Chống lệnh vua, được dân gỡ tội
9:39', 3/5/ 2007 (GMT+7)

Lê Vĩnh Khanh thuở thiếu thời là một cậu bé thông minh, nổi tiếng hay chữ, lại chăm chỉ học tập. Tới thời Thiệu Trị, ông thi đỗ Cử nhân rồi Phó bảng lúc vừa 24 tuổi.

Tuy vậy, đường hoạn lộ của ông chẳng mấy hanh thông. Suốt đời ông chỉ làm đến Tri huyện; song, ông chẳng lấy thế làm buồn. Những năm 60 thế kỷ XIX, thời vua Tự Đức, khi ấy, ông đang làm Tri huyện Phù Cát. Một năm, huyện Phù Cát bị hạn hán tiếp, bão lụt, mất mùa, nhân dân lâm cảnh cơ hàn, sinh trộm cướp, nhiều nhà không đóng đủ sưu thuế. Năm 1863, vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang cầu xin Pháp cho chuộc lại vùng đất đã mất. Theo lời tâu bày của triều thần, vua Tự Đức hạ chiếu cử ông tham gia đoàn sứ bộ.

Nhận lệnh vua, ông tâm sự với các con: “Một tấc đất của giang sơn này mất đi ai chẳng đau lòng, ai chẳng muốn giành lại. Song dã tâm của Pháp là muốn cướp nước ta, thì sao chúng trả lại ba tỉnh dễ dàng như vậy. Nhà vua không lo xây dựng thực lực, khuyến khích binh sĩ và dân binh đánh chiếm lại những vùng đất đã mất, mà cứ trông vào lòng thương hại của bọn cướp nước thì sao mà thành công được. Ta không muốn chết trong buồn tủi như Lâm Duy Hiệp”. Thế rồi, ông viết sớ về triều tâu bày kế sách lấy lại ba tỉnh của mình và từ chối nhiệm vụ vua giao.

Viên Tuần phủ Bình Định khi ấy vốn không ưa ông, vì hắn chỉ đỗ Cử nhân còn ông lại đỗ Phó bảng, bèn viết sớ tâu vua hạch Tri huyện Phù Cát 4 tội: để dân đói, để trộm cướp hoành hành, sưu thuế đóng không đầy đủ và dám chống lại lệnh vua. Tự Đức liền gọi ông về triều vấn tội. Nhận lệnh vua, ông bàn bạc kỹ với các huyện hào trong vùng, rồi viết sớ tâu bày. Lời tâu của ông thật thấu tình đạt lý: “Mấy năm nay ở bản hạt nắng hạn tiếp bão lụt làm mất mùa. Dân lâm vào cảnh cơ hàn, khanh đã huy động hết các kho nghĩa thương để cứu trợ nhưng nào có đủ. Gây nên thiên tai là do trời, đâu phải là tội của khanh. Dân thiếu ăn thì sinh trộm cướp. Khanh đã cho nha lại xử phạt công minh. Thế thì khanh có tội gì đâu. Dân đói khổ, khanh đã tâu lên tỉnh, về triều, nhưng không được cứu trợ gì. Bát cơm hàng ngày của nhiều gia đình chưa đủ, nói chi đến việc bắt họ nộp đủ sưu thuế. Đánh đập, cùm kẹp dân trong cơn hoạn nạn là có tội với trời, với Hoàng thượng, khanh nỡ lòng nào làm vậy. Còn việc đi sứ sang Tây, thể trạng của khanh không hợp với khí hậu lạnh giá, nhiều băng tuyết nên sinh ốm đau. Đi không những không giúp được gì, mà còn làm thêm gánh nặng cho sứ bộ, tốn kém tiền của triều đình nên cúi xin Hoàng thượng cử người khác”.

Đọc sớ ông tâu trình, vua Tự Đức lúc đầu rất bực mình. Nhưng đọc tiếp bản tâu trình minh oan cho ông của các Nho sĩ Phù Cát, vua nguôi giận, tha tội cho ông.

Năm 1884, ông qua đời ở huyện đường Phù Cát ở tuổi 65. Vâng lời cha trăng trối, hai con ông là Lê Viết Huy và Lê Quý Liên đã tham gia phong trào Đông Du và đều hy sinh trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)
Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Hải Dương  (23/03/2007)
Vị Thống binh mật khu Linh Đỗng  (23/03/2007)
Chiến thắng An Lão  (18/03/2007)
Yang Đố   (16/03/2007)