|
Tái hiện cảnh vua Quang Trung và đô đốc cưỡi voi xuất quân sau lễ đăng quang tại festival, thu hút hàng ngàn du khách và người hâm mộ. |
Trong khuôn khổ Festival Huế 2008, hướng tới kỷ niệm 220 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và tiến quân ra Bắc (22.12.1788) đánh bại quân Thanh, ngày 6.6 tại Thừa Thiên - Huế đã diễn ra hội thảo khoa học Tây Sơn - Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung với nhiều tư liệu nghiên cứu mới được công bố.
Chẩn bệnh vua Quang Trung
Bác sĩ Bùi Minh Đức (hiện đang sống ở Hoa Kỳ) gửi đến hội thảo một báo cáo khoa học, hướng đến cái chết của Quang Trung. Để trả lời câu hỏi vì sao Nguyễn Huệ lại qua đời ở cái tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, bác sĩ Đức đã khảo cứu các nguồn tài liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là "huyễn vựng". Ông cũng theo dõi cách điều trị của thái y, cách chăm sóc của Hoàng hậu Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi chết, kết hợp với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành y hiện đại của nội, ngoại thần kinh, tai mũi họng, tim mạch... Từ những khảo cứu trên, bác sĩ đã đưa ra một giả thuyết về hồ sơ bệnh lý của vua Quang Trung như sau: "Tên: Nguyễn Huệ, giới tính: Nam, nghề nghiệp: chỉ huy quân đội, chết ở tuổi 39. Kết luận bệnh án: Xuất huyết não dưới màng nhện. Nguyên nhân tử vong: Viêm phổi sặc".
Theo tác giả, bệnh này y khoa hiện đại có thể thử nghiệm chữa trị bằng phương pháp chữa trị của căn bệnh "tai biến mạch máu não" rồi dùng phẫu thuật để điều trị thì có thể qua cơn tai biến và phục hồi.
Tìm thấy một bức thư của Ngô Văn Sở
Cũng từ Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Duy Chính đã đến văn khố của Cố cung viện Bác vật Đài Bắc và tìm thấy một bức thư của Đại tư mã Ngô Văn Sở, người được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giao trông coi Bắc Hà. Bức thư Ngô Văn Sở viết cho Phan Khải Đức và Trần Danh Bính. Từ bức thư này cũng có thêm nhiều thông tin liên quan đến con người Ngô Văn Sở. Tư liệu trên cũng cho biết thêm về chiến công của quân Tây Sơn vào mùa hè năm 1786 "chỉ trong vòng 10 ngày là thu phục được Phú Xuân (Huế), tiến thẳng ra Thăng Long": mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ có sai người đưa thư sang nhà Thanh để xin phong vương nhằm làm kế hoãn binh. Càn Long không những không phong vương mà còn cử binh sang đánh nước ta. Về phía Nguyễn Huệ, sau khi cho người đưa thư xong, từ Thăng Long ông tức tốc trở về Phú Xuân tích cực chuẩn bị cho cuộc chống chiến tranh xâm lược từ phía nhà Thanh. Điều này cho thấy tài năng phán đoán thời cuộc của Nguyễn Huệ.
6 bức tranh quý hiếm
Tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu 6 bức tranh quý hiếm Bình Định An Nam chiến đồ, do họa sĩ Dương Đại Cương thời Càn Long vẽ để mô tả cuộc chiến tranh xâm lược bất thành của nhà Thanh. Năm 2004, phiên bản 6 bức tranh này được Tạp chí Xưa & Nay tặng Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) nhân kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004). Đây là một tư liệu lịch sử hiếm có về quan hệ giữa vua Càn Long và vua Quang Trung thời vừa dứt trận năm 1789. Lần này, phiên bản 6 bức tranh cũng được ông Nguyễn Quốc Vinh - thạc sĩ khoa Ngôn ngữ và văn minh Á Đông của Đại học Harvard, tìm thấy tại thư viện sách quý Houghton của trường Đại học Harvard (Mỹ) và sao chụp đem về VN.
Tác giả Nguyễn Anh Huy, một người sưu tập và nghiên cứu tiền cổ tại Huế đã có báo cáo về khảo cứu đồng tiền dưới thời Tây Sơn có tên Quang Trung thông bảo-An Nam. GS.TS Choi Byung Wook (Hàn Quốc) và thạc sĩ Lê Thị Ngọc Cầm có báo cáo nghiên cứu: Quang Trung giả dưới con mắt của triều đình Choseon (Triều Tiên) đến Trung Quốc năm 1790 về nhân vật Nguyễn Quang Bình bí ẩn... Tổng cộng có 30 bản báo cáo đã được công bố tại hội thảo liên quan đến vị anh hùng dân tộc Quang Trung, một con người huyền thoại vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử chưa được làm sáng tỏ.
. Theo TNO |