(Kỳ 2)
Nếu trước đây, các nhà sử học cho rằng Lăng Ba Vành là của Đức ý hầu Lê Quang Đại thì càng khám phá lăng, ông Trần Viết Điền càng bàng hoàng nhận thấy nhiều chứng cứ giả đã được tạo ra trên các tấm bia bị quẳng lăn lóc ở quanh lăng. Việc làm có chủ đích của một người nào đó chăng?
|
Ông Điền (bên trái) và tấm bia có chữ La (ý nói là bắt được) và góc phải có khắc dòng chữ.
|
Mộ thật, mộ giả
Khởi nguồn chuyến hành trình đi tìm lăng mộ của ông giáo Điền được bắt đầu cách đây 20 năm. Đó là cuộc gặp gỡ với cụ Nguyễn Hữu Đính (nguyên Chủ tịch UBMTTQ TP Huế), người đã dựa vào các dữ kiện lịch sử, quan niệm phong thủy và quan niệm chọn sinh phần của vua chúa Việt Nam để rồi nhận: Lăng Ba Vành chỉ có thể là lăng Quang Trung được triều Tây Sơn ngụy trang để phòng nguy cơ Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân rồi tàn phá. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông Đính trước đó đã không có nhiều sức thuyết phục. Đến lượt mình, ông Điền quyết định tìm lăng mộ Quang Trung cùng hướng với cụ Đính nhưng theo cách riêng của mình.
Thông tin đầu tiên ông đưa ra khiến giới nghiên cứu Huế choáng váng: Ông khẳng định lăng Ba Vành không phải lăng của ý Đức hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát và chết vào đầu năm 1746, như công bố trước đây. Chứng cứ đầu tiên mà ông đưa ra là bài viết đăng trên báo Đại Chúng vào năm 1974. Trong bài viết đó, khi trả lời về sự tích lăng Ba Vành cho một vị linh mục người Pháp, một chức sắc làng Cư Chánh (nơi lăng Ba Vành ngự trị) cho biết, đó là ngôi mộ xưa, nguyên đắp ba lớp thành, thường xưng là Ba Vành, bỏ phế đã lâu, chỉ lưu lại tòa bia đá bị phá hủy. Đặc biệt, trong giấy tờ để lại vào năm 1901, lý trưởng làng lúc đó có tên Nguyễn Bút đã đồng ý cho Cơ mật viện có tên là Bá Khương đem thân nhân hình như là người cha chôn vào lăng ấy. Còn tại tờ phúc bẩm của Bộ Lễ thì Bá Khương khai rằng, mộ ở Lăng Ba Vành là của Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quý Công (tức Lê Quang Đại). Như vậy nếu nói rằng lăng Ba Vành chỉ là lăng của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại thì quá đáng ngờ.
Đã hơn 20 năm ông Điền dầm dãi nắng mưa để thu thập hồ sơ về lăng mộ Quang Trung. Nhiều mồ hôi và cả nước mắt đã rơi trên từng phiến gạch mà ông đã tìm kiếm, nhưng điều đó không làm cho ông mất hết niềm tin và hi vọng về con đường mà mình đeo đuổi: "Tôi không còn nhớ mình đã tốn bao nhiêu công sức và vốn liếng để thực hiện nghiên cứu này mà kể. Khoảng những năm 1987, đồng lương giáo viên của hai vợ chồng làm gì đã đủ nuôi con. Ban đầu tôi nhờ bạn bè giúp đỡ, sau nhờ nhà tôi. Của nả trong nhà cứ thế cắp nón ra đi đến như khánh kiệt. Lương giáo viên còm cõi, vậy mà nhiều lần tôi phải dối vợ và giữ lại nửa lương để dành cho sưu tầm thư tịch, tổ chức khảo sát thực địa, giám sát cổ vật..."
Khi được hỏi sau tất cả những thay đổi của cuộc đời mà phần lớn có liên quan đến việc tìm kiếm lăng mộ Quang Trung, ông có ân hận? Ông cười, tôi chỉ có thể buồn bởi dường như sự quan tâm cho đề tài của tôi từ phía các cơ quan chức năng vẫn chưa nhiều. Về phía mình, một khi đã chọn lựa, tôi khẳng định mình không hề ân hận. |
Vậy mộ thật của Lê Quang Đại ở đâu? Ông Điền đã tìm đến họ Lê, một dòng họ thuộc hàng danh gia vọng tộc ở Huế và phát hiện ra một chi tiết quan trọng: Họ Lê của làng Xuân Hòa (gần chùa Thiên Mụ) có ông tổ từng giữ chức Hộ Bộ (thượng thư) kiêm Binh Bộ. Rà soát Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, chỉ có 4 vị từng giữ chức Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thời chúa Nguyễn, đó là các ông Trần Đình Hy, Nguyễn Thừa Tự, Lê Quang Đại và Hoàng Ngọc Uẩn.
