Kỷ niệm 60 năm ngày mất Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947-2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành
16:55', 18/4/ 2007 (GMT+7)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng về Quảng Ngãi được 4 tháng thì mất (cuối tháng 12.1946 đến 21.4.1947) nhưng đó là quãng thời gian đầy biến động của lịch sử đất nước trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Cụ Huỳnh cũng như toàn thể Ban lãnh đạo của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ lúc bấy giờ chọn Nghĩa Hành làm “Thủ đô kháng chiến”. Dù gắn bó với mảnh đất này thật ngắn ngủi nhưng hình ảnh của nhà chí sĩ yêu nước thì vẫn in đậm trong trí nhớ của rất nhiều người bên bờ sông Phước Giang này.

 

Đường dẫn vào “Thủ đô kháng chiến” Nam Trung Bộ (12.1946-4.1947).

 

Sông Phước Giang lượn một vòng quanh thị trấn Chợ Chùa trước khi nhập vào sông Vệ, vừa tạo cho thị trấn vùng trung du này mang một vẻ đẹp kỳ ảo của miền sơn cước vừa kịp để lại sau lưng nó những dải phù sa vô cùng màu mỡ. Cây cối um tùm, trù mật,  mặt hướng ra sông, có lẽ đây là nơi đắc địa để những thủ lĩnh của cuộc kháng chiến nửa phần phía Nam đất nước chọn làm “tổng hành dinh”. Bà Nguyễn Thị Lý, đã 97 tuổi nhưng vẫn chưa quên về ba con người mà lúc nào bà cũng xem đó như một cuộc hạnh ngộ kỳ vĩ của đời bà. Đó là các ông Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Liên Việt, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Duy Trinh, đại diện cho Trung ương Đảng và Chính phủ. Ba người được phân ở ba nhà theo thế “kiềng ba chân”. Bà Lý ngày ấy là một trong những phụ nữ của làng được phân công chợ búa, cơm nước phục vụ các yếu nhân này. “Họ ăn uống kham khổ vô cùng. Gạo không được trắng, mỗi bữa một đĩa rau luộc, một ít cá kho mặn. Họa hoằn lắm mới có bữa thịt”. Bà Lý chợt xới lại ký ức mù sương từ 60 năm trước. Cả nước phải gồng mình lên để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm nên các nhà lãnh đạo của đất nước cũng buộc phải sống kham khổ. Chợ Chùa huyện Nghĩa Hành cách TP Quảng Ngãi 8 km nhưng đường sá thời ấy đâu có dễ đi như bây giờ. Mang được chút cá tươi từ biển lên đây có khi phải đổi bằng máu của mình.

 

Ngôi nhà này là nơi làm việc của Cụ Huỳnh.

 

Trong tài liệu ít ỏi về Cụ Huỳnh mà chúng tôi có được thì không thấy người ta đề cập đến việc ông vào Quảng Ngãi bằng phương tiện gì. Có lẽ bằng chuyến tàu lửa đặc biệt, vì bấy giờ, ngày 19.12.1946, tại Hà Nội, chiến tranh đã hiện hữu trên từng góc phố rồi. Người ta kể rằng, sau khi dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về, Hồ Chủ tịch biết chắc rằng sẽ không tránh khỏi một cuộc chiến tranh lần nữa với thực dân Pháp, nên trước khi lên Việt Bắc, Người khuyên Cụ Huỳnh hãy trở về Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp trong ấy, nhưng cái chính là Bác sợ Cụ Huỳnh, với tuổi 70 sẽ không chịu thấu sự khắc nghiệt của khí hậu vùng Việt Bắc khi cuộc chiến sẽ phải kéo dài trong nhiều năm. Sự lo xa này đã không thừa vì dù khí hậu phương Nam có đỡ khắc nghiệt hơn, song cũng chỉ có thể kéo dài tuổi thọ của Cụ Huỳnh thêm 4 tháng nữa! Bà Võ Thị Tuyết, con dâu bà Nguyễn Thị Em-người trực tiếp bảo vệ và nuôi giấu Cụ Huỳnh trong nhà, nhớ lại qua lời kể của bà mẹ chồng: “Ông Cụ (tức Huỳnh Thúc Kháng) luôn dậy sớm và đi các bài quyền, trông như một đạo sĩ luyện võ chứ không phải nhà lãnh đạo”.

Chỉ bốn tháng ở Nghĩa Hành nhưng Cụ Huỳnh và những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời ấy đã đưa ra bao nhiêu quyết sách có tính chiến lược, tác động trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống Pháp ở phía Nam của đất nước. “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư” là bức thư được Cụ Huỳnh viết bằng chữ Hán rồi dịch sang Quốc ngữ đã thành “mệnh lệnh” của đất nước thời bấy giờ. Cùng với hai ông Phạm văn Đồng và Nguyễn Duy Trinh, Cụ Huỳnh đã đưa ra hàng loạt chủ trương, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền cả một vùng tự do rộng lớn Khu 5 thời ấy suốt 9 năm chống Pháp.

 

Mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn.

 

Ngày 21.4.1947, trái tim đã từng bôn ba khắp chốn cùng bầu máu nóng của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã ngừng đập. Thi hài ông được an táng tại đỉnh núi Thiên Ấn, thắng cảnh số 1 của Quảng Ngãi, cách nơi ông trút hơi thở cuối cùng trên 10 cây số. Để đảm bảo an toàn, hàng vạn người dân Quảng Ngãi đã tiễn biệt ông trong bóng đêm. Bác Hồ đã viết một điếu văn cảm động nhất của Người: “…Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm gàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)
Kỳ 2: Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An-TP Huế  (15/03/2007)
Cùng nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (09/03/2007)