Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê
13:56', 4/2/ 2008 (GMT+7)

TS Mai Liêm Trực

Vừa qua, nhân dịp về thăm quê hương, Tiến sĩ (TS) Mai Liêm Trực đã đến thăm cán bộ, phóng viên Bình Định Điện tử. Nhắc đến ông là nói đến dòng họ Mai ở Tam Quan (Hoài Nhơn) - một trong những dòng họ được nhiều người biết đến với 3 anh em ruột đều mang “hàm thượng thư”. Đó là các ông: Mai Kỷ (nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số); Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá VN); Mai Ái Trực (nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT). Trong đó, ông Mai Liêm Trực được biết đến như một “ngôi sao khuê tỏa sáng”…

Người con liêm trực

Ông Mai Liêm Trực sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân phụ của ông là cụ Mai Cù, nguyên Trưởng ty Tài chính Bình Định thời kháng chiến chống Pháp. Vợ chồng cụ Mai Cù sinh hạ được 8 người con. Theo ông Mai Kỷ, cái tên Mai Kỷ là do ông nội ông đặt, với mong muốn sau này ông trở thành con người kỷ cương. Riêng 5 em trai sau của gia đình họ Mai đều do thân phụ đặt tên. Cách đặt tên của cụ Mai Cù là tất cả 5 anh em đều lấy tên là Trực, chỉ khác tên lót. Mục đích ông nội và thân phụ của các ông đặt tên như vậy là mong các con cháu ai cũng giữ gìn kỷ cương, liêm trực, mực thước, thẳng thắn.

Năm 1954, cụ Mai Cù đi tập kết ra Bắc. Ông Mai Kỷ nhớ lại: Ngày lên đường đi tập kết, ông cụ thân sinh hỏi vợ “bây giờ đứa nào theo cha?”. Cụ bà nuốt nước mắt rồi chỉ vào cậu bé Mai Liêm Trực “để nó theo ông!”. Và, cái tên Mai Liêm Trực đã gắn chặt với cuộc đời và sự nghiệp của ông từ đó.

Nói về người em trai của mình, ông Mai Kỷ không ngần ngại nhận xét: “chú ấy thông minh và thẳng thắn, y như cái tên mà cha tôi đã đặt cho”. Sau này, khi đã làm Tổng cục trưởng Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính - Viễn thông), các đồng nghiệp và cấp dưới của ông Mai Liêm Trực đều thừa nhận ông là người dễ gần, có chuyên môn sâu, và luôn khẳng khái, cương trực. Trong căn nhà của ông ở Hà Nội luôn giản dị, treo bức chân dung của Bác Hồ với lời dặn dò ngành BC-VT: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng vì nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.

Trong một lần giao lưu trực tuyến với bạn đọc của VnExpress, có người hỏi ông Mai Liêm Trực khá “cắc cớ” rằng: “Giả sử một ngày nào đó, cả hai máy điện thoại của ông cùng đổ chuông một lúc, một máy thì hiển thị số của Bộ Bưu chính - Viễn thông, máy còn lại của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (khi đó ông Mai Liêm Trực làm Chủ tịch Liên đoàn), ông biết chắc rằng cả hai nơi đều có việc quan trọng cần giải quyết. Ông  sẽ nghe máy nào trước?”. Ông Mai Liêm Trực đã thẳng thắn trả lời: “Tôi có thói quen là cầm máy lên là nghe ngay, không nhìn là số nào, nhưng sẽ hỏi ngay người ở đầu dây kia có việc gì gấp không, tôi đang có máy thứ hai. Nếu đó là việc gấp thì tôi sẽ giải quyết và yêu cầu máy kia chờ”.

Và nhiều người còn nhớ, năm 2002, trước khi Tổng cục Bưu điện được nâng lên thành Bộ BC-VT, ai cũng nghĩ chức bộ trưởng phải thuộc về ông Mai Liêm Trực. Thế nhưng, chính ông là người xin rút, để rồi vị trí ấy thuộc về ông Đỗ Trung Tá. Một lần cấp trên gọi ông Trực lên hỏi: “Bây giờ ý anh thế nào, có muốn chuyển đi đâu không?”. Lập tức ông trả lời ngay: “Tôi cũng đã có tuổi rồi nên chẳng ham hố gì, anh cứ để tôi ở lại làm phó cho anh Tá cũng được”. Thế rồi, sau đó ông làm Thứ trưởng thường trực Bộ BC-VT, còn ông Tá làm Bộ trưởng, dù trước đó ông vẫn luôn là cấp trên của ông Tá. “Đấy, tính nó là thế, cái gì cũng thẳng băng, luôn cống hiến hết mình. Chứ cứ như người ta mà thế thì phải ấm ức, hậm hực lắm!” - ông Mai Kỷ nhận xét.

 

TS Mai Liêm Trực (thứ 4, từ phải qua) nhận Giải thưởng Sao Khuê

 

Một ngôi sao khuê

Năm 1954, cụ Mai Cù đi tập kết, từ đó gia đình họ Mai luôn phải sống trong cảnh ly tán: Hai ông Mai Kỷ và Mai Liêm Trực cùng với thân phụ ở miền Bắc, còn 6 người con nhỏ ở lại với mẹ ở Bình Định. Tuy nhiên, vốn thông minh, lại có chí, ngay từ nhỏ cậu bé Mai Liêm Trực đã là một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Khi mới theo cha tập kết Bắc, Mai Liêm Trực được vào học tại một trường chuyên ở Quảng Ninh. Học xong cấp III (PTTH ngày nay), ông được cử đi học đại học chuyên ngành điện tử ở CHDC Đức. Ông học rất giỏi và chơi thể thao cũng rất cừ, nhất là bóng đá. Có lần, ông Mai Liêm Trực kể: “Bấy giờ, Đội tuyển sinh viên Việt Nam tại Đức đã thi đấu hữu nghị và thắng đội hạng 2 của thành phố Magdeburg tại trại hè năm 1968. Toàn bộ trại hè sinh viên Việt Nam rất vui mừng với kết quả này. Tôi đã đá trung phong và ghi được một bàn thắng”.

