Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng
9:24', 11/5/ 2007 (GMT+7)

Đặng Đề là Nho tướng dũng cảm của Mai Nguyên soái chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương ở Bình Định. Ông sinh ra ở huyện Bình Khê, năm 1851. Năm 1885, Hịch Cần Vương truyền tới Bình Định, ông hăng hái ra ứng nghĩa, và trở thành một dũng tướng chiến đấu sát cánh cùng Thống binh Bùi Điền, làm nên nhiều trận thắng mở đầu vang dội.

Khi Đào Doãn Địch lâm bệnh nặng qua đời, các tướng lĩnh nghĩa quân tôn Mai Xuân Thưởng làm Nguyên soái. Mai Nguyên soái đã thực hiện chiến thuật đánh du kích, bí mật phục quân đánh bất ngờ tiêu hao quân địch, khép chặt vòng vây thành Bình Định.

Cuối năm 1885, Tuần phủ Bình Định cho quân hùng hổ kéo ra thôn Cẩm Văn, thì đụng độ với nghĩa quân. Đặng Đề cùng các chiến hữu nhử chúng tiến sâu vào trận địa phục kích, rồi đổ quân ra đánh. Với súng kíp và giáo mác, nghĩa quân đã tiêu diệt nhiều quân địch. Những tên sống sót chạy bán sống bán chết về thành. Chiến thắng Cẩm Văn làm nức lòng nghĩa binh và dân chúng. Vị Nho tướng xúc động viết bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, tạm dịch là: “Trận đánh Cẩm Văn giết giặc Tây/ Chiến tích lưu truyền mãi từ đây/ Xung phong, dũng cảm anh hào kiệt/ Quyết chém đầu thù rửa nhục này”.

Ít lâu sau, khi Đặng Đề đang đóng quân ở thôn Thủ Thiện, thì giặc huy động cả kỵ binh và bộ binh, ào ạt tiến vào thôn. Nghĩa quân lặng lẽ nấp trong hào lũy tránh đạn giặc, rồi chờ khi chúng lọt hết vào trận địa mai phục thì xông lên. Những vần thơ hào sảng của ông lại cất lên: “Trống trận vang rền Thủ Thiện thôn/ Nghĩa binh dũng mãnh múa đao thương/ Quân Tây ngã ngựa tan thân xác/ Máu giặc chảy dài khắp cả đường”.

Đầu năm 1886, theo yêu cầu của quân Cần Vương Quảng Ngãi, Mai Nguyên soái cử Đặng Đề đi cùng Thống binh Bùi Điền đem quân ra giúp Nguyễn Tự Tân và Lê Trung Đình đánh chiếm tỉnh thành. Liên quân chiến thắng, bọn quan lại Quảng Ngãi bỏ chạy, thân binh đầu hàng. Nhưng sau đó, Nguyễn Thân đem quân tấn công bao vây rất ngặt. Liên quân đánh trả quyết liệt suốt ba ngày đêm nhưng rồi thế không giữ nổi thành, đành phải mở đường máu, thoát vòng vây địch. Đặng Đề đưa quân chạy về căn cứ Chóp Chài củng cố lực lượng. Sau đó, được quan thầy Pháp hỗ trợ, Nguyễn Thân tiến quân vào đóng bên bờ sông Lại Giang. Đặng Đề lại cùng Bùi Điền phối hợp với quân Tăng Bạt Hổ đánh đồn Lại Giang, nhưng thất bại. Thừa thắng, Nguyễn Thân đưa toàn quân đánh chiếm căn cứ Chóp Chài. Hai vị tướng chỉ huy nghĩa quân đánh trả dữ dội. Nhưng trước thế giặc mạnh, hai tướng đành rút quân về Phú Phong, hợp lực cùng Mai Nguyên soái chuẩn bị chống quân Lộc và Thân đang hùng hổ đánh hai đầu lại.

Từ đây cho đến khi phong trào Cần Vương Bình Định thất bại, không ai còn biết rõ số phận của Đặng Đề ra sao. Chỉ những vần thơ hào sảng của ông được ông Nghè thôn Vân Sơn chép lại ở phần phụ lục “Vân Sơn thi tập” là sống mãi với thời gian.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)
Di tích Đài phát thanh  (04/04/2007)
Tờ Lok - Tờ Lek  (26/03/2007)