Nhà Tây Sơn với một học giả người Malaysia
10:32', 21/10/ 2008 (GMT+7)

Nhà Tây Sơn dưới triều đại vua Quang Trung là quãng thời gian đầy những biến động lịch sử và còn gây nhiều tranh luận trong giới sử học Việt Nam. Đây cũng là đề tài thú vị cho các nhà nghiên cứu không những trong mà còn ngoài nước.

Với lòng yêu mến đất nước, con người và lịch sử Việt Nam tuy chưa một lần đặt chân đến, nhưng Ku Boon Dar đã chọn đề tài: “Quan hệ Trung-Việt trong thời kì khởi nghĩa Tây Sơn ở Việt Nam, 1771-1802” (Sino-Vietnamese during the Tay Son Rebellion 1771-1802).

 

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung.
 

Ku Boon Dar hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, trường Đại học Malaya, một trường đại học có tiếng nhất tại Malaysia và được xếp hạng 500 trên toàn thế giới về chất lượng đào tạo. Gặp gỡ và làm quen Ku Boon Dar trong một khoá học ngắn hạn tại Singapore, tôi được ấn tượng bởi một học giả trẻ tuổi với vóc dáng thư sinh và cặp kính trắng và đặc biệt hơn cả đó là sự say mê với đề tài về lịch sử Việt Nam mà anh đang theo đuổi.

Khi biết có những người bạn Việt Nam cũng tham gia khoá học, anh rất mừng rỡ và luôn cố gắng học hỏi ở chúng tôi “chút gì đó” về tiếng Việt và văn hoá Việt. Tuy rằng anh có hạn chế là không biết tiếng Việt nhưng những gì mà anh để tâm nghiên cứu về nhà Tây Sơn khiến chúng tôi rất quý mến và cảm kích. Quả thực những hiểu biết về lịch sử Việt Nam cũng như về lịch sử nhà Tây Sơn của anh có lẽ hơn cả hiểu biết của chúng tôi. Còn Trần Thăng Long, một người con quê hương Bình Định, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học La Trobe, Australia, sau khi gặp anh đã xúc động viết trên blog: “Tình cờ gặp anh tại một cuộc hội thảo tại Singapore, cảm giác của tôi là đi từ bất ngờ đến xúc động. Bất ngờ là ở chỗ một người bạn Malaysia đang làm đề tài về người anh hùng áo vải, niềm tự hào của những người dân Việt Nam nói chung và người dân đất Võ nói riêng. Tôi đã nói với anh rằng tôi chính là một trong những người con của quê hương Quang Trung-Nguyễn Huệ, và thay mặt người Bình Định cảm ơn anh về tất cả những gì anh đang làm…Một điều rất khó cho anh là việc nghiên cứu đề tài một giai đoạn lịch sử tại một nước không phải bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Thế nhưng anh lại là người có nhiều bài viết nghiên cứu về nhà Tây Sơn tham gia các hội thảo quốc tế và đăng tải trên một số tạp chí có uy tín. Thực sự, lúc anh trình bày, tôi đã ngồi gần anh, chỉ muốn giúp đỡ phần nào đó bằng kiến thức của tôi, thế nhưng anh còn biết nhiều hơn cả tôi, một người dân xứ Võ”….

 

Ku Boon Dar trình bày tham luận đề tài : “Mối quan hệ Việt-Trung trong thời kì khởi nghĩa Tây Sơn ở Việt Nam 1771-1802” tại hội thảo tại Singapore (Ảnh:Trần Thăng Long).
 

