Giả thuyết về mộ Quang Trung Hoàng đế tại Bình Thuận:
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám
20:49', 20/2/ 2008 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

Chỉ cách nơi được coi là lăng mộ của vua Quang Trung không xa lại có ngôi mộ của một thái giám, trong khi Bình Thuận chỉ là một phủ. Còn các thái giám đều sống và khi qua đời đều được chôn ở kinh thành.

Trong hành trình 16 năm lần theo giả thuyết tìm mộ Quang Trung Hoàng đế tại Bình Thuận, cô giáo Minh Liêm đã tìm ra nơi đồn đại có ấn tín của nhà Tây Sơn tại Bình Thuận.

 

Cổng vào ngôi mộ thần thái giám.

 

Hành trình dang dở

Theo bà Võ Thị Tuyết Hiếu - chị song sinh của bà Võ Thị Minh Liêm thì trước ngày mất, bà Liêm nhận được thông tin có một ngôi đình tại Vĩnh Hảo, Tuy Phong (Bình Thuận) hiện đang giữ một ấn tín nhà Tây Sơn. Ấn tín này được đúc năm 1791, tức một năm trước khi Quang Trung Hoàng đế qua đời do một đội cấm quân nhà Tây Sơn giữ. Ngay lập tức bà Liêm từ TP.HCM về Hàm Thắng và ra Tuy Phong.

Mấy ngày sau trở về, bà Liêm buồn bã kể với người chị rằng người cho là đang giữ ấn tín kiên quyết không cho xem hoặc mô tả gì để bà ghi chép lại. Sau đó, trước sự kiên trì thuyết phục của bà Liêm, người này cho biết rằng cha ông của ông ta kể lại ấn tín nhà Tây Sơn đã được chôn đâu đó trên vùng đất Vĩnh Hảo! Chính chi tiết này đã làm bà Minh Liêm nhen nhóm lên hy vọng và bỏ công tìm hiểu về đội cấm quân nhà Tây Sơn hoạt động trên vùng đất Bình Thuận. Tuy nhiên, căn bệnh hiểm nghèo đã không cho bà còn cơ hội và cướp đi hoài bão cùng với niềm tin mãnh liệt của bà về lăng mộ Quang Trung Hoàng đế tại Bình Thuận.

Theo lời chỉ dẫn của người thầy dạy sử của bà Minh Liêm, chúng tôi tìm đến được ngôi mộ của một vị thái giám. Đáng nói là ngôi mộ này nằm cách nơi giả thuyết có mộ vua Quang Trung chỉ non cây số. Bình Thuận chỉ là đơn vị hành chính cấp phủ, trong khi các thái giám (là người được tuyển để phục vụ trong tam cung lục viện và khi mất thường được chôn chung trong một nghĩa trang ở kinh đô như nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu (tây nam thành phố Huế).

Chính vì chưa giải thích được vấn đề trên nên rất nhiều người ở Bình Thuận vẫn nghĩ rằng ngôi mộ vị thái giám đã tạo thêm một cơ sở nữa để khẳng định mộ vua Quang Trung được chôn bí mật đâu đó tại đây. Có một đồn đại rằng vị thái giám này cưỡi ngựa theo phò di hài vua Quang Trung xuôi vào Bình Thuận, đến Phú Thiện Xuân (một địa danh thuộc huyện Hàm Thuận Bắc gọi như tên Phú Xuân mà vua Quang Trung đóng đô trước đây) thì bị truy sát, chặt đứt đầu. Con ngựa bạch dù kiệt sức vẫn chở vị thái giám mất đầu chạy đến đây, trước là làng Sơn Thủy, xã Sơn Hải thì ngã quỵ. Từ đó những người dân địa phương sau khi chôn cất cho vị thái giám còn đúc một con ngựa bạch to như ngựa thật nằm phủ phục, đầu hướng về ngôi mộ (?).

 

Con ngựa được đúc to bằng ngựa thật phủ phục, đầu hướng về phía mộ vị thái giám.

