Đã bao đời, các nhà Nho vốn thiếu thiện cảm với thương nhân. Họ cho “thương nhân đa trá”, tầng lớp chỉ đứng cuối trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương). Ấy vậy nhưng, sau ngày về hưu, vào khoảng cuối thập kỷ 30 của thế kỷ 19, nhà đại khoa bảng, cụ Tuần Đào Phan Duân lại mời các nhân sĩ trí thức quê mình họp bàn thành lập một hội buôn. Kinh doanh là một việc làm mới mẻ đối với các nhà Nho thời bấy giờ.
Vị đại Nho này có tư tưởng tiến bộ như vậy, là vì những ngày làm quan ở Huế cụ đã có dịp tiếp xúc với “tân thư”, tán đồng thuyết “hợp quần doanh sinh” của Nguyễn Thượng Hiền và chủ trương Duy Tân của Phan Châu Trinh. Cụ cho ở nước ta thời bấy giờ, việc học chỉ chú trọng hư văn, xem thường ứng dụng, cho nên lập Phước An Thương Hội một mặt sẽ thức tỉnh ý thức tự cường; mặt khác, khi Thương Hội làm ăn phát đạt, sẽ cấp học bổng cho con em ở Bình Định thông minh, học giỏi đi du học nước ngoài. Cụ hy vọng lớp trẻ đủ tài đức, có kiến thức, sẽ tiến hành thành công trong cuộc cải cách, làm cho đất nước giàu mạnh. Chủ trương của cụ được đông đảo nhân sĩ, trí thức lúc bấy giờ tán thưởng. Họ cùng nhau bỏ tiền của, làm cổ đông của Phước An Thương Hội.
Tuy là người khởi xướng cho việc thành lập Phước An Thương Hội, nhưng cụ Đào Phan Duân chỉ nhận làm cố vấn. Còn những thành viên trong Ban Quản trị Thương Hội, theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, được bầu từ những nhà Nho sốt sắng với công việc mới mẻ này. Trong đó, Hội trưởng Lê Doãn Sằn sinh năm 1875, tại làng An Cữu, huyện Tuy Phước, đậu Cử nhân năm 1912. Hội phó Trần Trọng Giải, sinh năm 1885, tại làng Cảnh Vân, xã Phước Thành huyện Tuy Phước, đậu Tú tài năm 1912. Người làm nhiệm vụ kiểm soát là cụ Lâm Thúc Mậu, sinh năm 1885, ở xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, đậu Tú tài năm 1915, vốn là một thầy thuốc có uy tín trong vùng... Cũng như những vị Nho sĩ chủ chốt xây dựng Thương Hội, các cổ đông đều là những nhà Nho có tư tưởng Duy Tân, mong muốn làm giàu cho Thương Hội, để có tài chính ngõ hầu đào tạo nhân tài cho quê hương.
Trong thương trường, ngay với những thương nhân sành sỏi, chuyện được mất cũng là sự thường. Huống chi, Phước An Thương Hội chỉ là những nhà Nho, trọng đạo lý và chữ nghĩa thánh hiền, lần đầu tiên góp vốn kinh doanh. Bởi vậy, Thương Hội chỉ hoạt động được hai năm thì thua lỗ, đành phải ngừng kinh doanh.
Giấc mộng làm giàu cho quê hương không thành, nhưng với việc lập Phước An Thương Hội, các Nho sĩ, trí thức Bình Định đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cổ vũ cho kinh tế thị trường trên mảnh đất Bình Định. Mang tư tưởng Duy Tân, lại có tầm nhìn sâu rộng của người trí thức, nên sau này, bản thân các cụ và con cháu đã nhiệt tình tham gia cách mạng, hăng hái đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.
|