Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?
6:54', 18/8/ 2007 (GMT+7)

Mới đây, Nhà trưng bày Gốm cổ Gò Sành (TP. Quy Nhơn) tiếp nhận một sắc phong do vua Quang Trung ban hành, do một cá nhân ở Hà Nội tặng. Điều đáng chú ý là bản sắc phong này được ban hành trước ngày vua Quang Trung mất một ngày. 

 

Bản sắc phong do vua Quang Trung ban hành. Ảnh: K.N

 

Sắc phong hình chữ nhật, viết bằng chữ Nôm, nội dung là sắc phong cho một chiếc chuông của một ngôi chùa ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Theo ông Nguyễn Vĩnh Hảo, chủ nhân Nhà trưng bày Gốm cổ Gò Sành, bức sắc phong này do bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tặng cho nhà trưng bày.

Sắc phong trang trí bằng những họa tiết hình học theo lối hồi văn kỷ hà. Long vân (rồng trong mây) là hoa văn chủ đạo trên sắc phong. Các chấm tròn nằm rải rác điểm xuyết trong mây cuộn trên toàn mặt sắc phong, cùng hoa văn Long vân, trang trí rất tinh xảo. Mặt rồng chầu vào một hình vuông, trang trí chữ “Thọ” hình triện cách điệu bên trong. Chữ “Sắc” kết thúc văn bản được để ở một hàng riêng và vị trí của nó rơi vào trung tâm của hình vuông mà con rồng chính của nền sắc phong chầu vào. Ấn triện “Quang Trung” đóng bằng son nằm trên dòng ghi niên đại của sắc phong.

Điều thú vị là niên đại của sắc phong. Dòng ghi niên đại trên sắc phong ghi rõ: “Quang Trung ngũ niên thất nguyệt nhị thập bát nhật” (Quang Trung năm thứ năm, ngày hai mươi tám tháng bảy). Quang Trung ngũ niên tức là năm 1792, cũng là năm vua Quang Trung mất. Theo nghiên cứu của GS Hoàng Xuân Hãn thì vua Quang Trung mất vào giờ dạ tý ngày 29 tháng 7, tức ngày 16 tháng 9 năm 1792. Còn theo nghiên cứu của TS. Đỗ Bang thì “Ngày vua Quang Trung từ trần là rạng ngày 16 tháng 9 năm 1792”. Nếu nghiên cứu trên là chính xác, thì sắc phong này được vua Quang Trung ban hành một ngày trước khi ngài qua đời. Như vậy, đây có thể là một trong những sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung.

Trên thực tế, sắc phong thời Tây Sơn rất quý, sau khi nhà Tây Sơn thất thế, nhà Nguyễn lên ngôi, đã tìm mọi cách tiêu diệt tàn dư của thời Tây Sơn. Nhưng sắc phong của vua Quang Trung còn quý hơn, vì vua Quang Trung ít ban sắc phong. Do vậy, số sắc phong của vua Quang Trung ban hành hiện còn rất ít. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng - TP. Hồ Chí Minh), có trong tay 181 sắc phong của các triều vua, nhưng cũng chỉ có hai sắc phong do vua Quang Trung ban hành, mà ông cho là quý nhất trong bộ sưu tập.

Bản sắc phong quý giá mà Nhà trưng bày Gốm cổ Gò Sành vừa được tặng lại, như vậy, là một tư liệu lịch sử quý giá. Bảo vật này cần quan tâm dịch và nghiên cứu. Qua đó, cung cấp thêm những hiểu biết về chính sách và tầm nhìn văn hóa của vua Quang Trung. Niên đại tuyệt đối chính xác, đáng tin cậy của sắc phong này cũng sẽ cho phép chúng ta khẳng định rõ ràng hơn về phong cách mỹ thuật, thư thể… của sắc phong thời Tây Sơn khi so sánh với sắc phong các thời trước.

  • Khải Nhân

Dòng ghi niên đại trên sắc phong. Ảnh: K.N

Sắc phong thần hay sắc phong cho thành hoàng làng là một loại hình văn bản Hán Nôm quan trọng trong hệ thống văn bản Hán Nôm hiện còn. Hiện tại, sắc phong chưa được chú ý nghiên cứu đầy đủ để rút ra những đặc trưng thể loại văn bản, mỹ thuật đồ họa, in ấn, thư thể (thể chữ), chất liệu giấy, quá trình hình thành văn bản, bộ phận đảm trách việc tạo thành một sắc phong cụ thể (gồm nhiều công đoạn), quá trình ban sắc, rước sắc, tuyên sắc, sao sắc, hóa sắc (đốt bản sao, sau khi tuyên đọc sắc)… Địa danh ghi trên sắc phong cũng là những thông tin quan trọng xác định sự thay đổi tên làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu tên gọi các địa danh cổ. Trên thế giới chỉ có ba nơi còn lưu giữ sắc phong, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Và theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, Việt Nam đang là nước sở hữu những bức sắc phong cổ nhất và nhiều nhất.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)
Người săn câu trả lời từ lòng đất  (10/05/2007)