Một thoáng Xuân Quơn xưa
10:0', 23/2/ 2008 (GMT+7)

* Ghi chép của Huỳnh Kim Bửu

Quy Nhơn xưa có các làng Cẩm Thượng, Xuân Quơn… là những làng trong nội thành. Làng Cẩm Thượng có phố người Việt, người Hoa, người Ấn Độ chuyên buôn bán; còn Xuân Quơn là làng nông nghiệp, chuyên trồng rau và trồng lúa. Giữa phố thị nhộn nhịp, có một làng quê êm đềm đến thế...

 

Một góc TP Quy Nhơn hôm nay.

 

Từ Công viên Quang Trung ngày nay, đi theo đường Lý Thường Kiệt, rồi tiếp đường Nguyễn Thái Học, được chừng 1km, là du khách tới khu vực 8, phường Ngô Mây, tức đã đến đầu địa phận làng Xuân Quơn xưa. Từ đó, đường Nguyễn Thái Học chạy suốt chiều dài làng Xuân Quơn. Con đường này, xưa là đường đất, chưa có phố, có nhà, chạy giữa động cát. Tới mùa gió Nam thổi, cát bay lấp đường. Người đi xe đạp thường phải xuống xe, dắt. Làng phong cảnh hữu tình: có núi, có đèo (núi Vũng Chua ở phía Nam, Bà Hỏa phía Bắc, đèo Son trên núi Bà Hỏa nối Nam làng với Bắc làng, ra tới Cầu Đôi); có đầm, có sông (đầm Phú Hòa, sông Phú Hòa ở phía Tây, bàu sen ở phía Bắc thuộc làng Cẩm Thượng); có động cát vàng chạy tới giáp bãi biển khu 2; có gió nồm rộ từ biển thổi vào, từ Cầu Đôi thổi tới, có trăng rải bốn bề những đêm rằm.

Làng Xuân Quơn có hai xóm: xóm Rộc và xóm Tiêu. Hai xóm cách nhau một quãng đồng. Đình làng nằm ở xóm Rộc. Đình đẹp và cổ kính, với mái ngói âm dương và những hàng trụ biểu rêu phong, nên ai đi qua cũng nhìn ngắm. Đình nay không còn. Làng có lũy tre bao bọc, đường trong làng phẳng phiu cát mịn, các ngõ xóm quanh co. Nhà cửa của người làng Xuân Quơn, phần lớn là nhà tranh vách đất, có xen vài nhà gạch, nhà lá mái của các hộ khá giả. Đêm về, nhà nghèo thắp ngọn đèn dầu leo lét, hình như để cho trông rõ những đàn đom đóm lập lòe ngoài sân, ngoài vườn. Cho tới cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Khu 6 (tên có từ thời kháng chiến chống Pháp), tức làng Xuân Quơn cũ, mới bắt đầu có điện.

Có cái tiếng là người thành phố, nhưng người Xuân Quơn không phải là những thị dân mà là những nông dân. Cánh đồng Xuân Quơn “ăn” nước sông Phú Hòa, suối Trầu, đầm Vũng Chua… Đồng làng có hai bậc: đồng sâu và đồng cao. Đồng sâu mầu mỡ, sát đầm Phú Hòa, người ta cấy lúa; đồng cao chân cát mịn, dùng để trồng rau. Nhiều nhà có vườn rộng, chuyên hẳn nghề trồng rau và cây ăn trái. Đồng cao thường thiếu nước vào mùa hè, cho nên người ta vẫn phải đào giếng ở giữa ruộng để lấy nước tưới. Phần lớn các gia đình ở Xuân Quơn đều chăn nuôi bò, vừa có sức kéo, vừa lấy phân bón cho lúa, cho rau… Chuồng bò thường cất gần nhà, tiện việc canh phòng kẻ trộm những lúc đêm hôm.

Rau Xuân Quơn là nguồn cung cấp chính cho Quy Nhơn trước năm 45 của thế kỷ trước. Thời đó, dân số Quy Nhơn khoảng chục ngàn người. Về sau dân số tăng, có nguồn rau “tăng cường” từ Đà Lạt. Khách du lịch đến với Quy Nhơn, nhiều người có cái thích đi tìm một bữa ăn ngon với rau Xuân Quơn. Anh ngồi ở một cửa tiệm, ăn bát phở tái hay tô bún giò, bún chả cá… chắc hẳn anh sẽ có được một bữa ăn ngon, nhờ một phần ở rau, ở cái hương vị thơm mát đặc biệt của lá xà lách, lá cải, cọng rau húng, cọng rau thơm… mọc trên đất Xuân Quơn. Anh còn có cái thú vào Xuân Quơn dạo làng, đi trên bờ những đám ruộng rau, ruộng lúa xanh rờn; vào những vườn rau, vườn cây ăn quả thâm u tĩnh lặng, ngắm cảnh và chuyện trò với người làm vườn… Vườn rau trải mình dưới nắng mai; vườn cây ăn trái mùa xuân đẫm hương xoài, hương bưởi, hương chanh… mùa hè lại lúc lỉu quả xanh non hay chín đỏ; sớm chiều lại ríu rít tiếng chim.

