Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa
9:38', 6/4/ 2007 (GMT+7)

Trần Đức Hòa, quê ở làng Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Nhờ tổ phụ làm quan cho nhà Lê, ông được tập ấm, chức Hoàng Tín Đại Phu; sau được thăng Cẩm Y Vệ Đô Chỉ Huy Sứ; rồi lại có công yên dân một cõi, nên được phong Cống Quận Công, làm Tuần Phủ Khám Lý phủ Quy Nhơn.

Là vị quan khoan hòa, trọng kẻ sĩ, thương lương dân, có tầm nhìn xa trông rộng, nên ông đã xây dựng phủ Quy Nhơn thành vùng đất trù phú, yên bình, tích trữ được nhiều lương thực, giúp chúa Tiên nhanh chóng xây dựng vùng đất cực Nam của vùng Thuận - Quảng trở nên giàu mạnh.

Khi Nguyễn Hoàng qua đời ở tuổi 89, Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp, ông được chúa mới ưu ái tới mức nhận làm em kết nghĩa. Mỗi lần ra phủ trình việc dân, việc nước, nói điều gì chúa cũng tin theo. Chúa lại ban cho đặc ân ra vào nơi cung cấm như người nhà.

Khám Lý Trần Đức Hòa dùng người không câu nệ sang hèn. Khi Lê Đại Lang tiến cử Đào Duy Từ, ông đàm đạo với kẻ sĩ thất cơ lỡ vận này suốt cả ngày, rồi gả con gái cho để gắn bó tình thân. Ông đã cầm bút phê sau khi đọc Ngọa long cương vãn: “Trời sinh minh chúa trị dân, tất có hiền tài giúp rập. Lộc Khê (tên hiệu của Đào Duy Từ) chính là Ngọa Long tiên sinh ngày nay”. Lời tiên đoán ấy của ông sau này đã thành sự thật.

Năm 1627, Trịnh Tráng đem đại binh vào đánh Đàng Trong, quân Nam dựa vào thế hiểm, buộc quân Trịnh phải rút về, chiếm lại được vùng đất phía Nam sông Gianh. Quan Khám Lý ra phủ dinh chúc mừng thắng trận và được chúa gọi vào cung, tâu bày rõ tình hình Quảng Nam. Nhân lúc chúa tôi đang vui, ông liền trình chúa bài Ngọa long cương vãn của Đào Duy Từ. Sãi Vương cầm lên xem, biết đây là người có tài, giỏi thuật dẹp loạn lập trị. Ý tình trong bài vãn khiến chúa rất hài lòng, liền bảo quan Khám Lý đưa Đào Duy Từ ra để chúa gặp mặt.

Mấy tháng sau, Trần Đức Hòa đưa Đào Duy Từ vượt đèo Hải Vân ra hầu chúa. Minh quân lương tướng tao phùng, chúa tôi đàm đạo việc nước ý hợp tâm đầu, chúa liền phong Đào Duy Từ làm Nha Úy Nội Tán tước Lộc Khê Hầu. Chúa ban lời khen quan Khám Lý biết tiến cử hiền tài.

Trần Đức Hòa không chỉ có tài trị dân, giữ yên vùng đất phên giậu, mà còn tìm cho chúa một quân sư đại tài, đủ cơ mưu đối chọi với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Khi mất, Trần Đức Hòa được phong Phúc Thần, dân làng được phép rước sắc về thờ. Đến năm 1805, ông lại được truy tặng Đệ Nhất Đẳng Khai Quốc Công Thần. Đền thờ ông ở làng Hy Văn gọi là “Cống Quận Công Từ”.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)
Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định  (22/02/2007)