Đi tìm mộ Vua Quang Trung:
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo
17:1', 29/7/ 2007 (GMT+7)

(Kỳ 4)

Theo cách tính toán của thầy địa lý Dương Văn Sinh, nếu có huyệt mộ chắc chắn chỉ có thể nằm trong khu vực nhà của chị em ông Nguyễn Hữu Oánh, ngay dưới chân chùa Vạn Phước. Thật ngỡ ngàng bởi chính từ ngôi nhà này, hàng trăm câu chuyện có thật được nhuốm một màu huyền bí đã dần dần được hé lộ.

 

Giếng cổ ở khu vực chùa Thiền Lâm.

 

Những viên đá lạ

Ngôi nhà giấu trong lòng đất vô số những điều bí ẩn đó nằm dưới con dốc trước cổng chùa Vạn Phước. “Nhân chứng sống” Nguyễn Hữu Oánh, chủ nhân ngôi nhà vẫn còn bàng hoàng chưa quên được những điều bất thường mà gia đình ông đã trải qua trong thời gian gần đây.

Theo lời ông Oánh, đời thứ nhất được tính từ ông nội ông Oánh là lý trưởng nhưng con đông, vợ mất sớm. Lúc ấy, có người con gái nói giọng Nghệ An văn hay chữ tốt đi buôn qua Phá Tam Giang bị mất sạch đồ đạc và nguyện đến xin làm vợ thứ của ông lý trưởng và trở thành bà nội ông Oánh từ đấy. Sau đó, bà đã lập một am thờ lớn hơn bất cứ am nào trong khu vực và giải thích với con cháu nôm na là am thờ người khuất nào đó. Khi bà qua đời, con cháu vẫn chưa biết quê quán bà ở đâu, có họ hàng gì với anh em nhà Tây Sơn không và liệu cái am bà lập có phải là để thờ vua Quang Trung hay không?

Ông Oánh nhớ lại cụ thân sinh mình từng kể, khi họ tộc ông đến đây, xung quanh làng mạc trắng xóa nhưng kỳ lạ là dưới lòng đất có nhiều mả loạn và giếng loạn. Khi canh tác, cụ thân sinh ông Oánh bắt gặp nhiều dấu vết của những thành quách đã bị sập, những công trình xây dựng bị chôn vùi dưới lòng đất. Thậm chí, sau lưng nhà ông vẫn còn tồn tại một giếng loạn rất sâu.

Đáng ngạc nhiên hơn là vào khoảng năm 1925, trong lúc đào đất làm vườn, đầu cuốc của cụ đã chạm phải 4 tấm đá lớn. Tấm đá có chiều dài hơn 2m, rộng chưa đầy 1m và dày 3,5cm. Tấm đá này thuộc loại đá granít, mặt trên được mài trơn nhẵn, mặt dưới thô ráp còn hằn rõ vết đẽo của một loại dụng cụ thô sơ.

Khi đào được những phiến đá lạ, gia đình ông Oánh tự giải thích đây là những hiện vật của một ngôi “mộ Chàm” nào đó, nên đã bán cho dân Phủ Cam một tấm, cho một người thân ở Bến Ngự một tấm, một tấm bị bể và tặng chùa Vạn Phước một tấm.

Đặc biệt, trong lúc canh tác đất đai, gia đình ông phát hiện rất nhiều vật liệu xây dựng ẩn tàng dưới đất. Thậm chí, gia đình ông còn đào được cả một hầm gạch nguyên trong lòng đất, đủ xây một ngôi nhà.

Cũng trong thời gian này, cụ thân sinh ông Oánh cũng đào được nhiều tượng đá. Tuy nhiên, chúng tiếp tục bị chôn xuống vườn nhà vào năm 1947 và gia đình không thể nhớ nổi là góc nào. Còn 4 phiến đá lạ, giờ chỉ còn duy nhất một tấm đang được dùng làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước. 3 tấm kia đã hoàn toàn thất lạc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: “đây rất có thể là những phiến đá bọc quanh huyệt mộ để bảo vệ quan tài Vua Quang Trung. Còn những tượng này phải chăng đã từng được dùng để trang trí lăng Đan Dương?”.

Bí mật đạo huyệt

Theo lời ông Hữu Oánh, dòng họ của ông là dòng họ đầu tiên khai canh nên làng Bình An. Và nếu đúng như gia phả để lại, thì ông chính là hậu duệ thứ 13 của Vua Quang Trung. Khi phát hiện những dấu tích thành quách, gia đình cho rằng đây là thủ phủ của người Chăm Pa. Gia đình ông đã tận dụng toàn bộ vật liệu đào được để xây nhà to, lát sân, làm cổng to hoành tráng. Nhưng rồi đến năm 1982, ông phá tan cả cửa nhà, gánh toàn bộ gạch đá lên biếu nhà chùa.