Ông Điền cho biết: "Tôi lại tiếp cận gia phả họ Nguyễn ở làng An Hòa, có Nguyễn Cư Trinh là rể của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại. Vợ Nguyễn Cư Trinh là bà Lê Thị Màn, có tên trong gia phả gốc của họ Lê Xuân Hòa. Ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại là chủ nhân ngôi mộ nằm trong khuôn viên miếu Khai canh của làng Xuân Hòa. Vậy tại sao người ta lại làm hồ sơ để ông nghiễm nhiên nằm ở lăng Ba Vành"?
Bằng các lập luận và bằng chứng, ông Điền khẳng định Tòa khâm sứ Pháp xứ Trung kì đã từng làm hồ sơ giả để hợp thức hóa chủ nhân lăng Ba Vành là của ông Lê Quang Đại. Theo ông Điền, tại Hội nghị về Quang Trung được Hội lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức trước đây, nhiều nhà khoa học đã công nhận lăng Ba Vành chưa có chủ nhân. Nghĩa là Ông Lê Quang Đại phải trở về Miếu khai canh ở làng Xuân Hòa và nhường lăng Ba Vành lại cho các nhà nghiên cứu.
Ai đang nằm trong lăng?
Ông Điền thuật lại, trong hai cái bia mình tìm được vào năm 1986 (gồm một cái cao lớn, kiểu bia thẻ và một cái bia hình chữ nhật nhỏ hơn) thì cả hai tấm bia đều đã bị đục nát chữ. Có người đã lấy xi măng trát vào mặt bia và khắc thêm các dòng chữ mới một cách vụng về để ngụy trang. Có thể thấy, nhóm làm hồ sơ giả cho chủ nhân ngôi mộ trước đó và nhóm thao tác trên bia là một. Còn về thông tin người nằm dưới mộ là Bá Khương, ông Điền lý giải: Trong khi mộ của thân phụ của ông Bá Khương là ông Bá Bình đã được gia táng ở gần Đàn Nam Giao thời triều Nguyễn. Thế thì ông Võ Bá Khương đã đưa ai vào chôn tại lăng Ba Vành?
Ông Điền cho biết, sau năm 1975, GS Phan Huy Lê đã dùng búa gỡ lớp xi măng nói trên dòng chữ "Cảnh Hưng Thất Niên Tứ Nguyệt...". GS tạm kết luận Lăng Ba Vành là lăng của Lê Quang Đại, không phải lăng của hoàng đế Quang Trung. Tuy nhiên, theo ông Điền trong những dòng chữ này có nhiều điều đáng ngờ. Thứ nhất văn khắc thì hay nhưng tai bia và đế bia đều đã bị gọt và phá đến mức quá cẩu thả.
"Với góc nhìn phong thủy và đăng đối dịch lý, chúng tôi tin rằng bia này nguyên thủy là bia thờ, đại diện cho linh hồn chủ nhân ngôi mộ, và nó đăng đối trên đường thần đạo của lăng. Sau này bia bị phá nát, chỉ còn lại như một tảng đá và bị ai đó khắc chồng lên 4 chữ "Sơn nhạc chung linh" nhằm mục đích làm sai ý đồ thiết kế của ngôi lăng".
Điều kỳ lạ là trên vết hỏng những chữ đã bị đục, người ta tiếp tục dùng đục khắc vào vị trí chữ thứ 2 mà theo ông Điền, có thể là chữ NGUYÊN đã bị đục thành chữ THẤT. Chữ THẤT này nét đá quá cao như chữ thảo, trong khi bia được khắc theo lối chữ chân. "Chúng tôi đã đo độ sâu những nét chữ giống nhau thì thấy quá lệch nhau; chứng tỏ người ta đã sửa bia sao cho phù hợp với năm mất của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại".
5 luận chứng khoa học về lăng mộ vua Quang Trung của Trần Viết Điền:
Lăng Ba Vành không phải của Hộ bộ thượng thư Lê Quang Đại, thời Nguyễn Phúc Khoát.
Tòa Khâm Sứ Pháp xứ Trung kì từng làm hồ sơ giả để hợp thức hóa chủ nhân Lăng Ba Vành là Lê Quang Đại.
Các kiểu thức, mô típ trang trí, quy mô của Lăng Ba Vành hội đủ điều kiện của một lăng mộ vua.
Vật liệu xây dựng hoàn toàn giống ở Giao đàn, Văn Miếu và một số công trình thời Tây Sơn.
Gia Long không san thành bình địa lăng để lấy bằng chứng tố cáo với nhà Mãn Thanh tội khi quân của triều Tây Sơn. |
Ông Điền cùng các học trò đã tỉ mỉ cạo lớp rêu bám vào mặt bia thì thấy ở phía trên, góc trái có khắc một chữ "LA" (ý nói bắt được) và góc phải có khắc dòng chữ "NHÂM TUẤT MẠNH ĐÔNG". Đầu bia phía này, lai đục hình một lưỡi mác nhỏ, rất sắc sảo, biểu tượng chủ nhân ngôi mộ bị trảm quyết.
