(Kỳ 3)
Cùng với nghiên cứu lăng mộ Vua Quang Trung của ông Trần Viết Điền, tại khu vực gò đồi Bình An, gần Chùa Thiền Lâm, Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cũng đã khai quật ra nhiều bí ẩn chưa từng được công bố.
|
Giếng cổ
|
Một đường huyền đạo chạy xuyên dưới nền nhà, nhiều gạch đá lạ có hoa văn đẹp và một số phiến đá như những tấm bao quanh quách quan tài. Những phát lộ này phần nào vén bức màn bí mật về một Phủ Dương Xuân tráng lệ và dưới đó có an táng Vua Quang Trung.
Khám phá của ông Xuân đã được nhiều nhà sử học xem là đúng đắn và các di vật được công nhận là có giá trị lớn, xác thực. Tuy nhiên, một số ý kiến nghiên cứu cho rằng, không phải Phủ này đã bị Gia Long quật phá mà nó đã được ai đó chủ động di dời cải táng.
Bí ẩn quanh chốn Thiền Lâm
Chùa Thiền Lâm được khai sơn vào cuối thế kỷ 17, trên gò đồi Bình An thuộc làng Bình An - Huế. Tương truyền, đây là nơi dành cho gia đình các chúa tụng niệm mỗi lần họ lên trú đông tại Phủ Dương Xuân gần đấy. Trong sử sách, Chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân của thời Nguyễn là hai ngón tay trên một bàn tay. Cùng với sự biến mất một cách bí ẩn của Phủ, ngôi chùa cũng đã bị xóa sổ trong một thời gian dài trước đó. Điều kỳ lạ, khoảng năm 1987, khi Tì kheo Thích Chơn Trí đến đây khai hoang, dựng lại ngôi chùa, ông đã phát hiện nhiều kỷ vật bí ẩn dưới lòng đất, cùng nhiều lăng bia bị đục nát.
Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là ngôi chùa chất chứa toàn bộ bí mật về hành trình tìm mộ Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Chùa nằm trên đỉnh gò đồi Bình An, thuộc xã Dương Xuân và bị cắt ra làm hai bởi con đường Điện Biên Phủ. Hòa thượng Thích Chơn Trí giờ đã là trụ trì chùa Thiền Lâm kể: Khi ông cùng một số đệ tử đến đây, chùa chỉ có một chánh điện và một điện thờ mẫu mục nát, không có nơi ăn, ở. Xung quanh chùa toàn là mộ địa. Thầy trò ông phải đào đất trồng rau chống đói. Khi đặt những nhát cuốc đầu tiên, ông bàng hoàng thấy đầu cuốc nẩy lên tóe lửa vì chạm phải gạch đá lạ. Đào bất cứ chỗ nào trong vườn chùa, ông cũng chạm phải các hố gạch vồ, đá cổ. Hàng ngàn viên gạch vồ, mấy chục viên đá tảng và hàng chục viên đá khối khác đã được khai quật. Điều lạ lùng là các viên gạch có màu đỏ như son. Thậm chí nhiều viên còn nguyên cả khuôn dấu cổ.
Thầy trò ông mang những viên gạch son này rửa sạch, những viên còn lành ông để xây tường, những viên bị bể thì đem đập ra đúc bờ lô. Các viên đá tảng, đá khối được dùng xây hồ nước, làm đôn kê chậu cảnh.
Điều đáng ngạc nhiên, tại ngã ba đường lên chùa Vạn Phước (cạnh chùa Thiền Lâm) cũng có hai phiến đá táng cột cỡ 45x45cm được chôn xuống mặt đường. Những viên đá này được nghi ngờ là có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Gần đây, khi TP Huế kiên cố hóa lại đường sá, hai viên đá quý này bỗng dưng biến mất. Người dân xung quanh khu vực đất chùa Thiền Lâm cho biết, ở vùng này trước kia người ta đào được hàng trăm viên đá như thế và đã bán dần cho các thợ làm bia mộ. Những viên xấu không làm bia được, dân mới đem ra lát đường. Đi theo con đường này khoảng vài chục mét, người ta phát hiện ra nhiều đống gạch ngói, vôi vữa cũ được vun thành bờ rào phía sau chùa Vạn Phước. Đống phế liệu này chứng tỏ đã có những công trình kiến trúc cổ bị triệt hạ.
