Chiến thắng Thuận Ninh
16:18', 5/4/ 2007 (GMT+7)

Thuận Ninh (thuộc xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) là một thung lũng lớn nằm ở phía Đông Bắc huyện, nơi giáp ranh với huyện Phù Cát. Địa hình tự nhiên đã biến nơi đây thành một vùng đất có vị trí đặc biệt.

Núi non trùng điệp vây bọc bốn bề tạo nên vẻ kín đáo nhưng lại không cách biệt với bên ngoài. Phía Đông có đường nối thông với Quốc lộ 1A. Đoạn tiếp giáp giữa hai huyện Tây Sơn và Phù Cát phải đi qua một hẻm núi Thương ở mặt Bắc và Hòn Khi ở mặt Nam giống như hai tấm lá chắn khống chế đường ra vào thung lũng. Phía Nam thung lũng có đường đi xuống các xã ven trục lộ 19.

Ở phía Tây, núi giăng trùng điệp nhưng lại có con đèo tên gọi Bồ Bồ, ngăn cách hai ngọn núi Nước Đỏ và Bạc Má, tạo thành một con đường độc đạo dẫn tới các xã ven sông Kôn thuộc địa phận huyện Vĩnh Thạnh.

Do có địa thế hiểm yếu, thuận tiện về mọi mặt nên trong các giai đoạn lịch sử Thuận Ninh luôn được chọn để xây dựng căn cứ.

Ở phía Tây Bắc thung lũng có một quả núi nhỏ tục gọi là núi Ba Gò. Dân trong vùng giải thích rằng dưới chân núi có nhiều gò đất dị thường nên có tên như thế. Có truyền thuyết kể rằng, vào thời kỳ nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại, một hôm vào lúc nửa đêm, người ta bỗng nghe thấy tiếng kèn trống từ phía Nam đi tới. Có người thức dậy rình xem thì thấy có đoàn người vác cờ khiêng kiệu đi về phía chân núi Ba Gò, sau đó biến mất, tiếng kèn trống cũng im bặt. Từ đó trở đi cứ vào những hôm thanh vắng lại nghe văng vẳng tiếng kèn trống từ trong núi vọng ra. Có người cho rằng núi Ba Gò chính là nơi dấu hài cốt vua Thái Đức Nguyễn Nhạc (?).

Chính vì vậy mà khu vực Ba Gò còn gọi là khu lăng và rất linh thiêng đối với dân địa phương, không mấy người dám đến. Không có tư liệu nào để kiểm chứng tính xác thực của truyền thuyết kể trên, nhưng với vị trí của Thuận Ninh trong mối quan hệ với Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, rất có thể nơi đây đã từng in dấu chân các nghĩa sĩ Tây Sơn.

Thời kỳ thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng dựng cờ Cần Vương chống Pháp, Thuận Ninh là một hậu cứ quan trọng của nghĩa quân. Nơi đây còn di tích Bắc Trại với cánh đồng rộng mênh mông ở Đồng Quan, ngay dưới chân Hòn Khi là nơi nghĩa quân tăng gia sản xuất tích trữ lương thảo luyện quân. Phía Nam Bắc Trại có Truông Xe, tương truyền cũng gắn liền với hoạt động vận chuyển lương thực của nghĩa quân. Có lẽ chính vì nơi đây đã từng là một căn cứ đóng quân quan trọng của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng mà thung lũng Thuận Ninh còn có tên là Đồng Đồn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thuận Ninh là an toàn khu của các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Bình Định và huyện ủy Tây Sơn. Đây cũng là hậu cứ của các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Từ đây bộ đội đã xuất phát tiến đánh các cứ điểm địch ở An Lão, Bồng Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ và đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch.

Lúc đó hãng thông tấn Anh Reuter đã từng nhận định: "Lực lượng Việt cộng đang áp sát các đường chiến lược và đang ẩn náu trong thung lũng Thuận Ninh có thể làm thương hại tới việc vận chuyển của quân Mỹ".

Đánh vào hậu cứ nhằm tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo và bộ đội chủ lực của ta là mục tiêu quan trọng hàng đầu của quân Mỹ ngay khi chúng mới đặt chân vào miền Nam. Một kế hoạch tập kích bất ngờ vào Thuận Ninh đã được hình thành.

Sáng 19-8-1965 địch cho máy bay và trọng pháo oanh tạc, bắn phá dữ dội khu vực Thuận Ninh. Tiếp đó 60 máy bay trực thăng ồ ạt đổ xuống thung lũng 2.000 lính dù Mỹ. Đây là cuộc đổ bộ đường không lớn đầu tiên của Mỹ trên chiến trường Bình Định.

Vào thời điểm ấy, ngoài lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực Quân khu đang đóng ở Thuận Ninh chỉ có Tiểu đoàn 95. Tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía địch. Mặc dù ít hơn về số lượng, kém hơn về hỏa lực và trang bị nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 95 đã sát cánh cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, triệt để lợi dụng địa hình, phân tán thành các phân đội nhỏ chặn đánh địch quyết liệt.

Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt từ sáng đến tận chiều tối quân ta vẫn giữ vững trận địa. Sau cuộc hành quân này, phía Mỹ đã phải thừa nhận: "Quân giải phóng và du kích ở thung lũng Thuận Ninh đánh rất giỏi, được tổ chức tốt và có kỷ luật cao".

Hoàn toàn bất ngờ trước tinh thần chiến đấu ngoan cường và những đòn đánh trả sấm sét của quân ta, quân địch buộc phải rút lui với những tổn thất nặng nề: 2.000 lính Mỹ bị tiêu diệt, 11 máy bay bị bắn rơi. Chiến dịch hành quân đánh vào hậu cứ Thuận Ninh hoàn toàn thất bại. Chiến thắng này đã mở đầu cho thời kỳ đánh thắng "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ trên chiến trường Bình Định.

Trở lại di tích hôm nay, cảnh vật đã hoàn toàn đổi khác. Từ một thung lũng với những cánh đồng xanh ngắt xen lẫn những xóm cư dân người kinh và Bana sinh sống cùng nhau, Thuận Ninh đã biến thành một hồ chứa nước mênh mông. Nơi hậu cứ năm xưa đã từng chở che cho cách mạng nay đã hóa thân thành một công trình thủy lợi kỳ vỹ đem nguồn nước tưới cho biết bao cánh đồng lúa quanh vùng.

Dấu tích vật chất của chiến trường thắng Mỹ năm xưa chỉ còn sót lại một vài đoạn hào chiến đấu trên các đồi cao quanh hồ, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ đã làm nên chiến công lịch sử này sẽ đời đời bất tử.

  • Bảo Huy (theo Địa chí Bình Định)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)
Đèo Nhông - Dương Liễu: Chói ngời một chiến công  (11/02/2007)