|
Chuồng cọp kẽm gai dùng tra tấn tù nhân tại Nhà tù Phú Quốc |
“Xác ai ngã xuống đất này, cho hoa dân tộc ngày ngày xinh tươi…”. Câu kinh cất lên trong giờ phút thiêng liêng, thắm tình tri ân tại Đại lễ cầu siêu do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trên hòn đảo ngọc Phú Quốc tối 20.12 – mở đầu cho các nghi thức tưởng nhớ đến hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trong đòn roi, tù đày của quân địch hơn 35 năm trước. Nỗi đau mất mát trong chiến tranh với hàng triệu người con Việt ngã xuống nhắc nhớ mỗi chúng ta hôm nay không được quên…
Ký ức bi tráng hơn 30 năm trước được tái hiện lại trong không khí ấm áp, tri ân với những nghi thức thật cảm động nhớ về hơn 1.000 anh linh các anh hùng liệt sĩ vừa được khai quật trong các hố chôn tập thể tại nhà tù Phú Quốc.
Sự trở về của các anh, các chị hôm nay giữa vòng tay và lòng ngưỡng vọng và tri ân của hàng ngàn người con đại diện cho khắp các địa phương trong cả nước có mặt trong buổi lễ. Tất cả đều có chung một cảm xúc ấm áp và linh thiêng giữa lòng đất đảo Phú Quốc - đón hương linh các anh về với đồng đội, quê hương. Dù muộn, nhưng ngày trở về của các anh, các chị hôm nay giữa lòng dân tộc trong tinh thần tri ân, báo ân của đạo lý người Việt Nam.
Có mặt tại buổi lễ từ rất sớm, 46 cựu tù vượt ngục thuộc Ban liên lạc cựu tù vượt ngục Phú Quốc đứng lặng bên di hài của các anh - mà ai nấy không nói được câu nào.
Ông Vương Chí Dũng, nghẹn ngào, kể: “Trong hơn 400 anh em vượt ngục năm 1969, nhiều người nằm lại đây, giờ không biết tên tuổi, quê quán, đơn vị nào. Ngày đó, chúng tôi cũng nhiều lần được chứng kiến địch bắt được anh em vượt ngục, bọn cai ngục sau khi sát hại, đã đem xác phơi trên hàng rào kẽm gai trại giam vài ngày. Sau đó thì đem đi đâu không biết. Nhớ lại, thật đau thương quá”.
Ông Nguyễn Hoàng Vân – một cựu tù Phú Quốc, người đã chứng kiến cảnh thảm sát 142 tù binh ở Trại giam A1, kể lại: “Một lần anh em đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Khu B8 thì bị địch đàn áp. Trong lúc xô xát, anh em tù bắt được 2 tên quân cảnh làm tin. Nhân cớ đó, địch đem súng xả vào hàng ngũ, máu chảy tràn sân trại”.
Nhìn những di hài lặng lẽ trước Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phú Quốc, ông Vân và nhiều đồng đội của mình cứ một mực quả quyết, có thằng Minh, thằng Hà Quảng Trị, thằng Đực Cà Mau trong đó…
Còn chị Lưu Thị Thanh An, quê Cai Lậy (Tiền Giang) nghe tin cất bốc hài cốt cựu tù, cũng tìm cách ra Phú Quốc để nhận mặt anh trai Lưu Minh Quang của mình. Chị cứ lặng người đi quanh những di hài nhẩm đọc tên người thân mà không sao cầm được nước mắt. Đau thương thay cho ngày trở về của các anh, các chị hôm nay phần lớn chỉ là những nắm đất không nguyên hình hài, không tên tuổi…
Có mặt tại đại lễ cầu siêu còn có rất nhiều thân nhân, đồng đội của những người đã ngã xuống hôm qua và ai cũng muốn góp một lời kinh nguyện cầu, thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ đến anh linh của các anh hùng liệt sĩ.
Trong bài phát biểu mở đầu nghi thức cầu siêu, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuyên đọc: “Tri ân, báo ân những anh linh vị quốc vong thân là tinh thần và đạo lý của mỗi người dân Việt Nam. Đó còn là tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” mà thế hệ hôm nay không được phép quên. Nhớ về nỗi đau mất mát và hy sinh của bao người con Việt ngã xuống hôm qua cho hoà bình hạnh phúc hôm nay để nhắc nhớ nhau cùng đoàn kết chung lòng xây dựng Tổ quốc ta mãi trường tồn…”.
Có mặt tại Đại lễ cầu siêu, dù là người có đạo hay không có đạo, nhưng trên tay mỗi người đều cầm một nén nhang và nhẩm đọc lời kinh cầu mỗi khi vị hoà thượng chủ lễ gióng lên hồi chuông. Lời kinh cầu hôm nay còn mang ý nguyện của mỗi người con Việt mong sao đất nước được sống trong hạnh phúc, ấm no.
Kết thúc phần nghi thức tưởng niệm, 3.000 ngọn nến được thắp lên, chuyền tay nhau đặt lên từng phần mộ trong nghĩa trang. Lần lượt, từng hàng người nối đuôi nhau toả ra các phần mộ thắp lên ngọn lửa lòng nhớ về những người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Cả không gian trên ngọn núi Dương Đông lung linh một sắc màu huyền ảo, hoà vào tiếng sóng biển dạt dào.
Hơn 30 năm qua mặc dù thi thể của các anh hùng liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc bị chôn vùi trong lòng đất nhưng ngày trở về của các anh, các chị hôm nay trong sự tri ân, ghi nhớ công ơn của cả dân tộc.
. Theo SGGP |