Kỷ niệm 100 năm ngày mất nhà cách tân nghệ thuật Tuồng-danh nhân văn hóa Đào Tấn (1907-2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay
15:59', 3/9/ 2007 (GMT+7)
Đào Tấn (ảnh: Đ.T.Đ)

Nói tới nhà cách tân nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, rất nhiều người ham mê Tuồng đều nhớ hai câu hát nam đầy khí phách của nữ kiệt Lan Anh trong vở tuồng "Hộ sinh đàn" nổi tiếng của ông: "Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay".

Bình về hai câu thơ này, thi sĩ Xuân Diệu - người hậu bối đồng hương của Đào tiên sinh đã viết: "Đào Tấn cho chúng ta thấy rằng, khi đã lập chí chống cái tà, cái nịnh, khi đã bênh vực cái đúng, cái ngay, thì sự lao khổ là lẽ tất nhiên, là qui luật." (trích "Đào Tấn-nhà thơ nghệ sĩ của "sóng vỗ ngọn tùng" - tiểu luận của Xuân Diệu).

Vượt qua thời gian, qua những thăng trầm của lịch sử những tối sáng của số phận nghệ thuật Tuồng, sau đúng 100 năm kể từ ngày Đào Tấn chính thức "hóa thân thành một đóa hoa mai", tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước - nơi sinh Đào Tấn - lại được đón hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ từ khắp nơi trong nước, cả từ nước ngoài về dự lễ kỷ niệm và tham gia hội thảo về nghệ thuật tuồng Đào Tấn do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức.

Lễ dâng hương tại nhà thờ Đào Tấn ở xã Phước Lộc cũng được tiến hành trang trọng, và sau đó, suốt hai ngày, một hội thảo có chất lượng học thuật đã diễn ra tại Quy Nhơn.

Cuộc hội ngộ của họ Vũ và hội thảo nghệ thuật tuồng Đào Tấn

Giáo sư, nhà văn hóa, anh hùng lao động Vũ Khiêu đã xúc động gọi cuộc tụ họp này là một "lễ trọng", và ông còn vui vẻ nói thêm: "Họ Vũ chúng tôi may mắn lại gặp nhau tại đây, nơi quê hương của "Chàng Lía" huyền thoại, một người mang họ Vũ mà chúng tôi kính yêu. Tất cả cũng nhờ hồng phúc của Cụ Đào."

Đúng như nhận xét của người viết bài này, không hẹn mà gặp, đã có khá nhiều người nổi tiếng mang họ Vũ có mặt trong dịp "lễ trọng" này. Đó là giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư (Vũ) Hoàng Chương, nguyên chánh văn phòng quốc hội - nhạc sĩ Vũ Mão, và phía chủ nhà có Chủ tịch tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà, nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng Vũ Ngọc Liễn, và có thể còn một số họ Vũ khác đang tản mát đâu đó giữa hội thảo này.

Trong tham luận như một tụng ca chào mừng của mình, giáo sư Vũ Khiêu đã nhắc đến vùng đất "địa linh nhân kiệt" Bình Định, nơi giờ đây đã là chiếc nôi của nghệ thuật tuồng khởi từ Đào Tấn. Ông cũng khẳng định, bắt đầu từ Đào Tấn, nghệ thuật hát Bội, nghệ thuật Tuồng đã trở thành một nghệ thuật vừa cổ điển hàn lâm, vừa dân gian phổ biến.

Người Bình Định, và không chỉ người Bình Định, trên khắp dải đất miền Trung rồi lan tỏa vào Nam ra Bắc, nghệ thuật tuồng mà Đào Tấn đã nâng tầm để trở thành một nghệ thuật vừa cổ điển vừa hiện đại vừa phổ cập vừa cao sang, đã chiếm lĩnh trái tim hàng triệu người Việt Nam yêu nghệ thuật hát Bội, hâm mộ những lý tưởng chính nghĩa ngời sáng.

