Nửa cuối thế kỷ XIX, sau hòa ước Giáp Thân (5-1884), triều đình Huế phải nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp ở cả Bắc và Trung kỳ. Đất nước lâm vào cảnh nô lệ. Mỗi tỉnh có một viên Công sứ người Pháp đứng đầu, điều khiển đám quan lại Nam triều cai trị dân ta. Trong các buổi lễ long trọng, quan Tây thường đưa vợ theo, mà các bà đầm lại thường bế chó hay mèo trên tay. Đã vậy, cứ mỗi lần quan Công sứ Pháp tới dinh Tổng đốc hay Tuần phủ xem xét tình hình, thì các quan hàng tỉnh đều phải cân đai áo mão chỉnh tề, ra đứng xếp hàng, cúi lạy để tỏ lòng biết ơn quan bảo hộ.
Một lần, viên Công sứ cùng vợ sang làm việc với quan Nam triều. Vợ y ôm con chó yêu đi theo. Các quan tỉnh, từ Tổng đốc đến Bố chánh, Án sát, Đề đốc và các lại thuộc, trang phục chỉnh tề, ra vái chào. Chỉ riêng một mình viên quan Hậu bổ nọ là đứng thẳng, không chịu khom lưng chấp tay vái lạy. Hành vi này khiến cho vợ chồng Công sứ ngạc nhiên; còn quan Tổng đốc lại tức giận, vì quan Hậu bổ đã làm phật lòng quan lớn bảo hộ.
Vị quan Hậu bổ ấy chính là Trần Văn Tấn. Ông sinh năm 1853, tại làng Mỹ Linh, huyện Phù Mỹ, nay là làng Mỹ Hội, xã Mỹ Tài; sau về lập nghiệp ở quê vợ là thôn An Lương, xã Mỹ Chánh. Xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở nhỏ, ông cùng các em được cha mẹ cho theo học các thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Riêng ông, sớm thể hiện tư chất thông minh, trọng khí tiết, phụng dưỡng cha mẹ, đối xử với anh em hiếu nghĩa vẹn toàn. Năm 1884, vua Kiến Phúc lên ngôi mở Ân khoa, ông đậu Cử nhân tại Trường thi Bình Định. Tiếp sau, ba em ông đều đỗ Tú tài. Gia đình ông nổi tiếng là gia đình thành đạt thời bấy giờ.
Gặp lúc nước nhà lâm vào cảnh rối ren. Ngoài thì thực dân Pháp áp đặt quyền thống trị, trong triều thì Kiến Phúc làm vua chưa được một năm đã bị Lại bộ Thượng thư Nguyễn Văn Tường giết. Vua Hàm Nghi kế vị xuất bôn xuống chiếu Cần Vương, phong trào chống Pháp bùng lên khắp cả nước. Vì thế, mãi tới thời Đồng Khánh, ông mới được bổ làm Hậu bổ, một chức quan tỉnh chờ bổ vào chính ngạch khi có chỗ khuyết, dưới thời Pháp thuộc. Vậy mà quan Hậu bổ này lại ngang nhiên bày tỏ thái độ chống lại thói nô lệ của quan lại Nam triều trước mặt quan Pháp.
Sau buổi tiếp đãi Công sứ Pháp, các quan tỉnh hỏi ông tại sao lại khinh suất đến thế? Ông khảng khái trả lời: “Các quan muốn lạy thì cứ lạy. Còn tôi không bao giờ lạy chó”.
Sau sự việc này, chẳng đợi Tổng đốc tâu về triều xử trí, ông viết đơn từ quan về quê dạy học. Ông là một xử sĩ có tiết tháo thanh cao ở Bình Định thời bấy giờ. Mến tài đức ông, người đời sau mới có thơ ca ngợi rằng: “Ra làm Hậu bổ đầu tiên/ Trái tai gai mắt ông liền từ quan/ Bởi thằng Công sứ ngang tàng/ Dắt vợ ẵm chó duyệt hàng quan ta/ Quần thần áo mão thướt tha/ Cúi đầu bái lạy thật là nhục thân”.
|