Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định
8:26', 8/6/ 2007 (GMT+7)

Dẹp xong quân Cần Vương, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chính sách sưu cao thuế nặng để bóc lột dân ta. Không thể cam chịu kiếp thân trâu ngựa, các nho sinh tiến bộ lại hăng hái tham gia phong trào Duy Tân, đấu tranh chống thuế, khất sưu, bài trừ mê tín dị đoan, cắt tóc ngắn.

Buổi đầu, Phan Long Bàng mang kinh nghiệm tổ chức từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào bắt liên lạc với các nho sinh, hào lý có tâm huyết như Nguyễn Khiêm, Trần Vỹ ở An Sơn (Hoài Nhơn), Đặng Tiên ở Ân Tường (Hoài Ân). Họ phân công nhau đi tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Ai tự nguyện cắt tóc ngắn, đi đòi giảm sưu thuế, thì gia nhập phong trào, mang giỏ cơm, bình nước về huyện, về tỉnh đấu tranh. Trong khi tuyên truyền, những người khởi xướng dùng hai chữ “đồng bào” để gọi quần chúng, nên hai từ này thành tên gọi chung của phong trào. Phong trào lan nhanh như gió thổi, thu hút nhân dân tham gia, bao vây các phủ huyện, đưa yêu sách.

Ngày 6-4-1908, thực dân Pháp đã sai lãnh binh Coutelle đưa 60 lính khố xanh ra ngăn cản, nhưng 500 người biểu tình vẫn tới Bồng Sơn, bắt quan phủ, giải thích chủ trương của phong trào, rồi cắt tóc quan, giong đi, ba, bốn ngày sau mới thả. Thừa thắng, đoàn biểu tình kéo về Phù Mỹ, Phù Cát. Tới đâu, họ cũng được người dân sở tại đón tiếp, khoản đãi ăn uống, rồi mang cơm nước đi theo. Đến ngày 16-4, đoàn biểu tình đã tới trước cổng thành Bình Định. Hai ngày sau, số người tham gia đã tới 10.000 người, xếp hàng dài 4 cây số từ Cửa Đông đến Cẩm Văn.

Tới lúc này, Hồ Sĩ Tạo ở An Nhơn và Lê Chuân ở Hoài Ân cũng ra giúp sức, tổ chức lại phong trào, đúc ấn “Đồng Bào Dân Ký” đóng vào từ lệnh. Uy tín phong trào càng lên cao. Thực dân Pháp hoảng sợ, liền cho bọn mật thám lén bắt Phan Long Bàng và Nguyễn Khiêm đưa ra chém thị uy. Dân chúng nổi giận, kéo sát tới cửa thành, bắc thang trèo lên. Lãnh binh Pháp bèn cho kỵ binh từ Quy Nhơn lên tiếp viện. Chúng phi ngựa xông thẳng vào cổng thành, xéo chết Lý trưởng Bùi Ban ở Phước Sơn… Nhưng tất cả đều không uy hiếp nổi tinh thần dân chúng.

Thuyết phục không xong; chém giết những người cầm đầu vẫn không giải tán được, Pháp thẳng tay đàn áp phong trào. Chúng sai bọn ác ôn dùng dùi cui đánh tới tấp vào đám người không có vũ khí. Ba mươi người chết tại chỗ, hàng trăm người bị thương. Chúng đem xác những người chết phơi trước cổng thành. Sau một tháng đấu tranh, phong trào đã bị dìm trong biển máu. Kẻ phải hy sinh dưới lưỡi gươm, gót sắt tàn bạo của giặc Pháp, người lãnh án khổ sai chung thân như Hồ Sĩ Tạo; Lê Chuân, Đặng Tiên, Trần Vỹ, Trần Lý, Học Ý thì bị đày ra Côn Đảo. Nhà lao Bình Định chật ních những người dân quê dũng cảm đấu tranh. Họ để lại những tấm gương phấn dũng không bao giờ phai trong lòng người Bình Định, và đi vào thơ ca dân gian: “Giỏ cơm, bầu nước về thành/ Khất sưu, chống thuế dẫu đành đầu rơi”.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)
Người giữ vùng đất phên giậu cho tiên chúa  (06/04/2007)