Căn cứ núi Bà
8:51', 14/4/ 2007 (GMT+7)

Núi Bà là một danh thắng và là nơi ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Bình Định. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, núi Bà là nơi ôm ấp chở che, bảo vệ các cơ quan chỉ đạo Khu Đông của tỉnh, là nơi nuôi dưỡng những đoàn quân giải phóng, là khởi nguyên của nhiều chiến thắng lẫy lừng.

Sau thời kỳ chịu nhiều tổn thất do bị địch chà xát, khủng bố, từ cuối năm 1959, cơ sở cách mạng ở các xã quanh núi Bà dần dần được khôi phục và củng cố. Trước yêu cầu phát triển của phong trào, Tỉnh ủy Bình Định chủ trương xây dựng một Ban chỉ đạo tiền phương ở khu Đông để bám sát thực tế và trực tiếp lãnh đạo quần chúng.

Cuối năm 1962 Ban cán sự Khu Đông được thành lập. Phạm vi hoạt động của Ban cán sự gồm các xã phía Nam huyện Phù Cát, phía Đông Bắc huyện Tuy Phước và phía Đông huyện An Nhơn. Nơi được chọn làm địa điểm đóng cứ là Hóc Mang trên đỉnh núi Bà (nay thuộc địa phận thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng). Đây là một căn cứ lợi hại với nhiều hốc đá hiểm trở, có đường độc đạo nối thông với các vùng khác. Tại đây có suối nước tự nhiên, thuận tiện cho sinh hoạt.

Đặc biệt, Hóc Mang lại vị trí trọng yếu, trấn giữ phía Nam con đèo cắt dọc núi bà. Từ đây có thể dễ dàng triển khai lực lượng xuống các xã đồng bằng Phù Cát nhưng khi cần thiết, có thể theo đường đèo Tố Mộ, rút sâu vào trong núi đến những căn cứ an toàn hơn ở thung lũng Sơn Rái hoặc di chuyển lên phía Bắc, tới những vùng cư dân ẩn sâu trong núi như thôn: Chánh Hùng, Chánh Thắng (thuộc xã Cát Thắng).

Từ chỗ đứng chân đầu tiên ở Hóc Mang, trong một thời gian ngắn, Ban cán sự đã xây dựng được cơ sở ở một số thuộc thôn, thuộc các xã phía đông núi Bà. Sau đó cơ sở mở rộng ra các xã phía đông huyện Tuy Phước và An Nhơn. Đặc biệt trong thời kỳ 1961-1962 ta đã xây dựng được một căn cứ lợi hại ở Tân Thanh, một hõm núi giáp biển phía Đông núi Bà, làm cơ sở cho những hoạt động vũ trang sau này của tỉnh.

Bị thất bại nặng nề trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ buộc phải "thay ngựa" giữa dòng. Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị các thế lực quân sự tay sai Mỹ làm đảo chính lật đổ. Chính quyền mới cuống cuồng thi hành chính sách "Bình định và tìm diệt" hòng lấy lại thế chủ động trên chiến trường. Quân địch liên tiếp tổ chức các cuộc hành binh càn quét. Nhiều vùng giải phóng lại rơi vào vòng kiểm soát của chúng.

Trước tình hình mới, Tỉnh ủy chủ trương chuyển hướng hoạt động sang phía Đông. Tháng 4 năm 1964, Ban chỉ đạo tiền phương được thành lập do đồng chí Nguyễn Trung Tín, Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo, thay thế cho Ban cán sự. Lúc đầu Ban chỉ đạo hoạt động chủ yếu ở căn cứ Tân Thanh. Ngoài các bộ phận Tuyên huấn, Binh vận, Giao liên, một đại đội chủ lực của tỉnh đã được xây dựng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban.

Tuy nhiên, trước sự vây ráp gắt gao của địch, cơ quan đầu não khu Đông phải chuyển lên căn cứ mới trên núi Bà. Nơi đóng cơ quan là một hang đá tự nhiên rộng 5m, sâu 8m, trên độ cao khoảng 200m, nay thuộc địa phận thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng. Từ hang đá có thể quan sát cả một vùng rộng lớn. Các bộ phận trực thuộc đều đóng ở khu vực quanh đó. Đây là cơ quan đầu não trực tiếp chỉ đạo cuộc đồng khởi ở khu Đông.

Năm 1964, sau khi phân tích tình hình, thấy thời cơ đã chín muồi, Tỉnh ủy quyết định mở chiến dịch vừa tiến công bằng quân sự vừa phát động nhân dân vùng lên đồng khởi. Ở khu vực phía Đông, điểm được chọn để tấn công mở màn là ấp Càn Rang (nay thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát). Đây là một địa bàn đông dân, có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo của chiến tranh cách mạng, đồng thời lại là nơi có phong trào mạnh.

Từ thắng lợi đầu tiên của Càn Rang, phong trào đồng khởi lan rộng ra nhiều xã khu Đông. Đến cuối năm 1964, chính quyền cách mạng đã được hình thành ở 23 xã nối liền một dải từ Bắc Phù Cát đến Đông Tuy Phước và An Nhơn. Bao quanh núi Bà là cả một vùng giải phóng rộng lớn gồm các huyện phía Đông Nam Phù Cát, Đông An Nhơn, Đông Bắc Tuy Phước, đặc biệt lần đầu tiên ta làm chủ một số thôn ven thị xã Quy Nhơn như: Hưng Thạnh, Đông Định, Tây Định, Vân Hà… với số dân 200 ngàn người.

Vùng giải phóng được mở rộng, căn cứ núi Bà cũng được củng cố, không chỉ là nơi đóng cơ quan đầu não mà còn là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực. Thung lũng Sơn Rái ở phía Tây đèo Tố Mộ trở thành hậu cứ của D50, D10 đặc công. Lãnh đạo thị xã Quy Nhơn cũng chuyển về đây.

Sau khi chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" bị phá sản hoàn toàn, năm 1965 Mỹ buộc phải trực tiếp tham chiến, bắt đầu chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Ngay từ những này đầu, kẻ địch đã tung vào chiến trường Bình Định 2 trong tổng số 9 sư đoàn lính viễn chinh Mỹ và chư hầu đang có mặt ở Miền Nam. Đó là sư đoàn không vận kỵ binh bay số 1 của Mỹ và sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn.

Với ưu thế binh lực và vũ khí, chúng đã tiến hành những cuộc hành quân lớn nhằm tiêu diệt chủ lực và các cơ quan đầu não của ta. Núi Bà trở thành trọng điểm của các cuộc hành quân "tìm diệt". Từ một căn cứ an toàn, Núi Bà trở thành chiến trường. Nhiều địa điểm ở đây đã ghi lại những chiến công hiển hách của quân ta trong thời kỳ đó.

Cuộc càn quét đầu tiên diễn ra vào ngày 19 tháng 4 năm 1965. Dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân Mỹ, một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ngụy từ biển đánh vào phía Đông Nam núi Bà. Chúng đã bị đánh trả quyết liệt. 50 tên bị tiêu diệt tại chỗ, 7 máy bay trực thăng bị bắn rơi. Ta thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Trận càn bị thất bại hoàn toàn. Di tích ghi lại chiến công quan trọng này là doi cát ven biển thuộc địa phận thôn Trung Lương - Phú Hậu, xã Cát Tiến.

  • Bảo Huy (theo Địa chí Bình Định)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)
Số phận trớ trêu với một vị đại thần  (09/03/2007)
Thành Chánh Mẫn và những truyền thuyết dân gian  (06/03/2007)
Chùa Bộc: Nơi thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ  (04/03/2007)