Bà chúa trầm hương
10:27', 23/7/ 2007 (GMT+7)

Xưa kia, vùng Tây Sơn hạ (huyện Tây Sơn-Bình Định), rừng còn lan rộng xuống đồng bằng, làng Thủ Thiện xã Bình Nghi ngày nay còn ở cạnh rừng già có nhiều trầm hương. Dân làng lấy trầm bán về xuôi để kiếm sống. Lệ thường hàng năm làng phải đóng thuế bằng trầm hương cho quan sở tại để chuyển về triều. Nên thuở ấy, làng có tên là Thủ Hương vì dân làng chuyên nghề lấy trầm.

Theo thần phả miếu Bà Chúa Sơn Lâm ở làng Thủ Thiện thì vị thủy tổ thành lập làng lại là một cô gái Chăm giỏi nghề tìm trầm tên là Vương Ngọc. Đây là tên gọi về sau của người Việt để chỉ bà như viên ngọc quý của quốc vương Chăm thuở trước. Vì có công lập làng nên bà được tôn vinh là tiên nữ trời sai xuống cứu dân. Trong tế lễ cũng như khi xưng hô, bà được gọi một cách tôn kính là Tiên nữ Vương Ngọc.

Bà là một cô gái vùng sơn cước xinh đẹp tuyệt trần, cha mẹ rất giỏi nghề tìm trầm nhưng đã qua đời khi bà chưa đến tuổi cập kê. Sống mồ côi trong căn nhà lá cạnh bìa rừng tìm trầm kiếm sống, nhưng vốn có tấm lòng thương người nên bà đã dạy nghề tìm trầm cho những người nghèo khổ về đây kiếm sống, lập nên làng Thủ Hương. Thế rồi, một sáng đẹp trời, vị vua Chăm dẫn cận thần vào rừng săn bắn vì mãi đuổi theo nai vàng khi ẩn khi hiện mà lạc vào rừng sâu. Nhà vua đang dừng ngựa tìm kiếm thì tình cờ gặp bà đi lấy trầm về. Sắc đẹp của bà làm cho nhà vua thẩn thơ nhìn ngắm. Hỏi rõ nguồn cơn, cảm thương thân phận bà, nhà vua ngỏ lời rước bà về cung. Giữa chốn lầu son, cô gái sơn cước trở thành Vương Phi diễm lệ. Nhờ tài trí hơn người, về triều bà lắng nghe ý kiến của các vị trung thần, giúp nhà vua nhiều kế sách đưa vương quốc tới cảnh thái bình. Quý mến tài đức của bà, nhà vua lập bà làm hoàng hậu vương quốc. Dân làng Thủ Hương nhờ vậy mà được giảm nhẹ thuế trầm. Đất nước đang yên vui thì được tin quốc vương Chân Lạp cho quân đánh vào biên giới phía nam. Nhà vua tức giận định tự mình cầm quân xuất chinh thì hoàng hậu quỳ xuống cần xin nhà vua ở lại giữ kinh thành để mình cùng đi với các tướng cầm quân đuổi giặc. Nhà vua ngạc nhiên, mới đầu không tin vào tài năng của hoàng hậu, sợ người vợ trời ban khó bảo toàn tính mạng giữa vòng gươm giáo nên khước từ. Về sau, những lời khẩn cầu tha thiết của hoàng hậu làm cho nhà vua đành phải chuẩn y, sai tướng giỏi cầm binh phò hoàng hậu ra trận.

Điều không ngờ, ngoài tài điều binh khiển tướng ai cũng phải thán phục, hoàng hậu còn đủ phép hô phong hoán vũ giữa trận tiền, nên mới giáp chiến mà quân thù đã sợ hãi chạy tán loạn, tướng giặc kẻ đầu hàng người tháo chạy về bên kia biên giới. Từ biên cương dẫn đoàn quân chiến thắng trở về, hoàng hậu trên bành voi vẫy tay giữa tiếng reo hò tung hô của dân chúng. Nhà vua ra tận ngoài cổng thành đón đoàn quân chiến thắng vui mừng khôn xiết.

Khi hoàng hậu qua đời, nhờ công ơn lập làng, giúp dân làm nghề tìm trầm, xin vua giảm nhẹ thuế hàng năm, nên dân lập miếu thờ trên nơi bà ở đầu cửa rừng thuở trước. Qua bao thế kỷ, bao triều đại thăng trầm, miếu bị đổ nát dựng lại nhiều lần. Ngày nay dân làng Thủ Thiện quen gọi là miếu thờ Bà Chúa Sơn Lâm, còn cái tên Tiên nữ Vương Ngọc trong thần phả bị quên dần.

Thuở xưa, bà thường hiển linh giúp dân lấy được nhiều trầm, làm cho làng trù phú hẳn lên. Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội quanh miếu rất lớn. Người xưa tin rằng: năm nào đến trước ngày lễ hội nếu có hai con rồng mào đỏ từ trời bay xuống kêu vang cuộn mình hai  bên bàn thờ là năm ấy được mùa trầm. Cho nên trong tế lễ có nghi thức ông Từ Thừa - người canh giữ miếu đội nước dâng lên cho rồng uống, và có xen vào các làn điệu dân ca, các điệu múa dân gian với mục đích đón chào bà về cứu giúp dân làng.

Về sau, người Việt vào ngày càng đông, khai phá vùng núi sâu rừng rậm, nhiều làng mới mọc lên lấn chân rừng, nghề tìm trầm không còn là mối lợi cho dân làng Thủ Hương nữa. Dân làng chuyển sang nghề nông, cái tên Thủ Hương không còn phù hợp, để thể hiện mong ước tốt lành trong nghề nông tang mới đổi tên Thủ Hương thành Thủ Thiện. Song miếu Bà Chúa Sơn Lâm vẫn được tôn thờ thể hiện tấm lòng thủy chung của dân làng ngày nay với người có công lập làng thuở xa xưa.

  • Song Lộc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)
Chống lệnh vua, được dân gỡ tội  (03/05/2007)
Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung  (20/04/2007)