Những nhân vật vừa đặc thù vừa phức tạp của ông đã có đời sống riêng hàng trăm năm nay trong các tác phẩm đã trở thành kinh điển. Trở về từ Mỹ, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong khẳng định: Tuồng Đào Tấn mang tầm vóc thế giới, và bản thân Đào Tấn hoàn toàn có chỗ đứng vinh dự giữa những nhà viết kịch cổ điển hàng đầu trên thế giới mà chúng ta đã quen tên. Cách truyền dạy nghệ thuật tuồng của Đào Tấn cũng rất độc đáo và hiện đại, những "học bộ đình" mà Ông mở vẫn còn giá trị khai mở cho chúng ta ngày nay tiếp bước Ông để xây dựng "trường nghệ thuật tuồng" mang tên Đào Tấn ngay tại Việt Nam.

Đó cũng là nguyện vọng tha thiết của GS Nguyễn Thuyết Phong - người đang chu du năm châu bốn biển để diễn giảng về nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực đưa hình ảnh và tinh hoa Việt Nam ra thế giới.

Một nhà viết kịch bản tuồng hiện đại mang họ… Văn, là giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định Văn Trọng Hùng cũng đã tham luận nhấn mạnh đến công lao trời biển của Cụ Đào đã nuôi dưỡng và phát triển tình yêu của nhân dân Bình Định với nghệ thuật tuồng cho tới ngày hôm nay.

Có 11 đoàn hát Bội nghiệp dư trong tỉnh Bình Định đang hoạt động và "đang sống khỏe". Hàng đêm nhiều sân bãi hay nhà văn hóa tại những vùng nông thôn xa khuất của Bình Định vẫn sáng đèn đón những vở diễn kinh điển của Đào Tấn do các "nghệ sĩ chân quê" thủ vai. Tôi đã được xem trích đoạn "Hộ sinh đàn" do đoàn nghệ thuật tuồng xã Phước An (xã bên cạnh xã Phước Lộc - quê Đào Tấn) biểu diễn trong đêm lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất Đào Tấn: quả thật, những " nghệ sĩ tuồng chân quê" diễn mộc mạc mà thu hút, mà lý thú hơn cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp nữa!

Ở Bình Định, nghệ thuật tuồng đang sống

Gần như giành cả đời để nghiên cứu nghệ thuật tuồng Đào Tấn, nhà văn hóa Vũ Ngọc Liễn 83 tuổi đang là "cây đại thụ họ Vũ nghiên cứu tuồng" ở Bình Định. Ông nói: đây là lần thứ 4 tại quê hương Bình Định diễn ra một hội thảo khoa học về nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Ba lần trước, tuy diễn ra đã ngót 30 năm, nhưng trong ký ức ông già Liễn, hình ảnh nhà thơ Xuân Diệu "xung trận" vung tay như Quan Công vung đại đao bênh vực nghệ thuật Đào Tấn, bênh vực cả con người Đào Tấn mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ mà ông Liễn không bao giờ quên.

Ở một vùng đất hào hiệp, nghĩa khí và bao dong như đất Bình Định, làm sao một nghệ thuật bậc thầy của một kịch tác gia bậc thầy như Đào Tấn lại mai một được. Nghệ thuật tuồng nói chung, tuồng Đào Tấn nói riêng đang sống khỏe, sống mãnh liệt tại đất Bình Định, trong lòng người dân Bình Định. Đó chẳng phải là hồng phúc cho nghệ thuật dân tộc Việt, cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng sao? Đào Tấn vẫn đồng hành với chúng ta hôm nay trong hành trình đi tới tương lai của nghệ thuật dân tộc.

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)
Tài hóa trang quân sĩ của vua Quang Trung trong trận Đống Đa  (01/07/2007)
Vị Thái tử kiệt xuất của thành Đồ Bàn  (29/06/2007)
Mới làm Hậu bổ đã từ quan  (22/06/2007)
Hai bậc tài danh, hai cảnh ngộ  (15/06/2007)
Những chiến sĩ Duy Tân sống mãi trong lòng người Bình Định  (08/06/2007)
Ông Cử tài hoa đất ven Thành  (01/06/2007)
Những nhà Nho Bình Định mơ làm giàu cho quê hương  (25/05/2007)
Những vần thơ hào sảng của một Nho tướng  (11/05/2007)