Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ
9:23', 15/6/ 2007 (GMT+7)

Khoảng năm 1927, ở Bình Định xẩy ra một sự kiện làm cảm động Nho sĩ, trí thức yêu nước thời bấy giờ. Đó là chuyện Tổng đốc Bình Phú Nguyễn Đình Hiến biệt đãi chí sĩ yêu nước Đồng Sĩ Bình, khi ông này bị giam trong nhà tù Bình Định.

Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) sinh ra trong gia đình vọng tộc, là người thông minh, học giỏi, trọng người tài đức. Ông đậu Á Nguyên trong kỳ thi hương năm 1900, tại trường thi Thừa Thiên. Năm 1901, ông thi hội, đậu Phó Bảng. Không chỉ là người uyên thâm Nho học, ông còn sang Pháp học về chính trị và phong tục, nên tinh thông cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Có thể nói, ông được chính quyền Bảo hộ và Nam triều đào tạo bài bản, hòng tạo ra một viên quan trung thành thời cận đại. Vậy nhưng, ông lại có cảm tình và có nhiều mối quan hệ với sĩ phu yêu nước chống Pháp thời bấy giờ, và kết thông gia với Huỳnh Thúc Kháng.

Thời gian ông đang làm quan ở Bình Định, có người thanh niên yêu nước Đồng Sỹ Bình (1904-1934), mới 22 tuổi đã tinh thông cả tiếng Hán lẫn tiếng Pháp. Tuy làm thông phán Tòa sứ Quy Nhơn, nhưng Đồng Sỹ Bình lại tham gia hội kín chống Pháp. Nhân ngày nghỉ, ông cùng các chiến hữu lên Tây Sơn viếng mộ Mai Xuân Thưởng và bí mật làm lễ truy điệu người anh hùng hy sinh vì nước. Hôm sau, về Quy Nhơn, ông viết đôi câu đối trên lụa, tỏ lòng khâm phục khí tiết của Mai Nguyên soái và gửi lên thờ.

Thực dân Pháp biết được, bắt giam Đồng Sỹ Bình ở nhà tù Bình Định và giao cho quan lại Nam triều xét hỏi. Mến tài đức người thanh niên ở lứa tuổi con mình, Nguyễn Đình Hiến cho người nhà hằng ngày mang cơm nước vào cho. Lúc rảnh rỗi, quan Tổng đốc lại tới nơi giam cầm hay sai người đưa chí sĩ trẻ vào tư dinh, cùng đàm luận văn chương, thế sự.

Trên công đường, mỗi lần đọc lời khai của chí sĩ họ Đồng viết bằng chữ Hán, quan lại tấm tắc khen hay. Bị văn chương của người thanh niên yêu nước này thuyết phục, cao hứng, quan cầm bút khuyên liên tiếp vào lời khai làm đỏ cả mấy trang. Đến khi nhớ ra, quan phải nhờ Đồng Sỹ Bình chép lại, để đưa vào hồ sơ xét xử.

Được tin Tổng đốc Bình Phú có cảm tình với người tù mang trọng án chống Pháp, Công sứ Quy Nhơn sai người đưa thư lên khiển trách. Quan Tổng đốc làm ngơ, xem như không biết. Công sứ Pháp biết Nguyễn Đình Hiến sẽ tìm cách tha tội cho Đồng Sỹ Bình, nên mật báo lên Khâm sứ Trung Kỳ, yêu cầu triều đình Huế điều Tổng đốc Bình Định về Kinh.

Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến sống tới ngày cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập. Năm 1947, khi đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông mới qua đời. Còn chí sĩ yêu nước Đồng Sỹ Bình mất năm 1934, lúc vừa tròn 30 tuổi. Một già một trẻ, hai con người hai cảnh ngộ, kẻ trên công đường người trong ngục thất, vậy mà lại trọng tài đức của nhau, làm nên câu chuyện để đời trong đời sống văn hóa Bình Định khi đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)
Hùm đen cất cánh   (13/04/2007)
Nhớ bác Trần Kiên  (10/04/2007)