Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải
15:19', 29/5/ 2008 (GMT+7)

Trên mảnh đất "hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng" được chọn để xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô năm xưa, Đền thờ Vua Quang Trung vừa được hoàn thành đúng vào những ngày tháng Năm ý nghĩa. Công trình tôn vinh vị Anh hùng áo vải cũng chính là điểm nhấn trong bức tranh thành Vinh trên đường dựng xây và phát triển.

 

Đền thờ Vua Quang Trung vừa được khánh thành đầu tháng 5.2008.

 

Uy nghi lộng lẫy, hiện đại mà lại cổ kính, rộng rãi và khoáng đạt... đó là cảm nhận của chúng tôi, cũng như người dân thành phố Vinh (Nghệ An) và du khách thập phương khi đến thăm Đền thờ Vua Quang Trung. Toàn bộ ngôi Đền đều được làm bằng gỗ lim. Hệ thống vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót. Nền lát gạch bát kiểu cổ phục chế. Tường xây gạch bát, bó vỉa bậc cấp bằng đá Thanh Hoá, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản... Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi Đền được thiết kế 3 gian 2 dĩ, 4 hàng cột. Trong thiết kế và thi công, yếu tố gió trời, ánh sáng giao hòa cũng được tính đến. Điều đó thể hiện từ mỗi chắn song con tiện trở đi...

Công trình Đền thờ Vua Quang Trung đã hoàn thành trong niềm háo hức, đợi chờ của người dân thành phố Vinh sau gần 5 năm triển khai thực hiện. Ngoài ý nghĩa muôn đời ghi nhớ công lao to lớn và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Hoàng Đế Quang Trung, thì công trình còn tạo cho thành phố một quần thể kiến trúc có ý nghĩa về du lịch tâm linh và khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đền tọa lạc trên đỉnh núi Dũng Quyết. Đó được xem là đất tứ linh có 4 chi: Chi hướng về Tây gọi là Long thủ (đầu Rồng), chi hướng phía Đông Nam gọi là Phượng dự (cánh Phượng Hoàng), chi hướng về Đông Bắc gọi là Quy bối (lưng Rùa), chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con Mèo). Đền thuộc chi Phương Dực, cao 97m. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành An, Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cho biết: "Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2003. Dự án xây dựng Đền thờ Vua Quang Trung là công trình mang tính đặc thù văn hóa- tâm linh. Do đó phải có các giải pháp kiến trúc phù hợp với mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của một ngôi đền thờ truyền thống, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân". Chính vì yêu cầu cao như vậy, nên việc lựa chọn đơn vị thực hiện là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Hồng, Phó Chủ tịch TP. Vinh cho biết: "Dự án được chia thành 6 gói thầu. Trong đó, mục nào cũng quan trọng, và đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết, đồng thời lại phải thoáng đạt, bay bổng, lãng mạn trong sáng tạo và thể hiện. Điều này rất khó, thế nhưng, đội ngũ kiến trúc sư và đặc biệt là những người thợ hào hoa đã hoàn thiện ngôi Đền đạt mức độ sát đúng nhất so với thiết kế".

Không chỉ các kiến trúc sư, những người thợ giỏi giang mà còn rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hóa, khảo cổ, lịch sử, chuyên ngành tu bổ di tích, các bậc cao niên, các phóng viên báo chí... đã đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết cho công trình. Bởi vậy, công trình xứng đáng là niềm tự hào của mọi người con xứ Nghệ, đặc biệt là đối với thành phố Vinh trong tiến trình trở thành đô thị loại 1.

. Theo Báo Nghệ An

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (03/05/2008)
Một biểu tượng đặc biệt của Việt Nam  (11/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (08/04/2008)
Ngạc nhiên cùng Hầm Hô  (13/03/2008)
Một thoáng Xuân Quơn xưa  (23/02/2008)
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám  (20/02/2008)
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)
Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công  (15/02/2008)
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê  (04/02/2008)
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)
Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến  (11/01/2008)
“Sử sách sáng chói danh Thiên hộ”  (25/12/2007)
30 năm gìn giữ kho báu Nhà Tây Sơn  (15/12/2007)