(Kỳ cuối)
|
Mộ Vua Quang Trung nằm ở đâu trong những ngọn núi này? |
Gần đây nhất, hai học giả Hồng Phi và Nương Nao tại Thanh Hóa đã có một phát hiện mới và công bố tư liệu liên quan đến lăng mộ Vua Quang Trung. Dựa vào bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” (nhìn thấy linh cữu Quang Trung) của nhà nho Lê Triệu (1771- 1846), tư liệu mà hai tác giả công bố khiến nhiều người ngạc nhiên: Mộ Quang Trung có thể nằm tại núi Khuân Sơn.
Có người thấy lăng mộ Quang Trung?
Bài thơ chữ Hán “Kiến Quang Trung linh cữu” nằm trong cuốn “Liên Khê Nam hành tạp vịnh” của nhà nho Lê Triệu (1771-1846). Ông vốn người làng Lệ Trung, Đại Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Trong chuyến Nam hành, Lê Triệu đã đến thăm phần mộ của Hoàng đế Quang Trung tại ngọn núi có tên là “Khuân Sơn”. Qua bài thơ có thể thấy, nhà nho Lê Triệu đã trực tiếp nhìn thấy thi hài của Hoàng đế Quang Trung lúc mới bị khai quật và rất đau xót, phẫn nộ khi lăng mộ Quang Trung bị Gia Long - Nguyễn Ánh phá hủy.
Theo cứ liệu của hai học giả Hồng Phi và Nương Nao, Lê Triệu là một nhà nho không đỗ đạt nhưng tài hoa và phẩm cách rất được người đời ca tụng. Ông viết bài thơ này trong một chuyến vào Nam, vào khoảng năm 1807 - 1808, sau khi lăng mộ Vua Quang Trung đã bị Gia Long khai quật. Bài thơ được hai tác giả này phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.
“Trấp niên sất sá tẩu phong vân Như thử anh hùng cổ hãn văn Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt “Khuân Sơn” họa tại bách niên phần
Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận Cô phụ đường đường bách xích thân Quang cảnh nhất ban thành phấn mị Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần”
Qua “Kiến Quang Trung linh cữu”, Lê Triệu đã rất ngưỡng mộ, tôn kính vua Quang Trung, ca ngợi vua Quang Trung là bậc anh hùng và lên án Gia Long - Nguyễn Ánh tàn bạo như Tần Thủy Hoàng.
Hai câu đầu “Trấp niên sất sá tẩu phong vân/Như thử anh hùng cổ hãn văn”, được tác giả mượn ý từ đôi câu đối ở đền thờ Quang Trung ở Do Xuyên - Hải Thanh - Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Đó là câu: “Anh hùng thanh sất Bân Sơn cổ/Miếu mạo quan lưu Bạng Hải kim” (Nghĩa là: Tiếng thét mắng (quân giặc) của người anh hùng ở núi Bân còn rực sáng, để lại ở bến Lạch Bạng ngày nay).
Đôi câu đối trên nhắc lại sự kiện cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Bân (Huế), làm lễ cáo trời đất để lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Tại đây, trước khi hành quân thần tốc ra Bắc, nhà vua đã thét mắng (sất sá) quân xâm lược Mãn Thanh.
Những câu thơ tiếp theo, tác giả ám chỉ sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng. Theo đó, năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long - Nguyễn Ánh đã thực hiện cuộc “tắm máu” cực kỳ tàn khốc. Không chỉ “đào mồ, cuốc mả”, “tru di tam tộc” đối với dòng họ, con cháu vua Quang Trung, ngay cả những trung thần, tướng sĩ, quan lại của triều Tây Sơn cũng bị nhà Nguyễn trả thù.
Câu cuối của bài thơ: “Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần!”, cũng chính là lời tố cáo đanh thép đối với nhà Nguyễn, đồng thời cho thấy tình cảm sâu nặng của tác giả đối với Quang Trung.
Khuân Sơn hay Ngụy Sơn?
Để khẳng định cứ liệu mình tìm ra là đúng, hai tác giả đã mở một cuộc tọa đàm tại Huế và lấy ý kiến rộng rãi của nhiều nhà nghiên cứu.
Điều gây nhiều tranh cãi ở đây là câu thơ thứ tư có chữ đầu do quá mờ, hai tác giả Hồng Phi và Nương Nao không xác định được rõ ràng nên chỉ phỏng đoán đó là chữ “Khuân”. Và từ phỏng đoán này, hai tác giả đã liên hệ với các nhà sử liệu khác để dẫn đến một giả thuyết là, nơi mai táng Vua Quang Trung thuộc Khuân Sơn (một ngọn núi ở đầu nguồn thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Điều quan trọng là tìm ra ngọn núi Khuân Sơn ở đâu? Theo như sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Núi Khuân Sơn ở phía nam huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), có tên nữa là Thượng Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc...”. Hai tác giả này còn cho rằng: “Trong nguyên bản “Khuôn” là một chữ Nôm, rất ít dùng, viết theo tên gọi của địa phương”.