 

Một hộ gia đình ở làng Xuân Quơn xưa nay vẫn còn trụ lại với nghề trồng rau. Ảnh: H.K.B

 

Mỗi năm, Xuân Quơn có một mùa củ đậu (người địa phương vẫn gọi là sắn nước) vào tháng mười, tháng mười một âm lịch. Mùa củ đậu ngày ấy đối với học sinh vui như hội. Những nam, nữ học sinh các trường trung học trong thành phố, cứ trông tới ngày chủ nhật lại rủ nhau về Xuân Quơn picnic và mua củ đậu bày bán dọc đường. Ngày ấy, chúng tôi mua củ đậu, phần ăn tại chỗ, phần chất lên xe chở về làm quà. Dây củ đậu Xuân Quơn trồng đất cát, củ to, bóc vỏ, thấy “thịt” trắng ngần, ứa nước, muốn đưa lên miệng cắn ngay để tận hưởng một cuộc giải khát ngọt ngào.

Chợ giáp Tết Quy Nhơn bán đủ các loại gừng từ các nơi chở tới, nhưng đa số người mua vẫn thích gừng Xuân Quơn vì gừng vừa trắng, vừa ít xơ, mà cay lại không kém gừng nơi nào khác. Đã có một thành ngữ “Gừng Xuân Quơn” trong ngôn ngữ dân gian vùng Bình Định.

Người Pháp vẫn gọi Xuân Quơn là “Village de Légume” vì làng còn cung cấp hoa tươi. Hoa hồng, lay ơn, đồng tiền… được trồng nhiều từ khi giới công chức người Pháp đến ở đây đông. Sáng nào, họ cũng sai nhân viên, người giúp việc mua hoa tươi đem về cắm lục bình. Trong làng còn có độ vài chục hộ nuôi dê, thả trên núi Bà Hỏa. Có anh Bảy Chà Và râu quai nón sống ở làng Xuân Quơn hàng chục năm bằng nghề nuôi dê. Mỗi sáng, anh Bảy đi bán rong sữa dê nóng ấm vừa mới vắt trên các đường phố bán buôn sầm uất.

Đàn ông Xuân Quơn cày ruộng, cày vườn, kéo cộ xe, trồng lúa, trồng rau, trồng hoa… Đàn bà, con gái Xuân Quơn chăm bón cây lúa, cây rau, cây ăn trái, cây hoa; chiều về cắt rau, cắt hoa, hái quả, làm hàng để sáng hôm sau gánh ra các chợ, vừa bán sỉ vừa bán lẻ và bán rong trên phố. Chị hàng rau, quả vai tròn, ngực nở, lưng thon, bước chân thoăn thoắt mà miệng rao lảnh lót: “Rau cải, hành ngò, su… tươi, ngon đây…”. Cô hàng hoa là những thôn nữ xinh đẹp, giọng nói thanh tao, biết cười nụ, làm duyên. Nông dân Xuân Quơn hay lam hay làm mà cũng hay hát, hay chơi. Tháng giêng, tháng mười làng tổ chức hát đình, hát miễu Thanh Minh (theo lệ xuân kỳ, thu tế), kèm trò chơi kéo co, đô vật, bịt mắt bắt dê… Tháng bảy, các chùa Lộc Uyển,  Minh Tịnh làm lễ Vu lan, cho mọi người xem múa lục cúng trong sân chùa và phóng sanh đăng trên đầm Phú Hòa, trên biển khu 2. Mỗi khi tổ chức hát bội, bao giờ làng cũng rước bạn hát hay. Không Thông Cừu, Bầu Thơm cũng Bình An Ban…

 

Phong cảnh núi Bà Hỏa, đèo Son và hồ Phú Hòa giáp với làng Xuân Quơn xưa. Ảnh: H.L.C

 

Người Xuân Quơn tính tình hào hiệp. Học sinh Bình Định, học sinh mấy tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk… đến Quy Nhơn học Trường Collège de Quinhon, Trường Sư phạm, trường Kỹ thuật… không ít người ở trọ học trong làng Xuân Quơn. Chủ nhà sẵn lòng cho lớp lớp học sinh ở trọ học để vừa giúp đỡ “sĩ tử” vừa tìm bạn “đồng song” cho con em mình.

Ngày nay, cái tên làng Xuân Quơn chỉ còn trong ký ức lớp người Xuân Quơn cao tuổi. Làng Xuân Quơn cổ, nay một phần thuộc phường Quang Trung, một phần thuộc phường Ngô Mây đã được đô thị hóa. Trở lại Xuân Quơn xưa, đến thăm gia đình ngày xưa tôi trọ học, cụ Đoàn Phong (77 tuổi), cho tôi biết: “Từ lâu, người Xuân Quơn đã giải nghệ trồng rau, nhường nghề này cho làng Phú Hòa trên phường Nhơn Bình. Nay cả hai xóm cũ chỉ còn chừng 15 hộ theo nghề này, trong đó có hộ của tôi. Hai vợ chồng trăn qua trở lại mấy sào vườn. Nói cho phải, cây rau cũng nuôi người (cười), hai người cao tuổi và một thằng con bệnh tật!”.

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám  (20/02/2008)
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)
Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công  (15/02/2008)
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê  (04/02/2008)
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)
Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến  (11/01/2008)
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”  (25/12/2007)
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Người sáng lập chi bộ Hồng Lĩnh.   (19/11/2007)
Hỏi chuyện người 20 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung  (06/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Thăm lại nền mộ cũ cụ Mai  (04/10/2007)
Gian nan là nợ anh hùng phải vay  (03/09/2007)
Bản sắc phong cuối cùng của vua Quang Trung?  (18/08/2007)