Bên dưới lại có dòng chữ được khắc vụng về: "TỰ TÔN VÕ BÁ ĐẠM PHỤNG LẬP". Dòng này mới khắc thêm vào với ý đồ lái niên đại "Nhâm Tuất mạnh đông" nói trên sang một năm khác. Những năm NHÂM TUẤT trong lịch sử gồm: 1742, 1802, 1862, 1922, 1982. Dễ dàng loại năm 1742, 1862, 1982 vì không đúng thời điểm. Chỉ còn hai năm 1802 và 1922.
Nếu ông Bá Khương lập bia, chí ít phải lập từ 1901 đến 1906, nhưng giai đoạn này không có năm Nhâm Tuất. Như vậy, có thể ai đó đã đưa người cháu Võ Bá Đạm vào, đóng vai trò lập bia cho ông nội với những dòng khắc vụng về trên lớp vữa mới được đắp lên mặt bia. Với cách xử lý này, việc ông Võ Bá Đạm lập bia vào năm 1922 là quá hợp lý.
"Không may cho kẻ gian, chúng tôi rà soát trong gia phả của dòng họ Bá Khương, ở làng La Ỷ không có ông Bá Đạm dựng bia một cách "vô lễ" và "tồi tệ" với ông nội của mình đến như thế. Vậy hai người cháu LÊ XUÂN, Võ Bá Đạm chỉ là hai nhân vật "hư cấu" của bộ hồ sơ giả mà thôi".
Như vậy, theo nghiên cứu của ông Điền, chủ nhân Lăng Ba Vành chính là Vua Quang Trung nhưng đã có một bàn tay tạo "chứng cứ" giả để "hạ giá" ngôi lăng thành mộ của một vị quan.
. Theo Lương Mỹ Hà (Giadinh.net)
Kết cục bi thảm của triều Tây Sơn
Theo sử sách để lại, tháng bảy năm Nhâm Tý (1792), sau một thời gian hôn mê sâu, triều đình Phú Xuân đã tìm hết cách chạy chữa, nhưng rồi Vua Quang Trung cũng băng hà ở tuổi 39.
Tháng Năm năm Tân Dậu (1801), quân Tây Sơn bị vỡ trận và quân của Nguyễn Vương nhanh chóng cắt đường, đánh thẳng vào kinh thành Phú Xuân, đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nguyễn Quang Toản, người vừa nối ngôi quá bất ngờ, cùng đoàn tùy tùng chạy ra Bắc.
Nguyễn Vương sau khi trở lại cựu đô đã trả thù Quang Trung bằng cách ra lệnh cho một toán binh tượng lên ngay Đan Dương lăng và lăng bà Tả cung họ Phạm để quật phá, sau đó đưa quan tài của hai vợ chồng vua Quang Trung về thành Phú Xuân. Nguyễn Vương ra lệnh bổ quan tài ra, mang thi thể của vua Quang Trung và bà Tả cung họ phạm ra để trị tội. Do Tây Sơn có kỹ thuật ướp xác, nên hai thi thể của hai vợ chồng còn nguyên vẹn, Nguyễn Vương ra lệnh đem hai thi thể treo cổ ở Chợ Được, gần cầu Gia Hội hiện nay, nhằm thị uy và đe nẹt những người còn luyến nhớ Tây Sơn. Sau vài ngày, hai thi thể được đặt trở lại quan tài và được quân lính mang theo đoàn quân Bắc tiến để tiêu diệt Quang Toản.
Do mộ của vợ chồng Quang Trung đã bị quật, thi thể lại bị mang theo đoàn quân để phô trương thanh thế, quân Tây Sơn đã ngã lòng. Nhiều tướng tá thời Tây Sơn trở giáo theo Nguyễn Vương. Khi tướng sĩ Tây Sơn về hàng, ai vẫn được giữ chức ấy và cứ thế theo đoàn quân ra thẳng Thăng Long.
Trong thế chẻ tre, vua Gia Long lại vào Thăng Long, còn Nguyễn Quang Toản cùng với Lê Thị Ngọc Bình trên một con voi, chạy trốn trong rừng huyện Phương Nhãn. Do có người mách bảo, Vua Gia Long đã lệnh cho một tay có biệt tài "rống to" để dọa voi. Gã này vào rừng Phượng Nhãn rống to, con voi chở Nguyễn Quang Toản và Lê Thị Ngọc Bình quỵ xuống và quân của vua Gia Long đã bắt sống hai người. Vua Gia Long đã " tận pháp trừng trị" vua quan Tây Sơn trước "Từ đường các chúa Nguyễn". Nguyễn Quang Toản bị hành hình theo phép phanh thây. Còn toàn bộ xương cốt của tử tội được cho vào giỏ mây, lệnh quân lính phóng uế vào,sau đó giã nát, nhồi vào súng, bắn xuống sông. Riêng ba cái sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản được cho vào ba cái vò, dán bùa yểm, treo lên ở nhà giam trong Vũ Khố, về sau đưa vào khám đường ở Tây Lộc. |
(Còn nữa) |