Trong nhiều thế kỷ đất ba tỉnh Bình-Trị-Thiên ngày nay là vùng tranh chấp, vùng chiến sự giữa hai quốc gia láng giềng Việt - Chiêm. Vào năm 1069 người Việt thu hồi được đất các châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh - thuộc tỉnh Quảng Bình về phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Ấy là do quân Chiêm Thành đánh ra Đại Việt. Quốc Vương Chế Cũ bị bắt, phải nhường đất Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để đổi mạng. Tình sử Chế Mân - Huyền Trân đã biến biên giới phía nam châu Lý thành một biên giới hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Chiêm, biến dân tộc Chiêm Thành trở thành một dân tộc anh em cùng sát cánh Đại Việt chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3. Cuộc hôn nhân Chế Mân - Huyền Trân tạo ra một thời kỳ hoà bình và phát triển trên nhiều lĩnh vực ở vùng Ô, Lý - Thuận Hoá.
|
Trung tâm Văn hoá Huyền Trân ở TP Huế
|
Tình sử Huyền Trân mở ra một thời kỳ mới về giao lưu kinh tế, văn hoá. Người Việt và người Chiêm cùng lao động sản xuất, trao đổi sản phẩm, hát hò vui vẻ khi hai bên sống hoà thuận. Họ chung sống với nhau “trên bến dưới thuyền” như những chợ trời biên giới thời mở cửa. Khi giữa hai đất nước là hận thù dân tộc thì trên một vùng biên ải, giống như sông Gianh thời Trịnh Nguyễn, sông Bến Hải thời kỳ 1954-1973, mà dọc đôi bờ đều đằng đằng sát khí với hệ thống đồn bốt và những cuộc hành quân, tuần tra biên phòng... thì mọi cuộc giao lưu văn hoá không thể diễn ra. Vì vậy, cuộc tình Chế Mân - Huyền Trân tạo được một khoảng thời gian để hai dân tộc chung sống thân thiện trong tình thông gia và diễn ra sự giao lưu giữa hai nền văn hoá Việt - Chiêm làm tiền đề nẩy sinh những giá trị mới mà thành quả rõ ràng nhất là các giá trị văn hoá Huế. Địa bàn Huế mãi cho đến ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều yếu tố pha trộn của nền văn hoá Chămpa. Văn hoá Đại Việt du nhập đến vùng đất này kể từ đó cũng không còn giữ được bản sắc của mình mà dần dần nó khác đi với tính chất nguyên thuỷ. Rõ ràng nhất là lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật; như Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét: Sau nhiều thế kỷ giao lưu, âm nhạc Huế đã nhuốm mùi Chàm? Thành quả hoàn hảo nhất của cuộc giao lưu văn hoá này là ca Huế, hò Huế. Sau khoảng hai thế kỷ người Việt vào khai phá vùng “Ô Châu ác địa” đã trở thành một vùng đất trù phú. Thế kỷ XVI, trong Ô Châu cận lục, Tiến sĩ Dương Văn An miêu tả Thuận Hoá là đất địa linh nhân kiệt; một vùng đất khá giàu và đẹp; về văn hoá, phong tục đã có lắm nét độc đáo riêng: “... Từ sau khi nhà Trần, nhà Hồ cho dân di cư đến thì tiếng nói hơi giống miền Hoan Diễn, phong tục có khác người Chiêm Thành, trình độ tiến hoá đã có cơ ngang với Trung Quốc...”.
Nhưng cũng chính vì thế mà nhân dân vùng Thuận Quảng và giới quý tộc ở phía bắc có thái độ mâu thuẫn nhau về cuộc hôn nhân này. ở Kinh thành Thăng Long, dư luận trong triều ngoài nội đều không đồng tình với đám cưới Việt - Chiêm này. Với tư tưởng “nước lớn” và tư tưởng kỳ thị chủng tộc các Nho thần đã hạ thấp vai trò, vị trí của Huyền Trân; họ ví nàng như Chiêu Quân cống Hồ thời nhà Hán. Có người còn lên tiếng bàn lùi, chấp nhận sự bội ước. Có người làm thơ mỉa mai truyền trong dân gian: “Tiếc thay cây quế giữa rừng/Để cho thằng mán thằng mường nó leo...”. Trong khi đó khắp nơi trên mảnh đất châu Ô, châu Lý vào đến bắc sông Thu Bồn người người đều biết ơn Huyền Trân; nhân dân nhiều nơi lập miếu thờ Huyền Trân Công Chúa, gọi là miếu thờ "bà Chúa Ngọc", từ trong sâu thẳm của mỗi tấm lòng, người ta coi bà như là “Người mẹ Xứ sở”.
