Tờ Lok và Tờ Lek là tên hai làng của đồng bào Bana, nay thuộc hai xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh. Những địa danh này đã đi vào lịch sử như cái mốc khởi đầu cho thời kỳ nhân dân miền Nam đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Trong những năm đầu, khi chính quyền địch tiến hành cuộc chiến tranh một phía, lực lượng cách mạng ở Bình Định bị tổn thất đáng kể. Nhiều cơ sở bị tan rã. Bộ phận trung kiên và đầu não phải lui vào hoạt động bí mật, rút về các căn cứ tại các vùng núi, trong đó huyện Vĩnh Thạnh là một địa bàn quan trọng.
Với ý đồ xóa sạch những thành quả cách mạng, tiêu diệt toàn bộ lực lượng cách mạng còn lại ở miền Nam, chính quyền ngụy đã thực hiện chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, tát nước bắt cá. Những vùng có truyền thống là căn cứ cách mạng như Vĩnh Thạnh trở thành mục tiêu khủng bố, đàn áp của địch. Cũng chính tại nơi đây nhân dân đã dũng cảm biểu thị lòng trung thành với Đảng và cách mạng. Tờ Lok và Tờ Lek là hai làng tiêu biểu cho tinh thần kiên trung, bất khuất đó.
Ngay từ tháng 5-1955, Mỹ - Diệm đã đưa quân lên Vĩnh Thạnh hòng thiết lập ách cai trị của chúng, nhưng đã bị nhân dân kiên quyết chống lại. Kẻ địch chuyển sang chính sách cưỡng bức dân chúng vào các trại tập trung để thực hiện chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Các làng Hà Ri, Tờ Lok, Tờ Lek được chúng chọn làm thí điểm.
Tờ Lok và Tờ Lek là hai làng có truyền thống cách mạng. Tại đây có những người trở thành Đảng viên đầu tiên trong huyện; hơn 300 gia đình có con em tập kết ra miền Bắc. Đây cũng là địa bàn Tỉnh ủy Bình Định chọn làm căn cứ trong những năm đầu của cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai làng đã sử dụng mọi hình thức đấu tranh làm thất bại âm mưu của quân thù.
Điên cuồng trước tinh thần đấu tranh kiên cường của đồng bào, kẻ địch đã dùng bạo lực đàn áp dã man. Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng chủ trương phát động nhân dân vùng lên cầm vũ khí, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Làng được xây dựng các hệ thống phòng thủ với chông, cạm bẫy, mang cung. Thanh niên sẵn sàng chiến đấu với các vũ khí thô sơ tự tạo.
Vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhân dân, đến tận năm 1958, quân địch vẫn không sao thực hiện nổi chính sách dồn dân.
Sang đầu năm 1959, địch chủ trương thẳng tay dùng quân đội tấn công, mở đầu là sự kiện ngày 6 tháng 2. Sáng hôm đó quận trưởng Vĩnh Thạnh ra lệnh cho một trung đội lính bảo an đánh vào làng, bất chấp lời cảnh báo của dân chúng. Du kích Tơ Lok và Tơ Lek đã dũng cảm đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên, trong đó có Đinh On là tên ác ôn dẫn đường, buộc địch phải rút lui.
Bị thua đau, chúng tiếp tục tăng viện để mở cuộc hành quân qui mô lớn hơn vào ngày 17 tháng 3. Suốt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, địch liên tiếp mở nhiều đợt tấn công nhưng không sao vào được làng. Đổi lại, chúng phải chịu tổn thất nặng nề với 5 tên chết tại chỗ, trong đó có viên trung úy chỉ huy và 24 tên khác bị thương. Quân địch buộc phải huy động cả máy bay đến ném bom yểm trợ và tàn phá làng mạc, nhưng cuối cùng vẫn chịu thất bại, buộc phải rút lui.
Thắng lợi của nhân dân hai làng Tờ Lok và Tờ Lek đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm trên một địa bàn quan trọng, bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng. Chiến thắng này đã làm dấy lên phong trào đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Định. Đối với toàn miền Nam, cuộc nổi dậy ở Tờ Lok và Tờ Lek cũng là những tiếng súng giòn giã trong loạt đạn đầu tiên của cuộc chiến tranh cách mạng.
Lên thăm Tờ Lok, Tờ Lek hôm nay chúng ta có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng năm xưa. Cuộc sống đã đổi thay nhưng khung cảnh nơi diễn ra những trận chiến ác liệt vẫn còn đó bên bờ suối Cau. Hình thế núi non hiểm trở bao quanh khu vực Nước Ló, những hóc đá đã từng là nơi quân dân địa phương mai phục đánh địch, lập nên chiến công còn sống mãi với thời gian.
|