“Giếng Loạn”
Cách Chùa Thiền Lâm khoảng nửa cây số, ngay cạnh con suối Tiên và một hồ sen bán nguyệt (giờ đã trồng đầy rau răm) là chùa sư nữ Diệu Đức. Quanh khu vực chùa Diệu Đức, ông Xuân còn khám phá nhiều giếng cổ kỳ lạ. Giếng cổ được xây bằng những viên đá to xếp chồng lên nhau và là nguồn nước sinh hoạt chính của chùa. Nó vốn bị bỏ hoang và được ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, nguyên Phủ doãn Thừa Thiên phát hiện vào năm 1930 khi ông đến chơi vùng này. Không ai đo được độ sâu của giếng là bao nhiêu, nhưng dân chúng thì khẳng định mùa hè nước mát lạnh như đá, mùa đông lại ấm áp kỳ lạ. Đặc biệt giếng chưa bao giờ cạn trong khi những giếng đào mới của dân xung quanh vẫn bị khô vào mùa hạn. Ném một viên đá xuống nước, tiếng động vọng lên nghe rất ấm và thanh. Người địa phương cho biết giếng thường được gọi là “giếng loạn”.
Trở lại bờ Bắc con suối Tiên và hồ bán nguyệt, ông Xuân lại khám phá thêm được một “giếng loạn” thứ hai. Giếng này đã bị chùa Thiền Lâm lấp vào năm 1992. Theo ông Xuân, cùng với các tấm bia và giếng cổ, chứng tỏ đây là một vùng từng có đông người ở, về sau bỏ hoang và phải chăng vì liên quan đến chuyện “binh loạn ” với Tây Sơn?
Mả loạn
|
Tấm bia đá đã bị mài nhẵn hết chữ, đặt trên lưng rùa và được dựng tại sân sau chùa Thiền Lâm |
Ở phía trái con đường đi qua Giếng Loạn, người dân phát hiện ra nhiều ngôi mộ tập thể. Mỗi ngôi vun cao và dài như những vồng khoai lớn. Một số mộ hoang này đã có ở đó từ xưa, một số mới dời vào đây khi người Pháp làm đường Nam Giao Tân Lộ và tất cả đều được đặt tên là “mả loạn”. Một điều lạ lùng nữa là khi gia đình ông Nguyễn Văn Minh (ở sát chùa Diệu Đức) phá nhà làm lại, đã vô tình phát hiện thấy dưới nền nhà có 27 bộ xương cốt chồng lên nhau. Ông Minh sợ quá, vội chuyển 27 bộ xương ấy ra táng ở vườn nhà của mình. Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, chung quanh chùa Thiền Lâm cũng tìm thấy nhiều hố tro cốt của nhiều người từng bị dập xuống như ở nhà ông Minh.
Theo ông Xuân hồ nghi, phải chăng những hài cốt vô danh này chính là hài cốt của quân Tây Sơn thua trận đã bị quân Nguyễn tàn sát và chôn tập thể khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân hồi đầu thế kỷ XIX? Cùng với những giếng cổ đã từng cấp nước uống cho các lực lượng của Tây Sơn trong cung điện Đan Dương bị miệt thị là “giếng loạn”, hàng trăm ngôi mộ hoang đã mấy thế kỷ nay cũng được gọi với cái tên dân gian “mả loạn” để chỉ những gì thuộc về quân Tây Sơn.
Cung điện trong lòng đất
Qua những hiện vật phát hiện ở chùa Thiền Lâm, ông Xuân khẳng định chùa đã bị dời đi và sau này được xây dựng lại trên một khu đất đã từng vùi lấp một kiến trúc hoành tráng nào đó từng bị triệt phá. Những gạch vồ, đá lát, đá táng cột, đá tảng, đá trang trí ở đầu cột trụ và nhiều loại đá có hình thù khác nhau không thể của dân chúng trong bất cứ thời đại nào mà là một vùng cung điện vua chúa. Ở đây chính là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn. Như vậy, Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và Cung điện Đan Dương của Vua Quang Trung là một. Nghĩa là Vua Quang Trung khi lên ngôi đã cải tạo Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Vì thế sau này, khi Vua Quang Trung băng hà vào cuối 1801, quan quân nhà Nguyễn đã trả thù bằng cách quật phá và vùi Cung điện Đan Dương xuống đất.
Khu vực Cung điện Đan Dương đã rõ khi xác định được nó tọa lạc trên vòng tròn: Chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước (nơi có các đống vôi vữa cũ vun thành đống) và chùa Diệu Đức (nơi có các giếng loạn có chứa trong lòng những bức liễn và mả loạn). Chỉ còn câu hỏi: “Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu trong Cung điện Đan Dương?”. Địa điểm huyệt mộ táng Vua Quang Trung đã bị quật phá cụ thể ở chỗ nào trong khu vực cung điện này?
Để xác định chính xác nơi tồn tại huyệt mộ trong khu vực khả nghi có tồn tại Cung điện Đan Dương, Ông Xuân đã mời thầy địa lý Dương Văn Sinh xác định địa điểm và quyết định thám sát thử. Thật bất ngờ, hàng trăm câu chuyện huyền bí cũng được lật lên theo từng nhát cuốc.
. Theo Lương Mỹ Hà(Giadinh.net)
(Còn nữa) |