Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn
8:50', 29/6/ 2007 (GMT+7)

Vào cuối thế kỷ 13, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị đánh chiếm vương quốc Chàm để làm bàn đạp, vừa đánh sau lưng Đại Việt, vừa xâm chiếm cả vùng Đông Nam Á. Lúc ấy, vua Chàm là Indravarman V đã già yếu, Thái tử Harijit thay cha nắm trọng trách giữ nước. Vị Thái tử trẻ tuổi này đã không hề lùi bước trước đe dọa cũng như những lời dụ dỗ của sứ giả nhà Nguyên.

Thừa dịp một đoàn sứ bộ nhà Nguyên đi Xiêm và Mã Lai, qua vùng biển Chàm, bị thuyền binh Chàm bắt giữ, Hốt Tất Liệt ra lệnh xuất quân. Hắn lên giọng giả đạo đức: “Lão vương không có tội gì, kẻ nghịch mệnh là con của y. Nếu bắt được người đó thì sẽ theo việc của Tào Bân, trăm họ không giết một người”. Nhận lệnh cầm quân sang đánh Chàm, Toa Đô được vua ban cho thuốc “đà bồng” để chống độc. Y đưa binh thuyền hùng mạnh vào chiếm giữ cửa Thị Nại, rồi 8 lần cử sứ giả lên thành Đồ Bàn dụ hàng. Nhưng vua Chàm và Thái tử kiên quyết từ chối.

Trận chiến ác liệt xảy ra ở thành Gỗ (thành Thị Nại, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Sau một ngày chống trả quyết liệt, trước thế giặc mạnh, quân Chàm phải rút lui để thực hiện kế dựa vào rừng núi tổ chức kháng chiến lâu dài. Mất thành Gỗ, Thái tử rước vua Chàm rời Đồ Bàn lên vùng núi phía Bắc, lập mật khu, lãnh đạo cuộc chiến đấu chống giặc ở Nha Hầu (có lẽ thuộc vùng núi cao ở huyện Hoài Ân hiện nay), khéo dựa vào thế hiểm để củng cố lực lượng.

Toa Đô chiếm giữ Đồ Bàn rồi cử tướng tiến quân vào rừng, vừa đánh vừa dụ hàng. Quân Toa Đô càng tiến vào rừng, càng bị quân Chàm phục kích bao vây, đánh trả quyết liệt, phải tháo chạy.

Nhờ vậy, Thái tử có thời gian củng cố, bổ sung lực lượng, gọi quân các châu về hợp sức. Thêm vào đó, đáp ứng yêu cầu của vua Chàm, Đại Việt cũng đưa hai vạn quân và hàng trăm chiến thuyền vào giúp. Trước tình thế ấy, Toa Đô đành phải rút quân khỏi Đồ Bàn, ra đóng ở bờ biển Thị Nại, chờ viện binh. Chờ suốt một năm viện binh vẫn chưa tới, phần bị quân Chàm luôn phản kích, phần bệnh dịch lan tràn, quân Nguyên bỏ trốn về nước rất nhiều.

Trước khó khăn chồng chất, là viên tướng dày dạn kinh nghiệm, Toa Đô bỏ vùng đất chiếm đóng, đưa toàn bộ binh sĩ ra đánh chiếm vùng hồ Đại Lãng (phá Cầu Hai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay). Đến năm 1285, y chỉ để lại một ít quân đồn trú ở Đại Lãng, còn phần lớn đưa ra Bắc, phối hợp với quân Thoát Hoan đánh Đại Việt. Ra Bắc, Toa Đô bị chém đầu ở Tây Kết, Thoát Hoan bại trận chạy về nước. Bọn quân Nguyên còn lại phía Bắc nước Chàm cũng theo đường biển tháo chạy về theo. Vương quốc Chàm hoàn toàn giải phóng.

Sau chiến thắng Nguyên Mông được ba năm, vua Indravarman V qua đời, Thái tử Harijit lên ngôi, đặt vương hiệu Simhavarman III, sử Đại Việt chép là Chế Mân.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)
Cụ Huỳnh ở Nghĩa Hành  (18/04/2007)
Căn cứ núi Bà  (17/04/2007)
CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - QUY NHƠN   (16/04/2007)
Căn cứ núi Bà   (14/04/2007)