Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
16:42', 1/7/ 2008 (GMT+7)

Hình tượng Quang Trung và công chúa Ngọc Hân trên sân khấu Hội Gò (Hà Nội). (Ảnh: VnExpress)

Một lần nữa, việc xây dựng Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân lại được đặt ra sau gần 20 năm rơi vào lãng quên. Xung quanh vấn đề này PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học, một trong những người đang nỗ lực đưa ý tưởng này thành hiện thực.

- PV: Với cái nhìn của một nhà sử học, ông có thể cho độc giả biết vài nét chính về thân thế, cuộc đời của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân?

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật:  Theo tôi, đây là mảng đề tài khá phong phú, đặc biệt là vai trò của bà đối với sự nghiệp của Nguyễn Huệ – Quang Trung từ sau năm 1786. Sau khi vua Quang Trung đột ngột băng hà (1792), Nguyễn Quang Toản lên kế vị, nội bộ triều chính Tây Sơn diễn ra nhiều mối mâu thuẫn gay gắt và chủ yếu là sự lộng quyền của ngoại thích, đứng đầu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.

Năm 1795, sau khi dẹp được phe phái của Bùi Đắc Tuyên, Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã ra sức chèo chống để ổn định triều đình. Bà đã tác thành cho Quang Toản với em gái bà là Ngọc Bình. Với mối quan hệ thân thiết nhiều chiều, bà đã trở thành chỗ dựa của vương triều Tây Sơn trong cơn sóng gió, tưởng như nghiêng đổ.

Dưới góc độ văn học, bà đã để lại tác phẩm chữ Nôm “Ai tư vãn” – bài tế vua Quang Trung được giới văn học đánh giá cao về tài năng văn chương mẫn tiệp, cũng như mối tình chung thủy của bà với vua Quang Trung.

- Được biết, việc xác định năm mất của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân là một chứng cứ quan trọng để làm sáng tỏ những oan khuất về cuộc đời bà. Xin ông nói rõ hơn về việc này?

Có một đặc điểm chung khi các nhà khoa học nghiên cứu về Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, đó là họ đều khẳng định năm mất của bà là năm 1799. Việc xác định thời điểm bà qua đời đã phủ nhận hoàn toàn lời đồn đặt dân gian rằng bà tái giá với vua Gia Long – kẻ thù chính trị số 1 của vua Quang Trung.

Bên cạnh đó, phần mộ của bà cùng hai người con từng tồn tại ở bãi Cây Đại, làng Nành, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) trong khoảng 40 năm (từ 1804 đến năm 1843) được chứng minh là có thật. Sự kiện vua Thiệu Trị nhà Nguyễn sai người đào mộ và đổ hài cốt 3 mẹ con bà xuống sông, và sau đó con cháu dòng họ Nguyễn Đình và nhân dân đã lập ngôi mộ tượng trưng trên bãi Cây Đại để thờ cúng bà cách đây trên 70 năm cũng được các nhà khoa học khẳng định.

- Theo ông, vì sao thời điểm này việc xây dựng Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân lại tiếp tục được nhắc đến. Và ý tưởng đó liệu có khả thi không?

Tôi cho rằng, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân là người có vai trò lớn đối với lịch sử dân tộc. Hà Nội sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN, những khu tưởng niệm các bậc danh nhân đất nước sẽ là một minh chứng lịch sử, trong đó có Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Mặc dù có công lớn, nhưng cho tới thời điểm này bà chưa có một nơi thờ cúng chính thức.

Những thông tin liên quan tới Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được sở VH –TT Hà Nội nghiên cứu cách đây gần 20 năm, chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm bà cũng đã được bàn thảo.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài, việc này lại bị rơi vào quên lãng. Cho tới cuộc hội thảo “Thân thế, sự nghiệp và hình thức tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân” vừa diễn ra tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, ý tưởng xây dựng khu tưởng niệm bà đã khá thống nhất.

Cụ thể là trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ thân thế, sự nghiệp của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, dưới góc độ quản lý văn hóa, quản lý địa bàn thì cần phải sớm xây dựng Khu tưởng niệm xứng với tầm vóc của một danh nhân đất nước ngay trên địa bàn xã Ninh Hiệp, quê ngoại của bà.

Khu tưởng niệm sẽ được xây theo hình thức xã hội hóa. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch huy động các doanh nghiệp và người dân địa phương cùng góp sức để làng Nành sớm có nơi thờ cúng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Dự kiến công trình sẽ hoàn tất vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nghiên cứu thú vị về Hoàng đế Quang Trung  (09/06/2008)
Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải  (29/05/2008)
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (03/05/2008)
Một biểu tượng đặc biệt của Việt Nam  (11/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (08/04/2008)
Ngạc nhiên cùng Hầm Hô  (13/03/2008)
Một thoáng Xuân Quơn xưa  (23/02/2008)
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám  (20/02/2008)
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)
Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công  (15/02/2008)
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê  (04/02/2008)
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)
Chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ và người cựu binh phản chiến  (11/01/2008)