|
Du khách thăm viếng, thắp hương tại Lăng mộ Vua Hùng. |
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là một biểu tượng đặc biệt của dân tộc Việt Nam! Trên thế giới không có quốc gia nào là không có người đứng đầu lập quốc, nhưng ngay những nước có nền văn minh sớm và có những viết ghi chép lại khá đầy đủ như: Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ… thì những ông vua có công đầu khai quốc không có được sự suy tôn và thờ tự đặc biệt như thời đại các Vua Hùng.
Ở Việt Nam, dấu tích về thời kỳ dựng nước đầu tiên còn in đậm ở khắp mọi miền đất nước, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người con Hồng – Lạc. Nhưng có thể nói, các chứng tích về thời Hùng Vương đậm đặc nhất chính là ở vùng đất Phú Thọ, đất cội nguồn dân tộc, nơi khai thiên lập quốc thời các Vua Hùng.
Nếu làm một cuộc hành hương dọc theo các triền sông, đi ngược sông Hồng lên chiến khu Hiền Lương sẽ thấy đền thờ bà Âu Cơ, nơi bà đem 50 người con đi mở đất khai hoang; đi dọc sông Đà lên thượng nguồn, chúng ta sẽ gặp đền Lăng Xương, nơi bà Âu Cơ về thăm quê ra sông hái đậu, đi dọc sông Lô ta sẽ đến đền Lâu Thượng, tương truyền là đất trồng trầu của Vua Hùng. Vùng Kim Đức là nơi Vua Hùng đi săn nghỉ trưa; Minh Nông, Minh Khai là nơi vua Hùng dạy dân trồng lúa, là kho chứa thóc của nhà vua. Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng) là nơi Vua Hùng cầu trời cho Thánh Gióng xuống giúp đánh tan giặc Ân xâm lược…
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng của người Việt cổ sống trên đất Phú Thọ cách ngày nay hơn một vạn năm ở văn hóa Sơn Vi (Lâm Thao). Những làng cổ đại cách đây từ 4.000 – 3.000 năm liên tục qua các di chỉ: Phùng Nguyên (Kinh Kệ, Lâm Thao); Gò Mun (Tứ Xã – Lâm Thao); Làng Cả (Tiên Cát – TP Việt Trì); Gò De (Thanh Đình – Việt Trì)… Nhiều hiện vật độc đáo được tìm thấy trong các di chỉ này như: Vuốt đồng; bộ khóa đai lưng có 8 con rùa; bộ qua đá… Đó là những hiện vật tiêu biểu của những thủ lĩnh dùng để thể hiện vai trò và vị trí của mình trước bộ tộc và bộ lạc. Có lẽ, những di vật đó đã được nâng cao thành cân đai, ấn kiếm của các vua chúa sau này?
Ngay trên núi Hùng đã tìm thấy 18 di vật có niên đại cách ngày nay trên dưới 4000 năm. Năm 1990, tại khu vực Đền Hùng đã tìm thấy một chiếc trống đồng loại H1, nhóm III, có đường kính lớn nhất Việt Nam.
Trên vùng đất Tổ ngày nay còn hàng trăm những câu chuyện truyền thuyết và thần thoại về thời các Vua Hùng, kể về những sự việc như: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, việc Vua Hùng chọn đất đóng đô, cầu tướng tài đánh giặc cứu nước, cầu mưa nắng, chọn người kế nghiệp, dạy dân cày cấy, trồng lúa, làm bánh, nấu mật, ca hát giao duyên… có thể nói, đi trên đất Phú Thọ, nghe kể chuyện thời các Vua Hùng, xem các di vật khảo cổ, dự các lễ hội dân gian… có thể hình dung được cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, vui chơi, ca hát và những phong tục của ông cha ta thời dựng nước.
Những dấu tích về việc thờ cúng thời Hùng Vương hiện nay còn được bảo lưu rõ nét ngay tại Đền Hùng. Trên đỉnh núi Hùng là nơi thờ thần núi, thờ phồn thực, sinh thực khí. Hòn đá cối xay tại núi Trọc lớn, cột đá tại Đền Thượng là di vật còn lại của những nghi thức cúng tế ấy. Ba ngọn núi: Đột Ngột Cao Sơn (ở giữa); Ất Sơn (bên phải); Viễn Sơn (bên trái), đó là tên ba quả núi cấm hiện gắn với 3 bài vị thờ tại các đền trên núi Hùng.
Dưới thời quốc gia độc lập tự chủ, từ thời Ngô, Đinh, tiền Lê các triều đại cho viết thần tích, ban sắc phong. Hiện ở Đền Hùng còn bản Ngọc phả Hùng Vương được viết vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470) và sao lại vào năm Hoằng Định nguyên niên (1600), trong đó ghi rõ:… “Hoằng triều ta chuẩn chi cung điện, miếu và lăng đăng cai là làng Trung Nghĩa được miễn tô thuế, tạp dịch để phụng thờ theo lệ cũ để dài lâu quốc mạch, lưu thơm muôn đời, thịnh cường mãi…”. Đó là thời kỳ đầu tiên nhà nước đứng ra quy định chế độ cho việc thờ cúng các Vua Hùng được ghi lại trong sử cổ. Từ đó, theo quy định làng thờ Vua Hùng được phong là trưởng tạo lệ - một chức như chức quan, nhưng chỉ riêng nơi thờ các Vua Hùng ở Đền Hùng mới có. Hàng năm được về triều đình lĩnh 3 đấu gạo và 1 quan tiền, cùng với hoa lộc ở ruộng đất công do triều đình ban để làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Thời nhà Nguyễn, khi dựng điện Thái Hòa ở kinh thành Huế đã cho treo ngay phía trên ngai vàng của nhà vua bài thơ về Đền Hùng:
Văn hiến nước nghìn năm
Vạn dặm chung một thế
Từ Hồng Bàng mở nước
Nghiêu Thuấn một trời Nam.
Và cho rước tinh linh (bài vị) của các Vua Hùng về Miếu Lịch Đại Đế Vương (Huế) để thờ. Triều đình chuẩn y cho phép vào bộ Khâm định Việt Sử thông giám cương mục mở đầu từ thời đại Hùng Vương. Hàng năm, triều đình liên tục cấp tiền để tu bổ, xây dựng đền thờ và Lăng mộ Hùng Vương ở Đền Hùng và cử các quan đại thần về giám sát. Quy định Xuân, Thu nhị kỳ hàng năm mở hội làm lễ tế.
Cùng với triều đình, nhân dân khắp nơi trong cả nước đã lập đền thờ Hùng Vương, về Đền Hùng sao chép thần tích, ngọc phả đem về thờ ở địa phương mình. Thời nhà Nguyễn, đã thống kê có hơn 1.000 làng xã lập đền thờ với khoảng 1.600 di tích thờ Hùng Vương và vợ con tướng lĩnh của Người.
Năm 2005, Bộ Văn hóa thông tin đã thống kê trong cả nước hiện nay còn 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con tướng lĩnh. Ở nước ngoài, cộng đồng người Việt nhiều nơi cũng đã lập đền thờ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội lớn ở khắp mọi miền đất nước, ngày hội tâm linh trong lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, theo bất cứ tôn giáo nào. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên! Mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm gì để xứng đáng với Tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng như lời Bác Hồ đã dạy:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
. Theo Báo Phú Thọ |