Nguồn tư liệu này lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Hy vọng tìm thấy lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung như đã đến gần đích, khi các nhà nghiên cứu tìm thấy ngọn Khuân Sơn trong nhiều thư tịch cổ.
|
Bài thơ của Lê Triệu |
Tuy nhiên, niềm hi vọng này lại bị lật lại khi căn cứ trên bản gốc bài thơ, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền - tác giả của dự án Lăng Ba Vành là lăng mộ Vua Quang Trung đã chứng minh chữ “Khuôn” trong bản dịch không phải là chữ Nôm mà là chữ “Ngụy”, viết theo Hán tự. Chữ “Ngụy” này đã được viết theo lối viết thảo.
Như vậy, theo ông Điền không thể đọc chữ này là “Khuân Sơn” mà phải đọc là “Ngụy Sơn”. Tuy nhiên, đối chiếu với các tài liệu cổ có được đến thời điểm này, một số nhà nghiên cứu khẳng định, tại Thừa Thiên - Huế không có ngọn núi nào có tên là Ngụy Sơn cả.
Việc phát hiện ra bài thơ cổ của nhà nho Lê Triệu của hai tác giả thêm một lần nữa khiến giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học, nhất là đối với những người quan tâm đến triều đại Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ ngạc nhiên.
Tuy nhiên, những ẩn ngữ trong bài thơ của Lê Triệu vẫn chưa được hé mở. Vì vậy, câu chuyện có phải Khuân Sơn là nơi mai táng lăng mộ Vua Quang Trung hay không, vẫn chưa được giải quyết.
Vẫn phải tiếp tục tìm kiếm
Khi những thông tin về lăng mộ Vua Quang Trung vẫn đang bí ẩn như đánh đố các nhà nghiên cứu, tôi nhớ lại lời của ông Lê Văn Huyên, Tổng Thư ký Hội Lịch sử Thừa Thiên - Huế cho rằng: Việc để các di tích đã phát hiện ra đang dần xóa sổ là rất đau xót và là trách nhiệm của ngành văn hóa chúng tôi. Điều đáng tiếc là nhà nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, còn dân phá vẫn cứ phá và nhà lãnh đạo làm ngơ vẫn cứ làm ngơ. Vấn đề là địa phương cần có văn bản cụ thể, để chúng tôi còn biết các địa điểm cụ thể cần bảo vệ.
Còn để đánh giá chất lượng của 3 công trình này, trước hết phải công nhận công lao của những nhà nghiên cứu bỏ ra hàng mấy chục năm để tìm kiếm lăng mộ Vua Quang Trung. Trong số 3 đề tài trên, một nhóm chỉ đang tập trung khảo sát vị trí trí thượng nguồn sông Hương, mà chưa chỉ ra được vị trí cụ thể của lăng mộ Quang Trung.
Công trình thứ hai của ông Trần Viết Điền khẳng định Lăng Ba Vành là lăng mộ Vua Quang Trung, vẫn chưa có nhiều chứng cứ đủ sức nặng để có thể khẳng định.
Và công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Khu vực quanh Chùa Thiền Lâm có lăng mộ Vua Quang Trung. Đây là công trình tương đối công phu và ngày càng được bổ sung thêm nhiều cứ liệu.
Tuy nhiên, cả 3 đề tài này đều chưa có cơ sở tin cậy và thuyết phục để khẳng định một trong 3 nơi trên là lăng mộ Vua Quang Trung. Các giá trị tư liệu vẫn chưa có cơ sở và chưa thuyết phục để kết luận đó là nơi đã từng tồn tại lăng mộ Quang Trung. Điều chúng tôi cần là phải có một chứng cứ cụ thể, một vật gì đó gắn liền với con người hoặc triều đại đó như ấn triện hoặc một chiếc cốc chẳng hạn.
Thậm chí có người cho rằng, một người sắc sảo như Vua Quang Trung, chắc gì ông đã chọn cách an táng ở Huế mà sẽ táng ở một nơi nào đó đảm bảo bí mật, vì ông biết chắc sau khi mình mất, triều Nguyễn sẽ trả thù đẫm máu.
Vì vậy, tốt hơn hết các nhà nghiên cứu phải tiếp tục tìm kiếm để có các chứng cứ xác đáng. Có như vậy, chúng tôi mới có thể quyết định cho các nhà khảo cổ nghiên cứu và thám sát theo quy định. Còn hiện tại để thám sát cả 3 khu vực thì quá mơ hồ và tốn kém, không thể kham nổi.
Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tỉnh đã đồng ý và có văn bản chỉ đạo 3 vấn đề liên quan đến Vua Quang Trung. Còn vấn đề lăng mộ, đây là việc lâu dài nên các nhà khoa học trước hết phải nghiên cứu chính xác, sau đó xây dựng lộ trình cần thám sát ở đâu, chúng tôi mới có đề xuất để thám sát, khảo cổ. Hiện, các đề án nghiên cứu đều đối chọi nhau và vẫn chưa có chứng cứ khoa học thuyết phục thì làm sao khảo cổ toàn diện được? Còn để bảo vệ các di tích này, trước hết Hội lịch sử phải có văn bản cụ thể chúng tôi mới biết để vận động nhân dân địa phương bảo vệ.
Trong khi chờ những lộ trình kia hoàn thiện và các văn bản đến được tay các cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn mỏi mòn nghiên cứu và dân thì vẫn tiếp tục phá hoại các di tích không mảy may thương tiếc. Thật đáng tiếc làm sao!!!
. Theo Lương Mỹ Hà (Giadinh.net) |