Di tích Đài phát thanh
8:41', 4/4/ 2007 (GMT+7)

Địa chỉ 183 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, nay là trụ sở Sở VHTT Bình Định, năm 1968 là Đài phát thanh Bình Định của ngụy quyền Sài Gòn.

Trong chiến dịch tiến công vào thị xã Quy Nhơn đầu năm 1968, trận đánh chiếm và làm chủ Đài phát thanh, được coi là trận đánh tiêu biểu của chiến dịch. Sau này, khi những người nghiên cứu lịch sử đối chiếu, so sánh và nhiều nhân chứng sống xác nhận: Đài phát thanh được chọn làm di tích kháng chiến ghi dấu những trận đánh lẫy lừng, làm nên những chiến công oanh liệt của lực lượng vũ trang Bình Định trong dịp tết Mậu Thân.

Như chúng ta đã biết, cuối năm 1967, tình hình chiến cuộc ở miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho ta, "Chiến tranh cục bộ" của Đế quốc Mỹ sắp sửa đến hồi phá sản. Thực hiện chủ trương chung của toàn miền, nhất là lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua thắng giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta

Quân và dân tỉnh Bình Định đã tổ chức một trận đánh lớn vào thị xã Quy Nhơn-nơi toàn bộ các cơ quan đầu não của địch ở Bình Định đều tập trung tại đây.

Trong chiến dịch lịch sử này, mục tiêu chính của lực lượng vũ trang ta là dùng các mũi vũ trang gọn nhẹ, tiến công thẳng vào Dinh tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Quy Nhơn… Nhiệm vụ tác chiến chủ yếu cho các trận đánh này được giao cho 50 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với tiểu đoàn đặc công "Liên ấp 3" phối hợp với các đơn vị biệt động và tự vệ nội thị thực hiện.

Xét thấy tầm quan trọng của cơ quan Đài phát thanh, vì nếu đánh chiếm được sớm ta có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật của đài phục vụ cho công tác tuyên truyền, kêu gọi quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương; cho nên theo kế hoạch, mục tiêu tiến công đầu tiên của ta là đánh chiếm Đài phát thanh, sau đó nếu thuận lợi, quân ta sẽ tiến công các mục tiêu tiếp theo. Cuộc tấn công dự định sẽ phát hỏa đúng vào lúc giao thừa Xuân Mậu Thân (tức 0 giờ ngày 29-1-1968).

Trước đó, một đơn vị đặc nhiệm đã bí mật đột nhập vào nội thị trinh sát, điều tra tình hình và chuẩn bị địa bàn. Đơn vị này do đồng chí Nguyễn Khuông (tức Biên Cương), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy trực tiếp lãnh đạo. Trong khi công việc chuẩn bị gần như hoàn tất thì một tình huống bất ngờ xảy ra: đồng chí Biên Cương và một số cán bộ hoạt động bí mật của ta bị địch bắt. Lúc đó đã là ngày 28-1.

Tuy nhiên, không thể để trễ ngày nổ súng, Tỉnh ủy quyết định điều chỉnh kế hoạch tác chiến có thay đổi đôi chút so với ban đầu. Nghĩa là mũi tấn công đầu tiên không đột kích vào Đài phát thanh như đã định mà đột kích vào khu Quân Trấn (cách Đài phát thanh khoảng 400 mét về phía Tây-Nam) để giải thoát đồng chí Biên Cương và một số cán bộ của ta đang bị an ninh Quân đội địch giam giữ, sau đó mới đánh chiếm Đài phát thanh.

Với kế hoạch được điều chỉnh chút ít này, tối 30 Tết (29-1-1968), Tiểu đoàn 50, tiểu đoàn đặc công và các đơn vị biệt động, tự vệ mật từ vị trí dấu quân ở căn cứ Hưng Thạnh bắt đầu xuất kích. Do có sự chuẩn bị công phu, chu đáo và sự giúp đỡ, bao bọc của cơ sở, toàn bộ lực lượng chiến đấu của ta đã đột nhập an toàn vào nội thị và áp sát các mục tiêu trước giờ giao thừa mà địch không hề hay biết.

Sắp đến giờ giao thừa! Bọn Ngụy quân-ngụy quyền và các toán lính Mỹ đang hí hửng vui say chuẩn bị đón cái tết sau một năm phải đương đầu vất vả với "cộng quân". Tuy vậy, trên đường phố Quy Nhơn thi thoảng xuất hiện những chiếc xe jeep mui trần, sắc lính rằn ri tay gương súng M-16. Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968, khi thị xã vang lên tiếng pháo đón chào năm mới là lúc bộ đội ta nhận lệnh nổ súng tiến công địch.

Những giây khắc đầu tiên, địch hoàn toàn bất ngờ! Tập kích vào khu Quân Trấn diễn ra hết sức mau lẹ, 22 cán bộ, chiến sĩ của ta, trong đó có Bí thư thị ủy Quy Nhơn Biên Cương được giải cứu.

Trên đà thuận lợi, đúng như kế hoạch, 2 đại đội đặc công nhanh chóng đánh chiếm Đài phát thanh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trấn giữ ở đây, trong đó có 2 tên Mỹ, làm chủ hoàn toàn khu vực này. Cùng lúc đó các mũi tấn công khác đánh vào Dinh tỉnh trưởng, Đồn cảnh sát Bạch Đằng, kho quân sự Đèo Son, Bến Xe… Quân địch hoang mang cực độ, gần như hoàn toàn bị tê liệt, mất khả năng chi viện, ứng cứu cho nhau.

Sau khi hoàn hồn, sáng hôm sau (30-1) địch bắt đầu điều quân từ các nơi khác đến ứng cứu. Từ lúc này trở đi, diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt, địch và ta giành giật nhau từng góc tường, nóc phố. Trong các trận chiến đấu đầy cam go này thì trận chiến đấu chốt giữ Đài phát thanh trong 7 ngày đêm là tiêu biểu nhất.

Tại đây, với khẩu hiệu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", các chiến sĩ đặc công đã kiên cường, bám trụ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ. Nhiều chiến sĩ ta hy sinh rất anh dũng, người trước ngã, người sau lên thay, đánh địch đến hơi thở cuối cùng.

Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, vũ khí, đạn dược bên ngoài chuyển vào không được, trong lúc đó người chỉ huy trận đánh là đồng chí Biên Cương đã hy sinh; cuộc chiến đấu không cân sức ngày một thu hẹp nhưng rất các liệt. Khi quân địch lên đến tầng hai của Đài phát thanh, chỉ còn lại 2 chiến sĩ đặc công súng đã hết đạn và trong tình trạng bị thương.

Cuộc tổng tiến công vào thị xã Quy Nhơn kết thúc sau 7 ngày đêm quân ta làm chủ Đài phát thanh, tiêu diệt hàng trăm tên địch đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở Bình Định lên một cục diện mới. Cùng với chiến thắng trên toàn chiến trường miền Nam của Xuân Mậu Thân (1968), một lần nữa quân và dân Bình Định đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đẩy chiến lược "chiến tranh cục bộ" của chúng đi đến phá sản hoàn toàn.

. Theo Văn hóa Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)
Ông Nguyễn Tri Phương là người Bình Định ?  (09/02/2007)