Ông Oánh nhớ lại, quả đúng gia đình ông đã từng gặp được một huyệt mộ bí ẩn. Trước năm 1945, người Nhật chiếm chùa Thiền Lâm làm doanh trại. Sợ máy bay Đồng Minh thả bom, dân Bình An quanh chùa Thiền Lâm đều phải đào hầm tránh bom. Khi đào hầm trú ẩn trong vườn nhà, gia đình ông gặp một đường hầm xây kiên cố đã bị lấp đầy đất. Vét hết đất trong hầm, cả nhà khoảng chục người dắt díu nhau xuống tránh bom. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Liên, chị gái ông Oánh mới 12 tuổi, hay bồng ông mới 6 tuổi xuống hầm. Vì quá nhỏ, nên sau này cả hai không nhớ đường hầm nằm vị trí nào trong vườn nhà.

Để xác định lại vị trí huyệt mộ, năm 1988, bác sĩ Dương Văn Sinh, một thầy địa lý nổi tiếng ở Huế đã đến xem quanh khu vực chùa Thiền Lâm. Ông xác định, nếu có huyệt mộ Quang Trung thì nhất định phải ở trước vườn nhà ông Oánh, và ở phía Tây nhà bà Nguyễn Thị Liên hiện nay. Nghe “ông thầy địa” nói vậy, bà Liên không dám giấu điều bí mật mà bà đã cố tình giấu lâu nay và công nhận: “đường hầm ở khoảng ấy”.

Ngày 17.12.1988, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều nhà sử học đầu ngành ở Huế đã tiến hành khai quật gần chục điểm quanh chùa Thiền Lâm để thám sát.

Đến đầu hè phía tây ngôi nhà của bà Liên, khi đào xuống sâu nửa mét, cả nhóm thám sát bàng hoàng khi gặp một lớp thành dày chạy dọc theo hiên phía tây ngôi nhà. Mặt trong của thành nằm sâu dưới nền nhà. Đào sâu thêm 1,5m vẫn chưa đến chân thành. Đào dọc theo bức thành 3m vẫn chưa giáp với hai đầu bức thành. Bà Liên xác nhận: “cái đường hầm nằm dưới nền nhà tôi không thể đào sâu thêm được nữa, đào thêm nữa nhà sẽ sập”.

Việc thám sát đành phải dừng lại. Lấy vôi vữa của bức thành xem xét thì thấy, vôi vữa này giống vôi vữa còn bám ở tấm đá đang dùng làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và cũng giống với những vôi vữa lộ thiên hay chôn dưới đất thỉnh thoảng còn tìm thấy chung quanh khu vực chùa Thiền Lâm.

Đây là loại vôi vữa trộn bởi mật mía, vôi nung từ vỏ sò, vỏ hến và cát. Đặc biệt những vỏ sò, vỏ hến này được giã bằng chày nên còn nguyên “mày” lấm tấm trong vôi.

Đem so sánh với một số công trình khác, ông Xuân thấy di tích được ẩn dưới lòng nhà bà Liên có trước nhà Nguyễn, khớp với giai đoạn lịch sử xuất hiện khu lăng mộ vua Quang Trung. Trong khi chờ các nhà khảo cổ vào cuộc, ông Xuân kết luận: “Tấm đá lớn đang giữ ở nhà bếp chùa Vạn Phước và bức thành bên ngoài đường hầm (được xem là kim tỉnh hay khuôn tỉnh), ở chái phía tây nhà bà Nguyễn Thị Liên, là dấu hiệu của huyệt lăng mộ Vua Quang Trung đã bị quật phá”.

. Theo Lương Mỹ Hà (Giadinh.net)

Các loại tượng trong một số lăng mộ vua

Phần mộ của quý tộc - nhất là của vua chúa thường được xây cất khá công phu. Từ thời Trần mới hình thành dần kiến trúc lăng mộ, nhưng chỉ có thể nhận dạng qua dấu tích khảo cổ.

Thời này mới chỉ có lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ và vài lăng mộ các vua Trần là có tượng - phổ biến là tượng rồng, lân với chức năng chính làm thành bậc cửa trong cấu trúc kiến trúc.

Những tượng được biết là con hổ ở lăng Trần Thủ Độ.

Tượng con trâu, con chó và viên quan hầu có thể thấy ở lăng vua Trần Hiến Tông.

Trừ tượng quan hầu, ở tư thế đứng nghiêm theo quy cách tượng chầu trong các lăng mộ từ thời Lê về sau, còn tượng các con thú đều trong tư thế nằm nghỉ rất thoải mái, lớn như thú thật, song dường như để trang trí cho đẹp cảnh quan chứ không phải để chầu hầu.

Ở thời Nguyễn, đây là giai đoạn mạt kỳ phong kiến, vương triều được thành lập do thắng thế trong cuộc nội chiến giữa các phe phái quý tộc với nhau, vì thế không gần dân, và để tạo uy thế thì các tượng thú đều thống nhất một dáng: đứng nghiêm túc, nhìn thẳng.

(Còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)
Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo  (07/05/2007)
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long  (04/05/2007)