(Tiếp theo)
Bước vào chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), địch mở rộng quy mô và địa bàn càn quét với những cuộc hành quân lớn, những vụ thảm sát dã man hòng dồn hết lực lượng của ta lên núi Bà để dễ bề tiêu diệt. Chúng đã gây cho ta những tổn thất lớn. Từ một vùng giải phóng có hơn 200 ngàn dân, cuối năm 1966 cách mạng chỉ còn kiểm soát được chưa đầy 1.000 dân.
Trước tình thế đó, các đơn vị vũ trang và lãnh đạo các địa phương lần lượt rút về đóng cứ tại núi Bà. Lãnh đạo và bộ đội chủ lực tỉnh, lãnh đạo các huyện Tuy Phước, An Nhơn và thị xã Quy Nhơn chủ yếu đóng ở khu vực đèo Tố Mộ, lãnh đạo huyện Phù Cát xây dựng căn cứ khu 10 ở sườn phía Tây (nay thuộc địa phận thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh). Một bộ phận của sư đoàn 3 Sao Vàng cũng về đóng cứ ở đây. Những địa điểm như hố Diếp Cá, Lỗ Lùng, Hang Hầm là nơi được sử dụng làm căn cứ trong thời kỳ này.
Sau khi phần lớn lực lượng của ta rút về núi, quân địch đã tập trung lực lượng để tấn công. Liên tiếp trong ba ngày 17, 18 và 19-9-1966, máy bay B52 của Mỹ đã ném bom rải thảm vào căn cứ đầu não của tỉnh ở chân đèo Tố Mộ. Những cuộc oanh tạc bất ngờ và ác liệt đã gây cho ta không ít thương vong. Kế đó, ngày 23-9, sư đoàn Mãnh Hổ và lữ đoàn Bạch Mã của Nam Hàn đã đổ bộ xuống núi Bà. Thực hiện khẩu hiệu "lật đá bắt cộng sản", chúng tiến hành lùng sục, càn quét trên 200 địa điểm nghi là có lực lượng ta đóng cứ.
Mặc dù quân địch đã gây cho lực lượng của ta những tổn thất nặng nề, nhưng chúng vẫn không sao thực hiện được mục đích tiêu diệt hoàn toàn lực lượng kháng chiến. Chúng điên cuồng bắn giết nhân dân sống gần căn cứ. Đẫm máu nhất là cuộc tàn sát tập thể ở Hòn Đụn, Tân Thanh, suối Ông Tuồng (xã Cát Hải). Tại đây chúng đã giết chết một lúc 60 người dân vô tội. Ở thôn Trường Thạnh, Đồng Đạy (xã Cát Tiến), chúng cũng đã sát hại 50 người. Vùng quanh núi Bà bao trùm một khung khí vây ráp khủng bố và tàn sát. Tâm trạng kinh hoàng lúc đó đã từng được lưu truyền trong câu ca dao:
Khu Đông gạo trắng nước trong
Nhưng ai đến đó không mong trở về.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn thử thách gay go, ác liệt nhất. Nếu tiếp tục ở lại núi Bà, lực lượng ta có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Với chủ trương bảo toàn lực lượng và bảo vệ dân, Tỉnh ủy Bình Định quyết định phá vây, chuyển lực lượng về phía Tây. Cuộc rút lui này đã phải trả bằng giá đắt. Có tiểu đoàn sau khi đến được hậu cứ chỉ còn lại vẻn vẹn có 10 người.
Do căn cứ núi Bà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên việc rút lui chỉ là tạm thời. Tháng 11-1966, một bộ phận được bí mật cử về núi Bà gây dựng lại lực lượng. Để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, một đài thông tin bí mật đã được thiết lập ở Sơn Rái, ngay gần khu vực trung tâm núi Bà. Những cuộc càn quét vô cùng ác liệt của địch qua hai mùa khô gây cho ta những tổn thất lớn nhưng lực lượng bám trụ ở núi Bà chẳng những không bị tiêu diệt mà còn tiếp tục phát triển.
Cùng với một đại đội đặc công mới được tăng cường, hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoàn 3 đã bí mật rời căn cứ núi Bà hành quân tiến xuống các xã phía Đông huyện An Nhơn và vùng phụ cận huyện Tuy Phước. Nơi đây đã trở thành hậu cứ quan trọng cho chiến dịch Mậu Thân lịch sử. Từ đây các đơn vị chủ lực của ta đã tiến công Quy Nhơn, cùng với quần chúng nổi dậy làm chủ thị xã trong vòng 7 ngày.
Từ sau cuộc tổng tiến công, các đơn vị vũ trang, cơ quan lãnh đạo của tỉnh, thị xã Quy Nhơn, huyện An Nhơn, Tuy Phước đều rút về đóng cứ ở khu vực Đông Nam núi Bà, chủ yếu là sườn Đông núi Vĩnh Hội. Từ năm 1968 đến khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục bám trụ, biến nơi đây thành một căn cứ trung tâm của cuộc kháng chiến.
Quân địch hiểu rõ điều đó và đã nhiều lần mở cuộc hành quân càn quét ác liệt chà đi, xát lại. Nhưng địa điểm như đồi Cả, đồi Gành, đồi 338, đồi Phú Hậu… đã chứng kiến những trận chiến đấu vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ quân giải phóng, quyết tâm bảo vệ căn cứ. Đây cũng là nơi thấm đẫm máu biết bao chiến sĩ đã quên mình hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Mùa xuân năm 1975, khi thời cơ giải phóng hoàn toàn Miền Nam đã đến, Núi Bà một lần nữa chứng kiến những giờ phút hào hùng. Tại trảng Bàng, một địa điểm thuộc khu vực Sơn Rái, toàn bộ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang của tỉnh, thị xã Quy nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn đã làm lễ tuyên thệ trước giờ xuất quân tiến xuống giải phóng Quy Nhơn. Các chiến sĩ đã thề trước vong linh các liệt sĩ, đồng bào đã vì sự nghiệp cách mạng mà hy sinh ở chiến khu và xuất quân với khẩu hiệu: "Khí thế như Mậu Thân. Ra quân như Nguyễn Huệ. Tiêu diệt triệt để như Điện Biên."
Với khí thế ấy, quân và dân Bình Định đã giải phóng thị xã Quy Nhơn ngày 31-3-1975, kết thúc thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong chiến công oanh liệt này có một phần đóng góp quan trọng của căn cứ núi Bà. Nơi đây xứng đáng được coi là Thánh địa của cách mạng Bình Định.
Với trên 80 di tích, quần tụ thành 29 khu, núi Bà là một quần thể di tích gắn liền với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bình Định. Thắng cảnh núi Bà đã được điểm tô thêm bằng máu xương của những người con trung hiếu, trở thành biểu tượng cho niềm kiêu hãnh, tự hào của Bình Định.
|