Bên dòng sông Kôn
16:37', 8/7/ 2008 (GMT+7)

Một khúc sông Kôn tại Bến đò Trường Thi đã gợi lên trong nhà thơ Yến Lan bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng. (Ảnh: quehuong.org.vn)

Văn hóa mỗi vùng đất ít nhiều đều có gắn kết với những dòng sông, khi tĩnh lặng thơ mộng, khi dâng trào chảy xiết. Dòng sông chở nặng phù sa vun đắp sự trù phú cho làng quê. Sông ấp ủ những trầm tích văn hóa thăng hoa cùng bao thế hệ con người và tháng năm lịch sử. Cùng với những dòng sông lịch sử như ông Hồng, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà..., ở Bình Định có sông Kôn hiền hòa len lỏi qua những xóm làng rồi đổ về biển Đông, mà trong tâm thức của người đất Võ, nó cũng đã trở thành huyền thoại trong lòng người.

Về mặt địa lý, sông Kôn là dòng sông lớn nhất của Bình Định, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, có độ cao 925 mét từ khối núi Ngọc Roo ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai chảy qua Vĩnh Thạnh nơi có công trình thủy điện Vĩnh Sơn quy mô. Sông Kôn dài 171 km, lưu vực có diện tích lên đến 2980 km2. Đoạn thượng nguồn có tên là Đắc Kron Bung, theo hướng đông nam chảy qua huyện Tây Sơn để rồi gặp các nhánh nhỏ bắt nguồn từ An Khê và Vân Canh tạo thành dòng lớn. Đoạn giữa ở huyện Tây Sơn có tên là sông Hà Giao. Sau đó tiếp tục chảy qua huyện An Nhơn và gặp một nhánh khác từ hồ Núi Một (Vân Canh) chảy xuống. Đoạn hạ lưu chia thành nhiều nhánh, đổ ra đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn và có tên là sông Cái.

Dọc dài qua nhiều địa bàn, nhưng khi đến Bình Định, sông Kôn rực sáng cùng những huyền thoại văn hóa. Anh Hai Trầu (sau này là Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc) từng ngược xuôi trên dòng sông này trước, trong và sau ngày dấy binh khởi nghĩa, để rồi định danh bến Trường Trầu bên làng Kiên Mỹ- quê hương ba vua Tây Sơn. Hành trình lưu lạc về phương Nam của những người Minh Hương và lưu dân Đàng Ngoài cũng đã tạo nên nhiều các thị tứ, phố chợ sầm uất, vang danh một thời ở đôi bờ như chợ An Thái (An Nhơn)...

Qua bao biến thiên lịch sử, lác đác trên những ngọn đồi cao ở đôi bờ sông Kôn vẫn còn lưu giữ những ngọn tháp Chăm đồ sộ, huyền ảo, từng gợi thi hứng cho không ít thi nhân. Những ai yêu mến Bình Định, luyến lưu vẻ đẹp xưa cổ, thì không thể quên những câu thơ bất hủ của Văn Cao:

Từ trời xanh

rơi

vài giọt tháp Chăm

quanh Quy Nhơn

tôi

như đứa trẻ yêu huyền thoại...

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn trong chuyến lên Tây Sơn nhân dịp kỷ niệm 255 năm Ngày sinh Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, đã bảo “vài giọt tháp Chăm” ấy, xứng đáng được gọi là một “bảo tàng tháp Chăm thiên nhiên khổng lồ”. Đối với Bình Định, không có vệt văn hóa nào có chiều sâu như vệt văn hóa sông Kôn.

Hoạt động văn hóa sẽ tiếp nối và làm sống dậy những gì cũng thuộc về văn hóa, dù là cổ xưa nhất. Nay, những dấu ấn huyền thoại đôi bờ sông Kôn được đánh thức qua tiểu thuyết lịch sử "Sông Kôn mùa lũ" của Nguyễn Mộng Giác đã được Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) dựng thành phim dài tập và hiện nay là sự kiện Festival Tây Sơn – Bình Định 2008. Lễ rước Hoàng đế Quang Trung nhập điện xuất phát từ bến Trường Trầu cùng với đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại sẽ đưa lòng người về một thời kỳ lịch sử với niềm tự hào thiêng liêng không chỉ của riêng Bình Định.

  • Đình Phú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (01/07/2008)
Những nghiên cứu thú vị về Hoàng đế Quang Trung  (09/06/2008)
Đền thờ Vua Quang Trung: Tôn vinh người anh hùng áo vải  (29/05/2008)
Ai về phố biển Quy Nhơn...  (12/05/2008)
Quy Nhơn cà phê… !   (03/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (03/05/2008)
Một biểu tượng đặc biệt của Việt Nam  (11/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (08/04/2008)
Ngạc nhiên cùng Hầm Hô  (13/03/2008)
Một thoáng Xuân Quơn xưa  (23/02/2008)
Ấn tín nhà Tây Sơn và ngôi mộ thần thái giám  (20/02/2008)
16 năm theo đuổi một giả thuyết  (18/02/2008)
Nguyễn Huệ - anh hùng đại võ công  (15/02/2008)
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - một ngôi sao khuê  (04/02/2008)
Năm năm - một chặng đường đáng ghi nhận  (29/01/2008)