Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến
11:35', 11/1/ 2008 (GMT+7)

Dù không mang được chiếc bàn đặc biệt đó về Việt Nam, nhưng tôi thấy rất hạnh phúc bởi ngay tại nước Mỹ, đất nước mà một thời chúng ta đã coi họ là kẻ thù số 1 của mình, vẫn gìn giữ chiếc bàn đơn sơ ấy như một tài sản tinh thần của chính họ. Và đó, cũng là một trong những lý giải về nước Mỹ.

 

Khách sạn Omni Parker (Boston), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc.

 

Trong chuyến đến Mỹ làm việc cách đây mười lăm năm, hầu hết thời gian tôi ở thành phố Boston, thủ phủ Bang Massachusetts. Một ngày trước khi trở về Việt Nam, một nhà văn Mỹ nói cho chúng tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc ở Boston. Hồ Chí Minh đã đến Mỹ năm 1911 và làm việc trong khách sạn Omni Parker cho đến năm 1913. Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử nên thông tin đó là thông tin đầu tiên đến với tôi. Và thế là trong chuyến đi ấy, tôi đã không đến được khách sạn Omni Parker.

Theo tôi thì không nhiều người Việt Nam biết được thông tin này. Những người lơ mơ về môn lịch sử như tôi chỉ biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong một khách sạn ở London và sau này ở Pháp. Tôi cũng chưa thấy báo chí Việt Nam nói về khách sạn Omni Parker, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc ở đó.

Trong chuyến đi thứ hai đến Mỹ, năm 1994, tôi đã đến khách sạn Omni Parker. Nhưng tôi cũng chỉ đứng ngoài nhìn vào khách sạn đó mà không có điều kiện vào bên trong. Thực tế, ngày đó, tôi không nghĩ rằng nếu mình đến đó để hỏi về những ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mình sẽ được đón tiếp.

Ngày ấy, quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam vẫn còn quá nhiều chuyện. Cũng có lẽ vì lí do đó mà các nhà sử học cũng như các nhà báo, nhà văn không viết gì về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Mỹ trong một thời gian không ngắn. Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong cuộc đời ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau này, một người bạn của tôi đã chụp được bức ảnh tấm biển ghi chú của khách sạn, trong đó có ghi: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn, Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống, nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng…”

Khách sạn Omni Parker bắt đầu mở cửa đón khách vào năm 1855. Và đến năm 1867, khách sạn này đã trở thành khách sạn đầu tiên ở Boston có hệ thống tắm nóng lạnh và cầu thang máy. Trước khi rời khỏi Boston năm 1913, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí là trưởng bộ phận làm bánh của khách sạn Omni Parker.

 

Chiếc bàn làm bánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lưu giữ tại Omni Parker.

 

Tôi nghĩ thông tin về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở khách sạn Omni Parker chỉ có thế. Nhưng cho đến sau này, tôi mới biết được khách sạn vẫn lưu giữ - trong khách sạn - một chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để làm việc. Nhưng đặc biệt hơn và vô cùng cảm động là câu chuyện về một cựu binh Mỹ đã tìm mọi cách để mang được chiếc bàn đó về cho người Việt Nam.

Người cựu binh đó là Kevin Bowen - nhà thơ, giáo sư văn học tại Đại học Massachussetts (Mỹ) và là Giám đốc Trung tâm William Joiner (Trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh và những vấn đề xã hội thông qua những hoạt động văn học nghệ thuật). Năm 1969, Kevin bị đưa đến Việt Nam và tham gia chiến tranh ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Một năm sau, ông trở về Mỹ và tham gia phong trào phản chiến của các cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam. Trong thời gian học đại học, Kevin tranh thủ đi bán trái cây và gom được một số tiền. Năm 1972, Kevin đã dùng số tiền đó đi Pháp để chờ đợi kết quả từ Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam. Nhưng kết quả không đến như lòng ông mong đợi. Ông buồn bã trở về Mỹ và bắt đầu viết những bài thơ về đất nước, con người Việt Nam và lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Tập thơ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Mỹ của Kevin có tên Chơi Bóng Rổ Với Việt Cộng. Tên tập thơ chính là tên một bài thơ trong tập viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nhà văn sang thăm Mỹ và đã chơi bóng rổ với Kevin trong sân nhà ông ở Boston.