Có điều, sự nghiệp mở nước của vua Trần Nhân Tông chưa được lịch sử xem xét đầy đủ, chưa được đánh giá cao như sự nghiệp giữ nước. Sau khi hoàn thành đại nghiệp chống ngoại xâm, thiết lập được mối quan hệ thân thiện với các nước cận, Trần Nhân Tông xuất gia (1229), mở ra một sự nghiệp mới: Khai sáng tuệ giác dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam. Đây là dòng thiền nhập thế tích cực, dung hợp được ba dòng triết lý Nho-Phật-Lão để quy tụ lòng người vào mục đích cao cả: xây dựng nền tảng tư tưởng - văn hoá để giữ yên nội trị, bảo vệ nền hoà bình - độc lập của quốc gia.
Không ngờ ông còn làm được nhiều hơn thế nữa. Năm 1301 Phật hoàng Trần Nhân Tông khoác cà sa nam du, tạo mối quan hệ láng giềng, đặt nền móng cho việc sát nhập hai châu Ô và Lý vào Đại Việt. Trong thời gian làm thượng khách của Chiêm quốc vị hoàng đế thấu đời đạt đạo này đã hứa gả người con gái duy nhất của mình là công chúa Huyền Trân, lúc đó mới 15 tuổi, cho Chế Mân. Vua Chiêm sai Chế Bồ Đài và hơn một trăm người đem vàng bạc, hương quý vật lạ sang Đại Việt xin cầu hôn. Tháng 6 năm 1306, Chế Mân lại xin dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ. Những sử liệu này khẳng định tình sử Chế Mân - Huyền Trân và món quà sính lễ “vuông ngàn dặm” là một sự tự nguyện của triều đình Chiêm Thành trên cơ sở xuất phát từ lợi ích của cả hai dân tộc, chứ không phải là do sức ép từ thanh thế của Đại Việt sau chiến thắng lẫy lừng đế quốc Nguyên Mông nay dùng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Kể từ đó xứ Thuận Hoá đã trở thành đất phên dậu, thành bàn đạp để dân tộc Việt mở rộng lãnh thổ về phía nam. Chưa đầy trăm năm sau đất đai của nhà Hồ đã vào đến Quảng Ngãi, thời Lê Thánh Tông biên giới Đại Việt mở rộng đến Phú Yên, Khánh Hoà. Lục tỉnh Nam Bộ trù phú là nhờ công lao khai phá của các chúa Nguyễn, có công lao vô cùng lớn của công chúa Ngọc Vạn khi bà được tấn phong hoàng hậu Thuỷ Chân Lạp.
Có thể nói trong chuyến hoằng pháp về phương nam Phật hoàng Trần Nhân Tông yên được lòng người Chiêm Thành, đã khiến họ tâm phục khẩu phục, mở ra một giai đoạn quan hệ tốt đẹp nhất giữa hai đất nước Việt – Chiêm. Từ đó cũng nên xem xét lại thật hư chuyện Trần Khắc Chung cướp lại Huyền Trân Công Chúa trước ngày lên giàn hoả thiêu sao mà dễ dàng như những ghi chép của các sử gia đời sau? Nói Trần Khắc chung thuyết phục cho Huyền Trân ra bờ biển làm lễ chiêu hồn rồi dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về là quá coi thường các công việc liên quan đến nghi lễ, cảnh vệ; và quá xem thường lực lượng thuỷ quân Chiêm Thành mà kinh đô của họ chính là nơi tuyển chọn thuỷ thủ và là nơi xuất phát của đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn sau này? Phải chăng ở đây có sự thoả thuận của (toàn thể) triều đình Chiêm Thành sau nhiều cuộc thương thuyết? Hay là có vai trò giúp sức của một thế lực trong triều vì quyết giữ mối tình hoà hiếu giữa hai dân tộc do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dốc lòng vun đắp?
Chủ trương chiến lược đổi sắc đẹp lấy đất đai nằm trong đường lối chính trị – ngoại giao, của Thượng hoàng - Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Ông là người phản đối, không cho nhà Nguyên mượn đường sang xâm lược Chiêm Thành. Ông là vị chỉ huy quân dân Đại Việt trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ông đã từng gửi 500 chiến thuyền và 2 vạn quân sĩ chi viện để cùng quốc gia láng giềng xây dựng phòng tuyến ngăn chặn kẻ thù tấn công từ đất Chiêm Thành ra Bố Chính (Quảng Bình) và Hoan Châu (Nghệ An), ái Châu (Thanh Hoá). Có nghĩa là ngay từ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất và lần thứ hai vua Trần Nhân Tông đã nghĩ tới việc phải lấy châu Ô và châu Lý làm phên dậu cho Đại Việt.
|