Ông Cử tài hoa đất ven Thành
9:9', 1/6/ 2007 (GMT+7)

Trong các nho sĩ ở Bình Định dưới thời Tự Đức, Nguyễn Đôn Phục có tiếng là người hay chữ, nhất là giỏi thơ, phú Nôm. Ông sinh năm 1854, người làng Phương Danh, xã Đập Đá, huyện An Nhơn - một vùng đất văn vật cận thành Hoàng đế xưa.

Thuở thiếu thời, Nguyễn Đôn Phục theo học cụ Tú Nguyễn Khuê, người làng Vân Sơn. Ông đậu cử nhân năm 1873, tại Trường thi Bình Định, lúc vừa tròn 20 tuổi. Ít lâu sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tri huyện Bình Khê.

Những ngày rỗi việc quan, Nguyễn Đôn Phục vẫn thường mời bạn học cũ tới uống rượu làm thơ. Tư dinh ông do vậy đã thành câu lạc bộ thơ phú của văn nhân vùng Tuy Viễn và Bình Khê thời bấy giờ. Trong xướng họa, bạn bè thán phục ông là người thông minh, nhanh trí, ứng đối kịp thời. Có thơ phải có rượu, có thức nhắm. Và mỗi lần giết gia cầm đãi bạn, ông lại cùng bạn bè thi nhau làm thơ “tuyên án” tội chết của nó. Cái ngông của nhà Nho đã báo hại đời ông khi có lời đụng đến thượng cấp.

Ông còn để lại một bài phú Nôm hay dài tới 80 câu, do ông Nguyễn Hoài Nam sưu tầm và được nhà nghiên  cứu Vũ Ngọc Liễn hiệu đính, in trong Kẻ sĩ đất Thang mộc. Bài phú nói về lẽ sống ở đời, ngỏ ý khuyên người đời chớ đem lòng đen bạc xử thế, mà phải giữ tấm lòng son sắt với đạo lý làm người. Trong bài phú này, ông đã vận dụng triệt để tục ngữ, phương ngôn ở quê mình một cách uyển chuyển, lưu loát từ đầu đến cuối bài.

Ở các câu song quan nối tiếp, ông lấy tục ngữ khuyên đời chớ học cái dở, mà phải dốc lòng rèn luyện bản thân: Tuy gần mực thì đen, gần đèn thì tỏ/ Song có thân phải dốc, có vóc phải toan/ Đừng quen người múa gậy vườn hoang/ Mà học kẻ trống qua cửa sấm. Trong những câu cách cú, khi thì ông dùng tục ngữ nằm ngay đầu câu, để nhấn mạnh: Bới lông tìm vết, thế gian lắm chuyện sâu cay/ Suy béo kéo gầy, thiên hạ mấy người xởi lởi; khi ông lại dùng tục ngữ xen vào giữa câu: Đừng đừng quen trục lợi, thăm ván bán thuyền/ Phải phải nghĩ thân duyên, liệu cơm gắp mắm.

Tới những câu gối hạc, mới thấy hết tài phú của ông. Khi ông vận dụng phương ngôn một cách khéo léo: Dễ chẳng muốn lời kia cặn kẽ, nóng súng - súng phải nổ, đau gỗ - gỗ phải kêu/ Song chi bằng lẽ nọ êm đềm, cơm mình - mình dễ ăn, con mình - mình dễ khiến. Gần cuối bài phú, ông nói rõ mục đích sáng tác của mình: Nói sao cho hết, tình đời khôn dại, dại khôn/ Kể thử mà nghe, lời thế tục thanh, thanh tục.

Câu cuối bài như một lời cam chịu trước thời cuộc đảo điên khi cỗ xe phong kiến đang lao xuống vực thẳm, trước họa xâm lăng: Ai chưa nhắm mắt, về cùng chín đất mười trời/ Thì phải cắn răng, chịu với năm cha bảy mẹ.

Vì có tài, ông bị Tổng đốc Bình Định thời bấy giờ ghen ghét, tìm cớ cách chức, buộc ông về quê. Tuy thế, ông chẳng lấy đó làm buồn, bởi ông đã có tình yêu thương của bạn bè và đông đảo Nho sinh trong vùng tới thụ giáo.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)
Chiến thắng Thuận Ninh  (05/04/2007)