 

"Mả ông vua"

Một ngôi mộ khác ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc cũng được nhiều người tin rằng đó mới chính là mộ của Quang Trung Hoàng đế. Trước đây, bà Minh Liêm cũng đã khảo sát ngôi mộ này. Theo đó, hoàng hậu Ngọc Hân do sợ triều Nguyễn trả thù nên không thể đặt bức tượng cạnh mộ vua được vì như thế chẳng khác gì "lạy ông tôi ở bụi này". Do sự bí mật nên mộ vua phải được an táng kín đáo trong khu rừng già và phải cách xa biển và các khu dân cư.

"Mả ông vua" được người dân ở Hàm Thắng truyền miệng nhau qua nhiều đời nay. Do cách phát âm nên gọi trại thành "mả ông Duông". Cái duy nhất để biết đây là ngôi mộ cổ chỉ là một cọc gỗ đã bị thời gian bào mòn và bám đầy rong rêu. Cây cột gỗ được chạm trổ khá sắc nét và có các "ngàm" dùng để ráp các "xiên", "trính" như làm nhà gỗ vòng quanh ngôi mộ. Điểm đặc biệt là trên mộ mọc một loại cỏ khá lạ mà theo nhiều người dân sống gần đó cho biết trâu, bò không dám đến gần! Quả thật, loại cỏ trên mộ là cỏ khá lạ mà chúng tôi đã chia nhau tìm quanh đó đến đỏ mắt vẫn không thấy. Lá cỏ mọc cách, hình lưỡi mác, rất bén nên trâu, bò không thể ăn được. Bà Tư nhà sát bên "mả ông Duông" cho biết ngôi mộ này đã tồn tại từ trước khi bà dọn nhà về ở. Dù chưa rõ xuất xứ nhưng mỗi năm đến dịp Thanh minh nhiều người dân địa phương cũng đến thắp nhang cúng kính. Tuy nhiên hiện nay do thời gian, ngôi mộ gần như bằng phẳng và vật chứng duy nhất chỉ là cây cột gỗ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt.

Loạt bài này chỉ nêu lên một giả thuyết mới về di hài của Quang Trung Hoàng đế, cần được các sử gia, các nhà chuyên môn có một khảo sát toàn diện. Có thể không tìm được di hài của vua Quang Trung thì cuộc khảo sát cũng mang lại các tài liệu khảo cổ đối với các ngôi mộ cổ và những kiến thức mới về lịch sử của vùng đất Bình Thuận. Nhiều người lo ngại khả năng cây cột gỗ tại "mả ông Duông" cũng sẽ biến mất như bức tượng võ tướng ở Phú Hài thì thật là đáng tiếc.

. Theo Phương Nam/PL.TPHCM

Từ năm 1928, một học giả người Pháp ở Huế là L. Cadière, chủ bút tập san "Đô thành hiếu cổ", đã đặt vấn đề về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở lăng Ba Vành thuộc làng Cư Chánh, Huế. Đến năm 1941, ông Nguyễn Thiệu Lâu - giáo viên sử trường Quốc học Huế cũng khẳng định lăng Ba Vành chính là mộ Hoàng đế Quang Trung. Đến năm 1974, có một đoàn khảo sát lăng Ba Vành với kết luận: Lăng Ba Vành không phải là mộ Quang Trung.

Sau năm 1975, ông Nguyễn Hữu Đính, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP Huế, sau khi nghiên cứu đã khẳng định: Lăng Ba Vành được triều Tây Sơn ngụy trang để phòng nguy cơ Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, tàn phá lăng mộ Nguyễn Huệ để trả thù.

Năm 1987, ông Trần Viết Điền (trường ĐHSP Huế) lại cho rằng lăng Ba Vành chính là lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung. Thế nhưng giả thuyết này bị bác bỏ vì theo giới sử học thì lăng Ba Vành là của Ý đức hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát, chết vào đầu năm 1746.

Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại đưa ra một giả thuyết hoàn toàn mới. Theo ông, vị trí phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và cung điện Đan Dương sau này chính là Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung. Còn bà Võ Thị Minh Liêm lại cho rằng lăng mộ vua Quang Trung chắc chắn nằm ở vùng đất Hàm Thắng hoặc Phú Hài, Bình Thuận. Ngoài ra còn có hàng loạt giả thuyết khác của rất nhiều người nữa...

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)
Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công  (15/02/2008)
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê  (04/02/2008)
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)
Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến  (11/01/2008)
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”  (25/12/2007)
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.   (19/11/2007)
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)
Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?  (01/08/2007)