng, sống lặng lẽ với buôn làng.

Quý phi Yang Đố mà người đời sau gọi là Cô Hầu và cả cánh đồng Cô Hầu ngày nay còn đó, là hồi quang đẹp đẽ của mối tình gắn bó keo sơn giữa đồng bào Bahnar với nhà Tây Sơn thuở trước.  

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)
Ng­ười đảng viên kiên trung  (31/01/2007)
Phủ thành Quy Nhơn  (29/01/2007)