Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng
9:26', 23/3/ 2007 (GMT+7)

Nguyễn Hóa là một vị tướng quả cảm của nghĩa quân Cần Vương Bình Định. Ông sinh năm 1852, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, cùng quê với Mai Xuân Thưởng, nhưng hơn Mai Công tới 8 tuổi.

Thuở thiếu thời, ông là người có chí hiếu học. Sau nhiều năm đèn sách, ông từng mang lều chõng tới trường thi Hương Bình Định. Song bảng hổ vẫn vắng tên ông, vì thiếu chút duyên trường. Sống trong những năm tháng giặc Pháp xâm lược nước ta, là người yêu nước, giàu tráng chí, trong bài thơ “Ký hữu” (gửi bạn), ông đặt câu hỏi: “Lang Sa vô cố nhiễu ngô bang/ Báo quốc anh hùng khởi thụ hàng?” (Giặc Pháp vô cớ tới xâm lăng/ Anh hùng chẳng lẽ ngồi không chịu hàng?), để khẳng định lý tưởng giết giặc cứu nước cho mình và cho cả thế hệ trai trẻ thời bấy giờ.

Năm 1885, sau khi thất thủ kinh đô, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi cả nước vùng lên đánh Pháp. Nguyễn Hóa đã sát cánh cùng Mai Nguyên soái từ những ngày đầu chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa. Để tính kế lâu dài, bộ chỉ huy nghĩa quân đã quyết định xây dựng mật khu Linh Đỗng ở Đồng Le, phía Tây đại bản doanh Lộc Đỗng. Đây là nơi hang sâu, có thể chứa mấy trăm người ẩn núp và tiện cất giấu vũ khí, lương thực. Việc xây dựng mật khu do Nguyễn Hóa đảm nhiệm với chức vụ Thống binh. Thế là ông cùng đội nghĩa binh người Phú Lạc, Phú Phong đã vất vả đào hào, đắp lũy, bố trí cạm bẫy, cất giấu vũ khí, lương thực, đặt ám hiệu, tổ chức canh gác nghiêm mật. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 9 năm 1885, khi Mai Nguyên soái làm lễ tế cờ tại đại bản doanh, thì mật khu cũng hoàn thành.

Từ tháng 9-1885 đến tháng 9-1886 phong trào Cần Vương Bình Định phát triển mạnh, làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Trường Úc, Cẩm Văn, Thủ Thiện, khiến quân địch khiếp kinh. Đánh không thắng, dụ không hàng, vua Đồng Khánh cầu cứu viện binh Pháp. Đến tháng 10 năm 1886, được quân Pháp yểm trợ từ mặt biển, quân Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào, quân Trần Bá Lộc từ Khánh Hòa đánh ra, chúng hội quân ở Quy Nhơn rồi ào ạt tiến đánh Phú Phong. Nhiều trận huyết chiến đã diễn ra trên đường cản địch. Chiếm được Phú Phong, Thân và Lộc tung quân bao vây, đánh chiếm Lộc Đỗng. Trước số quân đông và vũ khí hiện đại của địch, sau nhiều ngày chống cự ác liệt, Mai Nguyên soái biết thế không giữ nổi, liền mở đường máu đưa quân chạy về Kỳ Đồng. Thống binh Nguyễn Hóa dẫn một toán chiến hữu từ mật khu ra tiếp cứu chủ tướng. Giữa vòng giao tranh, ông trúng đạn qua đời, lúc tuổi mới tròn 35.

Mấy tháng sau, thất trận ở Kỳ Đồng, Mai Nguyên soái theo đường rừng chạy về Linh Đỗng, thì mật khu vẫn còn gần một trăm chiến hữu trấn giữ. Mãi tới khi Mai Nguyên soái đền nợ nước, bọn tay chân của Thân và Lộc mới dám tiến vào phá hủy căn cứ bí mật của nghĩa quân. Thế mới biết Thống binh Nguyễn Hóa đã xây dựng mật khu kín đáo, vững chắc đến chừng nào.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)
Vị dũng tướng Cần vương Bình Định  (09/02/2007)
Thành Hoàng Đế  (05/02/2007)
Hoàng giáp Vĩnh Ân và Đồ Bàn thành ký  (02/02/2007)