Nhớ bác Trần Kiên
11:13', 10/4/ 2007 (GMT+7)

Đồng chí Trần Kiên tại nhà riêng năm 2003. Ảnh: T.Đ

Ngày 11-4 này, Nhà nước sẽ trao Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Trần Kiên, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Đây là tưởng thưởng cao quý mà đất nước đã dành cho ông-một nhà cách mạng suốt đời vì dân vì nước. Báo Bình Định xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Đăng về đồng chí Trần Kiên như một nén hương tưởng nhớ về nhà cách mạng lão thành này.

Cách đây 62 năm, tại vùng rừng phía tây Quảng Ngãi, cuộc khởi nghĩa của những người tù cộng sản đã nổ ra và sau đó là sự ra đời của đội du kích lừng danh-đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang Khu 5. Hôm nay, bác Trần Kiên được nhận Huân chương Sao Vàng, đúng vào dịp ra đời của đội du kích từ 62 năm trước mà bác là thành viên của đội quân nổi tiếng ấy. Tôi nghĩ, có lẽ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, song sự ngẫu nhiên này đã nằm trong một chuỗi logic của lịch sử. Bác Kiên đã được tưởng thưởng bằng tấm huân chương cao quý do công lao to lớn của bác đóng góp cho cách mạng, mà mở đầu là việc tham gia Đội du kích Ba Tơ từ những năm còn trứng nước.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, suốt cả tuổi thơ của mình, bác Kiên như lớn lên trong khổ cực và roi vọt của địa chủ. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, mười sáu tuổi, ông tham gia cách mạng, với một động cơ hết sức cụ thể: Mình sẽ được cách mạng chia ruộng đất từ tay địa chủ nếu như cách mạng giành thắng lợi. Ông dấn thân vào con đường tranh đấu đầy những bất trắc với một niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Niềm tin ấy của ông đã được cụ thể bằng cuộc cách tháng tháng Tám long trời lở đất, quật đổ cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật, chôn vùi vào quá khứ cả một chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước này.

Đất nước trải qua bao nhiêu năm binh lửa là từng ấy năm bác Trần Kiên lăn lộn trên khắp các chiến trường. Gần như nơi nào có tiếng súng trên chiến trường Khu 5 là nơi ấy bác Kiên có mặt. Từ một đội viên du kích, bác Kiên trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội: Trung đoàn trưởng rồi Phó Bí thư khu ủy Quân khu 5; giữ nhiều trọng trách của Đảng: Bí thứ tỉnh ủy các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Nghĩa Bình, rồi Bộ trưởng Bộ lâm nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kiểm tra Trung ương. Năm 1991, bác trở lại quê nhà ở tuổi 71 cùng cuốn sổ hưu và sự thanh bần hiếm có sau 55 năm tham gia cách mạng.

Dù là giữ những cương vị quan trọng trong quân đội cũng như trong Đảng, song bác Trần Kiên vẫn luôn tự nhận mình là một người lính. Ông từng nói rằng, hễ là lính thì phải luôn tiến về phía trước. Cứ ngỡ ở tuổi “xưa nay hiếm”, bác Kiên sẽ được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nào ngờ, bước chân của người lính năm nào trong ông lại tiếp tục in lên những cánh rừng phía tây Quảng Ngãi. Có người nghĩ không hay về những việc làm của ông, song tôi thì biết, trong thẳm sâu lòng mình, ông luôn cảm thấy như người mắc nợ với quá khứ. Đồng bào các dân tộc thiểu số tựa lưng vào dãy Trường Sơn đã cưu mang hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc để giành thắng lợi hoàn toàn, song suốt mấy mươi năm hòa bình, họ lại là những người khổ cực nhất. Bác Kiên đau đáu với một nỗi niềm riêng rằng, để cho đồng bào tiếp tục gian khổ là nhà nước có tội với họ. Bác Kiên là một nhà cách mạng, từng được đồng bào cưu mang, được họ chia ngọt sẻ bùi, giờ thấy họ vẫn khổ, không ray rứt sao được! Ông tiếp tục lặn lội lên rừng để tìm hướng thoát nghèo cho họ cũng xuất phát từ sự ray rứt ấy. Có thể những loại cây trồng, những vật nuôi mà bác Kiên làm thí điểm trên vùng núi để đồng bào làm theo ấy không thành công như kỳ vọng của ông, song nghĩa cử vì người nghèo của bác thì đồng bào các dân tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn ấy chẳng thể nào quên được.

Lúc bác Kiên còn sống, tôi may mắn có dịp được tiếp xúc nhiều lần với con người này và ngộ ra một điều rằng, sự trong sáng chỉ có thể tồn tại ở những người luôn biết hy sinh cho người khác. Bác Kiên là một người như vậy. Ông dành phần lớn suất lương hưu của mình để giúp cho những người nghèo khổ ở quê ông. Chả thế mà ngôi nhà của ông có lẽ là nơi ở “khiêm tốn” nhất của một cán bộ lão thành cách mạng!

Bác Trần Kiên đã đi xa 4 năm nay, song những gì mà ông để lại cho dân nghèo, cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cho cách mạng và cho đất nước này thì luôn gần gũi với tất cả chúng ta. Có lẽ đó là tấm huân chương cao quý hơn mọi huân chương khác.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)
Người tiếp bước Uy viễn Tướng công ở Bình Định  (02/03/2007)
Nỗi cảm hoài của vị túc Nho   (23/02/2007)