Tốt nghiệp đại học, ông Mai Liêm Trực tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ ngành kỹ thuật thông tin liên lạc tại Đại học Kỹ thuật Dresden. Trở về nước, ông trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi của ngành BC-VT của Việt Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, ông nổi tiếng là người có thể đọc và nói thông thạo đến 5 ngoại ngữ. Hầu hết các chuyên gia nước ngoài khi nghe ông nói chuyện bằng tiếng Anh đều phải trầm trồ. Khi được hỏi kinh nghiệm nào đã giúp ông thành thạo tới 5 ngoại ngữ, ông không ngần ngại chia sẻ: “Kinh nghiệm quan trọng nhất là nghe nhiều (như nghe đài, chương trình nước ngoài) và khi có điều kiện phải mạnh dạn nói. Mình nói ngoại ngữ không thành thạo thì không có gì xấu hổ. Chỉ có tiếng Đức tôi học bài bản, còn những ngôn ngữ khác chủ yếu tôi tự học”.

Điều đáng nói, ông Mai Liêm Trực còn nổi tiếng là một chuyên gia hàng đầu của ngành BC-VT, đã có công lớn trong việc định hướng hiện đại hóa mạng lưới viễn thông Việt Nam và đưa ngành BC-VT nước ta đuổi kịp bước phát triển của các nước trong khu vực. Với những cống hiến lớn lao này, tại lễ trao Giải Sao Khuê dành cho các đơn vị, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành công nghệ phần mềm, công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, ông Mai Liêm Trực là cá nhân duy nhất được tôn vinh và trao giải thưởng Sao Khuê về lĩnh vực hoạch định và thi hành chính sách. Tại lễ trao giải, ông nói như tâm sự: “Tôi thấy vui và mừng lắm. Các bạn thấy đấy, cách đây 5 năm, còn có sự nghi ngờ về khả năng phát triển về phần mềm, CNTT của Việt Nam. Nhưng bây giờ, tôi tin là không còn ai nghĩ như vậy nữa”.

 

TS Mai Liêm Trực (thứ 5 bên phải qua, người đứng bên trái ông là ông Đỗ Nguyên Hùng, Tổng biên tập Báo Bình Định) thăm Báo Bình Định điện tử. Ảnh: NP

 

Cầu thủ biết rời sân cỏ đúng lúc

Từng là Thứ trưởng Thường trực Bộ BC-VT, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam… bỗng dưng người ta thấy ông Mai Liêm Trực lần lượt… “giã từ sân cỏ”. Có lần, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá cao vai trò Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam của ông Mai Liêm Trực: “Tôi đánh giá rất cao ông Trực, đặc biệt với việc tổ chức được đại hội khóa 5, mà theo tôi, là chưa có tổ chức xã hội nào tổ chức được một đại hội có tính dân chủ cao như thế”. Vậy nhưng, sau đó ông đã quyết định xin nghỉ. Lý giải về việc rút khỏi chức Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, ông Mai Liêm Trực cho biết: “Vì gia đình, đã đến lúc tôi cần phải nghỉ ngơi”.

Sau khi nghỉ hưu, ông Mai Liêm Trực đã nhận lời làm Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh Iqlinks. Tại lễ ra mắt công ty, ông tâm sự: “BC-VT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Chúng ta đã có nhiều thiết bị công nghệ hiện đại… phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; nhưng vẫn không tránh khỏi những hạn chế về CNTT tại các địa phương. Công ty Qualcomm là đối tác lớn, phía Việt Nam cần uy tín, kinh nghiệm và trí tuệ. Công ty Qualcomm ra đời là nhằm khắc phục những hạn chế đó”. Tuy nhiên, ông Mai Liêm Trực cũng đặt điều kiện “Khi IQlinks đứng vững thì mình sẽ rút”. Và ông đã thực hiện đúng như vậy. Không ít người ngỡ ngàng không hiểu vì sao IQlinks đang trên đà phát triển mà ông Mai Liêm Trực lại xin rút lui. Lý giải về về vấn đề này, ông Mai Liêm Trực cho biết: “Giống như chơi bóng đá, tôi rời sân cỏ khi khán giả còn luyến tiếc. Tôi cho rằng, chúng ta nên tạo cơ hội cho thế hệ trẻ. Những cây đa, cây đề rất đáng quý nhưng cũng cần vun xới cho mảnh đất đâm chồi nẩy lộc. Chúng ta không thể thiếu cây đa, cây đề, nhưng dưới bóng cây đa, cây đề, đến cỏ cũng không mọc được” - ông hóm hỉnh nói.

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)
Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến  (11/01/2008)
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”  (25/12/2007)
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.   (19/11/2007)
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)
Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo  (29/07/2007)
Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá  (24/07/2007)
Bà chúa trầm hương  (23/07/2007)