Và trong bài thơ đó, ông đã viết những câu thơ: Ông (nhà văn Nguyễn Quang Sáng - ND) nhìn chúng ta mỉm cười / Như ông đã cười trên chín nhánh Cửu Long / Đấy là cách để chúng ta hạ súng…

Kevin Bowen là người Mỹ đầu tiên có sáng kiến lập ra chương trình đưa các nhà văn Việt Nam đến Mỹ để nói về đất nước của họ. Nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ là Lê Lựu. Và Lê Lựu đã để lại trong lòng độc giả Việt Nam những câu chuyện đầy tính giai thoại về hai chuyến đi của ông. Kevin cũng chính là người đầu tiên tìm cách giới thiệu văn học Việt Nam vào Mỹ. Ông là người đề xướng việc dịch tuyển thơ của các nhà thơ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Khi dịch xong tập thơ này, chúng tôi (những dịch giả) chưa biết đặt tên cuốn sách là gì thì Kevin đã quyết định đặt tên cuốn sách là Sông Núi. Tôi hỏi Kevin vì lí do gì ông đặt tên cuốn sách như vậy. Kevin nói ông đã nghĩ đến bài thơ của Lý Thường Kiệt. Đấy là bản tuyên ngôn về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam: Sông núi nước Nam vua Nam ở… Và chính ông, Kevin, muốn nhắc lại một lần nữa về quyền độc lập tự do của người Việt Nam và ý chí của người Việt Nam để bảo vệ quyền độc lập tự do ấy.

 

Kevin Bowen - nhà thơ, giáo sư văn học tại Đại học Massachusse.

 

Khi biết được khách sạn Omni Parker có lưu giữ chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để làm việc trong thời gian làm việc ở khách sạn này, Kevin đã đến khách sạn để nhìn tận mắt chiếc bàn đó. Và ngay lúc đó, ông nghĩ tới việc đưa chiếc bàn này về Việt Nam. Tôi nghe nói Kevin đã dẫn một đoàn cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với khách sạn Omni Parker. Kevin đã cùng những cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt vấn đề xin được mang chiếc bàn đó về Việt Nam. Nhưng yêu cầu của họ đã bị Ban giám đốc khách sạn từ chối.

Rồi đến một ngày, Kevin đã tự tìm đến những người quản lý khách sạn Omni Parker. Ông vẫn nuôi ý chí mang được chiếc bàn đó về cho người Việt Nam. Ông đề nghị khách sạn Omni Parker bán chiếc bàn đó cho ông. Sau đó, ông sẽ thuê người chế một chiếc bàn khác giống y chiếc bàn thật để thay thế. Ông hứa mọi việc sẽ được giữ bí mật. Nhưng một lần nữa, “ý tưởng bí mật” của ông lại bị từ chối. Những người quản lý khách sạn nói chiếc bàn đó là một trong những tài sản vô giá của họ. Bởi chiếc bàn đó là đồ dùng để làm việc của một vị lãnh đạo xuất chúng và là một nhà văn hóa của thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có một thời gian làm việc tại khách sạn của họ.

Khi chuẩn bị viết bài báo này, tôi đã thử viết thư cho khách sạn Omni Parker. Tôi nói với họ tôi là một người dân Việt Nam biết được khách sạn Omni Parker có lưu giữ chiếc bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi muốn có ảnh chiếc bàn đó. Khoảng một tiếng sau, tôi đã nhận được thư trả lời của khách sạn. Họ hứa sẽ chuyển bức ảnh đó cho tôi trong vòng 24 giờ. Nhưng chỉ một nửa ngày sau đó, họ đã gửi bức ảnh chiếc bàn cho tôi. Họ nói tôi cứ tự do hỏi họ về những tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà khách sạn Omni Parker có.

Dù không mang được chiếc bàn đặc biệt đó về Việt Nam, nhưng tôi thấy rất hạnh phúc bởi ngay tại nước Mỹ, đất nước mà một thời chúng ta đã coi họ là kẻ thù số 1 của mình, vẫn gìn giữ chiếc bàn đơn sơ ấy như một tài sản tinh thần của chính họ. Và đó, cũng là một trong lý giải về nước Mỹ.

. Theo VươngThảo/vietimes. Vietnamnet

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”  (25/12/2007)
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.   (19/11/2007)
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (21/07/2007)
Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?  (15/07/2007)