Khi tôi hỏi tại sao anh lại có hứng thú nghiên cứu về Việt Nam và lịch sử thời Sơn Tây, anh trả lời vì đó là lĩnh vực rộng lớn chưa được khai phá tìm hiểu nhiều bởi các học giả người nước ngoài. Đó là một sự thú vị nhưng đầy khó khăn bởi khối lượng tài liệu cũng như nhiệm vụ mục đích nghiên cứu. Nhưng thực sự đề tài về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thời Tây Sơn đã làm anh quan tâm ngay từ hồi học cao học ở trường. Trong khoá học này, anh được tiếp cận với rất nhiều khía cạnh của lịch sử Việt Nam dưới sự chỉ giáo của tiến sĩ Danny Wong Tze Ken, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam của trường Đại học Malaya. Thông qua đề tài này, anh muốn tìm hiểu bối cảnh giai đoạn lịch sử nhà Tây Sơn (1771-1802) thông qua các chính sách quan hệ ngoại giao. Như chúng ta đã biết vào triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết đến những biến động của lịch sử Việt Nam, đặc biệt thể hiện rất đậm nét trong mối bang giao với nhà Tây Sơn. Những đề tài khác khi nghiên cứu về nhà Tây Sơn thường khai thác chủ đề khởi nghĩa nông dân, đề tài này chú ý nghiên cứu vị trí, vai trò của Việt Nam với hệ thống thông thương, buôn bán với Trung Quốc và đặc biệt lưu tâm phân tích tới cách thức mà hệ thống thương mại đó ảnh hưởng tới cấu trúc xã hội Việt Nam thời kì đó.

Ku Boon Dar có cái nhìn mới về mối quan hệ về chính trị ngoại giao của vua Quang Trung với nhà Thanh (Trung Quốc), cũng như kinh tế trong quan hệ mậu dịch-thương mại và văn hoá xã hội đã tạo nên những bước tiến và thành công hơn hẳn so với thời kì trước. Do vậy, với những phương pháp nghiên cứu liên ngành mới, cách thức nhìn nhận vấn đề đa diện trong bối cảnh toàn cầu hoá, anh hi vọng nghiên cứu của mình sẽ góp phần định hướng, nâng cao hiểu biết về mối quan hệ Việt-Trung trong thời Tây Sơn.

Trước khi đến Việt Nam, để thực hiện đề tài này anh đã tìm kiếm các tư liệu chính sử cũng như dã sử bằng tiếng Anh và chủ yếu là tiếng Trung. Chưa hài lòng với số tư liệu (theo tôi được biết là khá đồ sộ và có giá trị) tại những thư viện lớn tại Singapore và Malaysia, anh đã đặt ra kế hoạch đến Việt Nam trong năm nay (2008) vào 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 16 đến 24 tháng 9 (đã được thực hiện). Trong quãng thời gian này, anh đã tới tham khảo sơ qua các đầu sách tại thư viện khoa sử Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Thư viện Viễn đông Bác Cổ, Thư viện Quốc Gia và thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Tất nhiên là lựa chọn những đầu sách chữ Hán). Đợt 2 sắp tới là đầu tháng 12 dự định là 3 tuần. Trong 3 tuần đó, anh sẽ tham dự hội thảo quốc tế Việt Nam học do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức với báo cáo liên quan đến đề tài Tây Sơn, tiếp đó là sẽ tìm hiểu kĩ hơn những tài liệu mà đợt 1 có dịp khảo sát. Quan trọng hơn là thực hiện nỗi khát khao được đặt chân đến quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung, mảnh đất linh thiêng, đầy tri ân mà chưa một lần đặt chân đến nhưng luôn luôn lung linh, thân thuộc như máu thịt trong tiềm thức của anh.

  • Lê Việt Liên

(Viện Nghiên cứu Văn hoá).

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Hùng Vương: Sẽ là biểu tượng của thời đại mới  (29/09/2008)
Huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn ở Cây Dừa  (20/08/2008)
Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn  (19/08/2008)
Đến “Đất võ” hoài niệm “áo vải dựng cơ đồ”  (29/07/2008)
Bên dòng sông Kôn  (08/07/2008)
Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (01/07/2008)
Những nghiên cứu thú vị về Hoàng đế Quang Trung  (09/06/2008)
Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải  (29/05/2008)
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (03/05/2008)
Một biểu tượng đặc biệt của Việt Nam  (11/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (08/04/2008)
Ngạc nhiên cùng Hầm Hô  (13/03/2008)
Một thoáng Xuân Quơn xưa  (23/02/2008)